15 thg 12, 2009

Tết này nhà mình


Tết này nhà mình

Song Phạm


Tết này nhà mình không ai gói bánh tét

rồi muối, tương, dưa, cà, mứt các loại cũng không ai biết làm

hoa các loại cặm bừa ngày rước ông bà, đưa ông táo

đứa nào xung phong xông đất đầu năm?


Tết này nhà mình chao ôi trống vắng

một lũ con, đông đàn cháu biết tụ về đâu?

dưa chẳng thắm, hoa không lừng hương mùng một

áo mới treo góc nhà, bao lì xì trong túi ngủ yên


Tết này nhà mình không có khách

mai vàng sân lòng chẳng ấm tẹo nào

trở tới, xoay lui

mùng nào cũng không thấy tết

lá rụng tha hồ tao tác mảnh sân con


Tết này nhà mình không biết tết

bởi vì má đã đi xa…


(Photo by ChiBi Blog)

30 thg 11, 2009

Quặn lòng chim cuốc


quặn lòng chim cuốc


Ch nghĩa cũng chừng đó thôi

hai mươi tư vần ghép lại

những câu thơ cằn,

cỗi

như cỏ dại vàng võ phất phơ trên con đồi dài


Thương đàn cò bay ngang chiều loáng mặt sông

thương con nước đắn đo về-ở

thương con đê gió lạ luân phiên tràn xứ sở

ngật ngòng bèo nổi mây xa


Mang tuổi thơ trên lưng diều vắt ngang trời

thương ai mòn con mắt xót

này mắt nâu, này tóc đen, này da sẫm

yêu thương chất trĩu không lớn nổi

chiều xuân gọi nhau ra sông hát vọng ới chiều…


Chạy suốt trăm năm

Mẹ trở về trên cành hoa rất trắng

mắt hóa sao, tim hóa nắng trên đồi

hồn lờ lững theo đàn con gót ướt

tóc bồng mây trôi trên sông thơ


U u… gió về

sóng cuộn

quặn lòng chim cuốc


SongPhạm 11-2009

18 thg 11, 2009

Gửi Trương Tửu

Gửi Trương Tửu

Nguyễn Vỹ

Nay ta thèm rượu nhớ mong ai…
Một mình nhấp nhém, chẳng buồn say!
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò truyện dông dài, mặt đỏ sẫm,
Nay một mình ta một be con.
Cạn rượu rồi thơ mới véo von!

Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác,
Mà vẫn coi tiền như cỏ rác.
Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang,
Rủ nhau chè chén nói huênh hoang.
Xáo lộn văn chương với chả cá,
Chửi Ðông, chửi Tây, chửi tất cả,
Rồi ngủ một đêm mộng với mê .
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!

Bây giờ thời thế vẫn thấy khó,
Nhà văn An-nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút viết văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Rồi nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh
Ðã rụng bao nhiêu mái tóc xanh.
Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng?
Tôi làm Trạng-Nguyên anh Tể-Tướng,
Rồi anh bên Võ tôi bên Văn,
Múa bút tung gươm hả một phen?
Cho bõ căm hờn cái xã hội
Mà anh thường kêu mục, nát, thối?
Cho người làm ruộng, kẻ làm công.
Ðều được an vui hớn hở lòng?
Bây giờ chúng mình gạch một chữ
Làm cho đảo điên pho Lịch-sử!
Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa
Hất mồ nhổm dậy cười say xưa
Ðể xem hai chàng trai quắc thước
Quét sạch quân thù trên Ðất Nước?
Ðể cho toàn thể dân Việt Nam
Ðều được Tự-do muôn muôn năm?
Ðể cho muôn muôn đời dân tộc
Hết đói rét, lầm than tang tóc?
Chứ như bây giờ là trò chơi!
Làm báo làm bung chán mớ đời!
Anh đi che tàn một lũ ngốc
Triết lý con cừu, văn chương cóc!
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà,
Ra chợ bán văn ngày tháng qua!
Cho nên tôi buồn không biết mấy!
Ðời còn nhố nhăng, ta chịu vậy!
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa,
Bực chí, thành say mấy cũng vừa.
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!
Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,
Rốt cuộc chỉ còn… mộng với mơ!

