6 thg 3, 2010

Việt Nam! Việt Nam!


VIỆT NAM!
VIỆT NAM!

Việt Nam! Việt Nam! nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói trên vành môi
Việt Nam nước tôi
Việt Nam! Việt Nam! tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời...

Việt Nam đây miền xanh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu

Việt Nam trên đường tương lai
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam muôn đời...

Phạm Duy

5 thg 3, 2010

Tôi là người Việt


tôi là người Việt

Tôi là người dân Việt, sinh giữa lòng đất nước tổ tiên tôi...

Nước tôi là một nước bé nhỏ ở ven bờ bể cả, có núi lớn làm thành, sông sâu làm lũy, có những danh lam thắng cảnh trang hoàng.

Dân tôi là một giống dân hiền lành nhưng quả cảm, kiên nhẫn và kiêu hùng, một giống dân giàu tình cảm và nhân đạo.

Tôi yêu nước tôi, tôi mến dân tộc tôi, lòng yêu mến của tôi vô lượng, vô biên, thiêng liêng, cao cả. Vì nước tôi là nơi chôn nhau cắt rún của tôi, vì dân tôi đã biết giữ gìn đất nước tôi.

Tôi sống trên mảnh đất tổ tiên tôi đã sống, tôi thở không khí của tổ tiên tôi đã thở; những đồi núi, sông ngòi, những cỏ cây, hoa lá, đâu đâu cũng phảng phất, in hình dấu vết tổ tiên tôi.


Quốc Sử lớp nhì - 1965

Người nhà quê

người nhà quê
Nguyễn Ngọc Tư

Họ là ai? Là những người đi vệ sinh không nhấn nút xả nước dội cầu, mang dép vào nhà mặc cho nền gạch bóng lộn...

Vì “mù” luật giao thông, họ lừng khừng qua đường trước mũi xe ta (ngay cả lúc ta quyết định dừng lại nhường họ qua thì họ lấm lét rụt lại, không thèm đi tiếp nữa).
Họ hà tiện, thích ăn những món rẻ tiền bên đường, kém vệ sinh. Họ ăn mặc đơn điệu, luộm thuộm, có chưng diện cũng thô thiển, quê mùa, từ đôi bông tai vàng chóe cho tới kiểu tóc uốn dợn. Họ cả tin vào chuyện thần thánh vẩn vơ, những tin đồn buồn cười.
..
Họ gây cho ta một sự khó chịu cả khi bày tỏ tình cảm, khi cố nài ép ta phải nhận món quà là buồng chuối chín, hay dăm ba trái dừa khô, đôi lúc họ còn dúi vào tay ta một con vịt ốm nhách, hôi hám, lấm láp phèn.
Hình ảnh họ là một vết lấm lem trên cái nền thị thành rực rỡ. Và mỗi khi có cảm giác khó chịu với người nhà quê, mỗi khi lườm nguýt, cười cợt họ, mỗi khi chen vào con đường lúc nhúc xe cộ, buột miệng mắng nhiếc họ: "Bộ muốn chết sao?”, tôi đều tha thứ cho mình.
Nhưng mười một giờ trưa ngày thứ hai vừa rồi, trên đường về nhà, người đi cạnh tôi tạt câu nói đó vào một người nhà quê (thật dễ nhận ra với áo bà ba nâu khoác ngoài cái áo túi đã phai màu, tay xách giỏ đệm) lủi thủi đi trong khói nắng, tôi bỗng nghe nhói ran. Bỗng thấy giận cái người đã buông lời đau như ném đá.
Bỗng thấy tôi đã thay đổi đến giật mình, đ
ến ngơ ngác, không biết người nhà quê trong mắt tôi đã khác tự hồi nào, sao tôi lại ngoay ngoắt thương yêu họ đến thế kia. Họ có khác gì đâu, vẫn nghèo, lam lũ, cục mịch và bỗ bã.
Những mùa mưa, tôi thấy họ ngồi khóc bên đống lúa ướt đã lên mầm trắng xóa. Tôi thấy những phụ nữ dầm mình dưới kênh, bẻ rau mưống ra chợ bán, món tiền cho một thúng rau chỉ bằng tô phở sáng của tôi. Tôi thấy những bữa cơm nghèo, người già, trẻ nhỏ cũng chỉ rau luộc chấm chao, hay mấy con cá lòng tong kho tiêu, mặn và khô quắt.
Những mùa nắng, tôi thấy họ gánh nước tưới rau hay đào đất sên vuông giữa trưa nóng rẫy. Họ đi qua mùa nông nhàn, mùa giáp hạt bằng cách bắt chuột đồng, hay đào củ năng để bán. Cả đống lúa nhễ nhại mồ hôi, thành quả lao động ngót ba bốn tháng ròng chỉ đáng giá một cuộc tiệc nhậu của người thành thị.
Những món quà họ dành cho tôi cũng chẳng sang trọng lên chút nào. Vẫn chuối, dừa, ổi, mãng cầu chín trong vườn nhà, họ dúi vào túi xách khi tôi xuống bến. Có ông cụ còn tặng tôi một mặt thớt mù u, tôi đem về quẳng vào một góc. Sau này, nghe tin ông mất vì bệnh uốn ván. Tôi lấy đinh đóng vào tường treo mặt thớt đó lên, không biết đau ở đâu mà suýt rơi nước mắt.
Những người nhà quê, họ là ai? Những chuyến công tác ở vùng đất xa ngái của quê nhà đã giúp tôi vẽ lại họ một chân dung khác. Họ nhọc nhằn cả đời để rồi cả đời nghèo khó, thiệt thòi. Tôi ngả lòng về phía họ khi nhận ra điều đó. Hay vì một bữa đứng ở Sài Gòn, tôi đắng đót nhận ra mính cũng là người nhà quê, mình chưa và không bao giờ từ bỏ được sự thật đó. Ngay lúc ấy, tôi bỗng nghe thèm được ai đó cầm tay dắt qua đường, mà không, một cái nhìn ấm áp thôi cũng được…

Mái nhà


mái nhà

Hình như chữ “quê nhà” phải được hiểu là ở quê hương đó có một mái nhà của mình. Vì có một mái nhà nên dù lưu lạc ở nơi đất khách quê người, thường vẫn có một nỗi hoài hương. Muốn về để được đặt bàn chân lên thềm, để ngắm nhìn lại những kỷ niệm đã trở thành linh hồn của mỗi nơi nằm, ngồi, đi đứng...