(Viết rồi hãy còn say!)

20 thg 10, 2009

Vietnamese Women's day


Bông súng (South Vietnam's Water Lily)

Mom, Dad & Hana 2009 Thanksgiving

Mom & Dad
... and Hana

9 thg 10, 2009

Bạn sẽ hiến dâng gì? - R.Tagore

Bạn sẽ hiến dâng gì?
thơ R. Tagore

Đêm hôn ngày dần nhạt
Với một tiếng thì thầm
Ta - mẹ ngươi - sự chết
Từ ta ngươi sẽ tái sinh

Bạn sẽ hiến dâng gì
Khi tử thần gõ cửa?

Cuộc đời tôi chan chứa
Rượu ngọt ngào ngày thu và những đêm hè,
Cái kho nhỏ lượm lặt tháng năm
Và những giờ sống nồng ấm

Này sẽ là tặng vật
Khi tử thần gõ cánh cửa tôi…

Painting: At the time you died (falling-apart.net)

1 thg 10, 2009

Dalat



lâu lâu ghé qua nhà post hình cũ lên coi chơi

NhaTrang


hình chụp hồi đi công tác ở Nha Trang, cũng hơi lâu lâu rồi...

19 thg 7, 2009

Thiên thạch

thiên thạch
nó vẽ vào chiếc lá một tình khúc
lá khô
tình khúc quắt queo
nó vạch vào lòng một tứ thơ khập khênh
gió thốc từng cơn
sóng cuộn từng cơn
thơ vỡ òa bọt biển

nó yêu một dãy sao xa lắc
theo cơn mơ
nó vào vũ trụ
chỉ thấy các thiên thạch với bề mặt lỗ chỗ

đêm
úp mặt xuống nền gạch lạnh
nó khóc

sao
rụng
xuyên đêm...

(load lại mấy bài thơ cũ theo yêu cầu của một người bạn cũ...)

Chiếc lá

chiếc lá

có chiếc lá khúc khích đùa trên vai tôi
chiếc lá hát nghêu ngao
chiếc lá còn biết khóc
tôi yêu chiếc lá nên chợt sợ
một ngày theo dám mây xám xỉn
chiếc lá bay về phía mùa đông...

7 thg 7, 2009

Trong căn phòng 4 mét vuông, tôi chạy bộ...

trong căn phòng bốn mét vuông, tôi chạy bộ
thơ songphạm
Có đốm nắng mỗi buổi sáng chui vào căn phòng tôi
đốm nắng nhỏ nhoi
tôi có thể chạm tay, có thể áp mặt vào
nhưng không thể nắm bắt
đốm nắng có mây đi ngang, gió đi ngang
mờ mờ, tỏ tỏ
vụt to lên trong lòng tay
rồi chỉ như một dấu chấm, như đầu ngón tay xinh

Đốm nắng nhỏ nhoi
là câu hỏi nôn nao
là hàm chứa một tình yêu khôn kham
đáng sợ
là niềm tin vào chuyến phiêu du bắt buộc
trói lòng nhau đợi chờ

Bởi vì chúng ta đã bị đuổi khỏi thiên đường
kể từ buổi Adam và Eva phạm lỗi
chúng ta bay giữa khoảng trống thời gian theo những đường bay thẳng đứng
để rồi mỗi sớm mai trong căn phòng bốm mét vuông
vì cái đốm nắng nhỏ nhoi kia
xuyên qua không gian, thời gian
tôi chạy bộ
hít thở bốn mét khối không khí
(mớ không khí chẳng mấy trong lành tỏa ra từ mảng tường ám khói ố vàng)

Thế cũng đủ cho tôi
khi những giới hạn cá nhân chật chội dồn nén từng người
trái tim ứ tràn một thứ dịch mộng mơ, hoang tưởng
duy cái đốm nắng bé xinh có thể khiến tôi thấy mình hiện hữu
vậy nên đôi mắt, bàn tay, đôi chân, tâm hồn, hơi thở này
tất cả
phải được giữ lại cho đốm nắng tôi yêu

Tôi thường cắt ngang những suy nghĩ của mình
và bắt quàng qua những suy nghĩ khác
suy nghĩ nào cũng dẫn về phía chông chênh
tôi ói ra hai con cánh cam, một bông hoa và một bầy ẩn dụ
hạnh phúc trong sự gắn bó bất tận
đốm nắng níu tôi lên
bất chợt quanh quanh triệu triệu đại dương ầm ào vỗ sóng
dù chỉ là khoảnh khắc, là ánh chớp
là sức lực hạn hẹp của trái tim mỏng mảnh bóng đèn

Dù khi tôi bị cuốn phăng vào dòng sống
bị nhận chìm, bị quăng quật nát tan bên ghềnh đá đợi chờ
cầm trong tay đốm nắng
sưởi lòng mình
lại nhìn mây trôi ngang, nhìn gió trôi ngang
chẳng thèm loạng choạng lo âu trời đất nữa
chỉ lặng lẽ yêu thương, lặng lẽ kiếm tìm…

Sớm nay
có kẻ bay cùng đốm nắng
về phia hành tinh của hoàng tử bé xa xôi
cùng đi kiếm mặt trời...

KTS Trần Bình

Ngày đầu tiên gặp nhau!
(ngồi đợi bài, lục lọi mớ hình cũ và thấy...)

5 thg 7, 2009

Bà Phùng Há qua đời

trong vai An Lộc Sơn
thời xuân sắc
"Chồng, con, và cả những người tình cũng lần lượt đi về bên kia thế giới. Theo thuyết giáo của nhà Phật, khi ta sống, cái gì ta cho thì cái đó chính là tài sản ở lại với ta. Phải chăng, những thứ quý giá mà cô đã cho, đó chính là những vai diễn, những môn sinh mà cô đã nhọc công đào tạo để làm nên một thế hệ cải lương vàng son, vang bóng một thời..."

TRĂM NĂM NHÌN LẠI

Ông Trương Nhân Trưởng, người làng Phú Lạng, huyện Hạc Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Những năm cuối thế kỷ XIX, ông đi làm thuê cho một vựa trái cây ở Quảng Tây, một buổi tối, ông nghịch ngợm lấy viên pháo nhét vào bính tóc của một người bạn rồi châm tàn thuốc lên ngòi pháo, pháo nổ, bính tóc bay mất. Chuyện chỉ có vậy, nhưng ông bị nhà chức trách truy nã về tội mưu sát, phải rời bỏ nhà cửa, vợ con và tổ quốc để làm kẻ lưu vong sang Việt Nam.

Đến Mỹ Tho, ông làm nghề mua bán thịt bò. Tại đây, ông kết hôn với bà Lê Thị Mai, một thôn nữ đẹp người đẹp nết ở làng Điều Hòa và sinh được bảy người con, bốn trai ba gái. Câu chuyện về ông sẽ không được ai biết đến, sẽ không có gì để kể thêm. Nhưng chính cái ngả rẽ vô tình của cuộc đời ông lại là cội nguồn của Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há.

Khác với những người Hoa khác, con cái của ông Trưởng lớn lên đều được ông đưa về cho bà vợ lớn ở cố hương để học ngôn ngữ và lễ nghi Trung Quốc, sau đó muốn ở lại hay trở qua Việt Nam thì tùy theo điều kiện và ý thích của mỗi người.

Năm 1915, ông Trưởng qua đời trong khi đang trở thành một người giàu có ở Mỹ Tho: Một lò gạch, một xưởng cưa và một trang trại nuôi bò. Cô Bảy Phùng Há lúc bấy giờ mới lên năm tuổi. Ông Trương Tích Kỳ, con trai đầu của ông Trưởng cùng với chú ruột là Trương Nhân Bá đã lập mưu chiếm đoạt cơ ngơi bằng cách giao cho bà Mai cùng với cô Bảy và người em út là Trương Nguyệt Hảo mang bộ hài cốt hỏa táng của ông Trưởng về Hạc Sơn an táng và ở lại bên ấy để thọ tang.