Căn nhà có thể nhỏ, lớn, rộng, hẹp nhưng những kích thước ấy phải mang đầy đủ linh hồn của mỗi đời người, mới khiến mình tìm được đầy đủ sự yên lành khi trở về.

Mỗi căn nhà, khi có điều kiện, thường phải là một phản ánh gần như trung thực tâm hồn của con người cư ngụ trong nó.

Có người khách lạ đến nhà chỉ cần nhìn kiến trúc và cách bày biện, sắp xếp trong nhà (architecture et décor intérieur) có thể biết ngay chủ nhân của nó là ai, thuộc thành phần nào trong xã hội.

Trong những ngày bão giông, nắng cháy, mưa dầm, không thể nào không thấy gợn lên trong lòng một nỗi biết ơn thầm kín dành cho người đã nghĩ ra một nơi cư trú cho con người.

Không có bất cứ một sinh vật nào trên mặt đất này mà không có một nơi chốn cư ngụ riêng. Từ loài có cánh cho đến loài đi trên mặt đất, rồi loài bơi lội dưới biển sông...

Con người vì một sự thông minh thiên phú đã biết biến nơi cõi tạm này thành một chốn cư trú đầy huyễn hoặc. Nhà cửa, đền đài trên mặt đất cứ theo thời gian mà lung linh, biến hóa, thay hình đổi dạng theo sự sáng tạo của con người.

Mái nhà là tiếng có một âm vang tình cảm sâu kín trong lòng mỗi con người. Chỉ có ở đó, mình mới tìm thấy được mình đầy đủ nhất. Đó là cái nôi thứ hai ru mỗi đời người khi lớn lên. Vì vậy mỗi người phải cố gắng đừng bao giờ để dưới mái nhà ấy có một địa ngục. Vẫn có những kẻ đã rời bỏ mái nhà đi không một chút tiếc thương, nhưng kể từ đó trong tâm hồn người ấy sẽ không bao giờ còn sự bình an nữa...

Rứt bỏ mái nhà để ra đi cũng như phụ rẫy một tình yêu. Mái nhà ở lại hoàn toàn vô tội. Mái nhà vẫn chờ cửa để đón người trở về, nhưng người ra đi thì không bao giờ kéo được mái nhà về với mình nữa.

Có được một mái nhà riêng trong lúc sống là một hạnh phúc, nhất là mái nhà ấy là hình ảnh của chính mình.

Trong những ngày cuối năm này tôi cùng mấy người em suốt ngày đứng trông coi những người thợ xây mộ cho mẹ tôi. Mộ cũng là một thứ kiến trúc dùng làm nơi cư ngụ cho một người không còn sống.

Thường ở các nghĩa trang, mộ được xây theo một kiểu mẫu đồng dạng. Đó là một loại nhà tập thể cho những người đã khuất. Nhìn vào thấy buồn, ngậm ngùi và sự vô nghĩa của cái chết càng vô nghĩa hơn.

Có một kiến trúc sư tôi không còn nhớ tên, cũng vì sự buồn bã trên, đã tự mình biến tất cả những ngôi mộ trong nghĩa trang mà anh có người thân đã mất thành những tảng màu đá ghép (mosaïque). Và từ đó nghĩa trang trở thành một vườn chơi cho trẻ em. Người sống và người chết đã có một sư giao lưu mới, và cuộc đời bỗng nhân ái hơn.

Tôi mong là mẹ tôi cũng vậy. Nhờ những người bạn kiến trúc giúp thể hiện trên bản vẽ những ý nghĩ của tôi và cũng là tâm hồn của chính mẹ tôi, chúng tôi đã có được một giường năm cho mẹ thật nhàn nhã, nhẹ nhàng và thanh thoát. Đó không phải là một ngôi mộ , mà chỉ là nơi yên nghỉ của một con người. Ở đó không có dấu vết u ám của cái chết mà chỉ là lời từ biệt của một con người đã có lời hứa với riêng tôi sẽ còn gặp nhau ở năm 2000.

Kiến trúc không chỉ là cái đẹp mà phải mang trong nó lòng nhân ái nữa. Nghĩa là một cái đẹp có tâm hồn...

Trịnh Công Sơn

12-1991

2 thg 3, 2010

Ngủ quên


NGỦ QUÊN

Ngủ quên bên chân mẹ
tỉnh giấc thấy mình mồ côi...

Ngủ quên trên cây
tỉnh giấc thấy mình... dưới đất
Ngủ quên trên lưng gió
nằm mơ trên đồi cỏ
tỉnh giấc hóa cơn mưa
Thức giấc lúc ban trưa
thấy mình hóa nắng
Ngủ quên bên đời vắng
con mắt hẩm hiu buồn
Nằm mơ dưới trăng suông
thương con dế khóc
nghe sương rơi, cỏ mọc
quay quắt nhớ người xa...
Ngủ quên bên hoa
thức giấc nghe tim mình lỗi nhịp