Năm ấy, ở Quảng Đông xảy ra trận dịch đậu mùa, hàng ngàn người thiệt mạng, trong đó có Trương Nguyệt Hảo. Cô Bảy thoát chết nhưng mang trên gương mặt trẻ thơ lớm đớm vết rỗ hoa mè. Sống trong cảnh làm thiếp mà không chồng, bà Mai không chịu nổi những tập tục, lễ nghi phong kiến hà khắc của gia đình Tàu mà mọi quyền hành nằm trong tay bà chánh thất, bà Mai khóc thầm trong đau khổ, muốn trốn về quê mà túi lại không tiền.

Hiểu được cảnh ấy, người con gái thứ tư của bà là Trương Liên Hảo, đang làm dâu một nhà hào phú ở Hạc Sơn, đã lén chồng bán của hồi môn để mua vé tàu cho mẹ và em về nước.

Trên chuyến tàu Tây hôm ấy, mấy bà đầm phát hiện cô Bảy Phùng Há mắc bệnh đậu mùa, họ la chóe lên, hành khách xôn xao, thủy thủ đoàn kéo cô quăng xuống biển, mẹ cô lạy lục van xin, những hành khách người Việt và người Hoa đứng ra ngăn cản. Cuối cùng họ đồng ý cho cô đi nhưng hai mẹ con cô phải cách ly, ngồi vào một góc xa phía sau hầm máy.
Về đến Mỹ Tho, bà Mai mới tá hỏa ra rằng mình không còn quyền hành gì trong ngôi nhà cũ, và tất cả cơ nghiệp của ông Trưởng đã thuộc về người em chồng và đứa con trai. Sống trong nhà mình mà con trai và con dâu luôn nặng lời chửi em, mắng mẹ.

Một hôm, Trương Tích Kỳ ném cho bà Mai hai chiếc vé tàu và mấy đồng lộ phí buộc bà và cô Bảy Phùng Há trở về Hạc Sơn. Bà Mai tức tửi, nghẹn ngào dắt con gái về làng cũ Điều Hòa, tá túc trong căn chòi xơ xác của người mẹ mù lòa. Bà bị suy sụp rồi lâm bệnh. Cô Bảy Phùng Há - cô bé Trương Phụng Hảo lúc ấy - đành phải chạy ra tìm anh Hai để xin tiền lo thuốc thang, ăn uống cho mẹ và ngọai.

Trong cơn say sượu và thuốc phiện, ông Kỳ đã không cho tiền mà còn nặng lời trách mắng vì đã không về Hạc Sơn theo ý muốn của ông. Cô chạy sang nhà của cha mình mà bây giờ đã thuộc về tay người chú ruột để khóc than, ông Nhân ném cho một đồng rưỡi, ông hứa mỗi tháng sẽ cấp cho mẹ con cô từ một đồng rưỡi đến hai đồng.
Bà ngoại qua đời, hai mẹ con cô tiếp tục sống trong căn chòi hiu quạnh, xác xơ, bữa rau bữa cháo. Dù trong cảnh nghèo đói, khổ đau, nhưng bà Mai vẫn vắt kiệt sức mình trong một tiệm thêu để cho con gái được đến trường. Một người bạn cũ của ông Trưởng đã giúp cô Bảy được vào học miễn phí ở trường Ecole Jeunes Filles - một trường tiểu học của Pháp tại Mỹ Tho. Và tại nơi đây, cô Bảy Phùng Há đã bắt đầu nổi tiếng về năng khiếu ca hát của mình. Nhưng cũng chính vì cái năng khiếu ấy mà Cô đã bị đuổi ra khỏi trường khi chưa học xong chương trình tiểu học.

Hôm ấy, bà đốc học La Fuste đi vắng, bà Giáo Kỳ vốn mê giọng hát của Trương Phụng Hảo nên tổ chức cho cô hát trong giờ học của bà. Phòng học nằm cạnh ven đường nên khi cô hát, người qua đường cũng đứng lại xem, rồi những tràng pháo tay vang lên. Bất ngờ, ông chánh thanh tra Ty giáo huấn ghé qua, ông buộc tội học trò Trương Phụng Hảo làm mất trật tự học đường. Bị đuổi học, Cô Bảy Phùng Há chợt nhớ lời một nữ tu hồi cô còn học bên trường Giồng: “Con hát hay lắm, nhưng chính giọng hát của con sau nầy sẽ làm khổ đời con”.

Thật ra, lúc ấy nếu cô không bị đuổi học thì cũng không còn điều kiện nào để học. Mẹ cô vì lao lực lẫn lao tâm mà kiệt sức, nay ốm mai đau. Để có từng bữa ăn cho hai mẹ con, cô Bảy phải lặn hụp dưới từng con rạch, dòng sông để kiếm từng con cá bống, con tép, con cua, đi móc từng trái dừa thuê cho các chủ vườn để mua cho mẹ từng thang thuốc bắc.

Một hôm, có bà láng giềng tốt bụng đã giới thiệu cô vào làm công cho lò gạch của ông Bang Hoạch. Cứ in một trăm viên gạch, cô được trả ba xu. Với sức vóc của cô bé lên mười, mỗi ngày cô kiếm chưa được mười xu, nghĩa là chưa đầy một cắc bạc.

Nghĩ mình từng là con của ông chủ lò gạch, bỗng dưng lại trắng tay, giờ phải ngồi in từng viên gạch, chắt mót từng đồng xu ở một lò gạch khác, lòng cô cứ ngậm ngùi, buồn chán cho thân phận, cô vừa làm vừa nghêu ngao hát như một sự giải bày. Nhưng mỗi lần cô hát thì cả nhóm thợ lắng nghe. Tiếng hát của cô đã gieo vào lòng người một niềm cảm xúc đến nao lòng. Mấy chị bảo: “Từ nay em không phải làm nữa, cứ vào đây ngồi hát cho mấy chị nghe, mấy chị sẽ làm thay phần việc cho em”.
Như vậy, tiếng hát của cô đã nuôi sống mẹ con cô từ năm mười một, mười hai tuổi, để rồi từ nơi ấy, từ cái lò gạch ấy, tiếng hát của cô mỗi ngày cứ vang lên, bay cao và bay xa hơn, khắp mọi miền Tổ quốc, vượt cả không gian và cả thời gian để trở thành cây đại thụ của nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.
*
Có những lúc cô đang hát say sưa thì bất chợt nhìn thấy một người đàn ông đứng trước cửa lò gạch nhìn vào, say sưa nghe cô hát Nhiều lần, khi cô đang ngồi hát say sưa thì chợt thấy từ phía cửa sổ hành lang lò gạch có một người đàn ông lặng nhìn say sưa nghe cô hát. Rồi cũng bất chợt một buổi chiều khi đi làm về thì thấy người đàn ông ấy đã có mặt trong nhà cô. Mẹ Cô cho biết đó là ông Hai Cu, chủ tiệm vàng kiêm bầu gánh Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho.

Gánh Tái Đồng Ban đang gặp sự cố, con trai ông, kép hát Hai Gỏi vừa mới qua đời, người tình của anh là cô Năm Phỉ, đào chánh, đã buồn bã ra đi. Trong khi ông đi tìm đào thay cho Năm Phỉ thì có người nói với ông rằng “Trong lò gạch của ông Bang Họach có con bé xẩm lai hát còn mùi hơn cô Năm Phỉ”...

Ông không tin nhưng vẫn tìm đến để cầu may. Nhưng ngay từ hôm đầu tiên đứng ngòai cửa sổ lò gạch trộm nhìn nghe cô hát, ông đã bị hốt hồn. Một lần, hai lần, rồi ba lần... cứ đứng lặng người nhìn cô say sưa hát, tiếng hát thanh cao, khi trầm khi bổng, khi quặng thắt lòng người, đôi mắt cứ lững lờ, rười rượi nỗi sầu tư, chơi vơi trong cõi hư vô khiến cho ông Hai như muốn thốt lên rằng, con ơi, con không chỉ là một thiên thần bé bỏng mà là dấu hiệu của một tài năng.

Bà Mai không bằng lòng cho con mình đi theo Tái Đồng Ban bởi hai lẽ: Thứ nhất, cô Bảy chỉ mới mười ba tuổi, thứ hai, mới mười ba tuổi mà đã dấn thân vào con đường “xướng ca vô lọai” thì ắt phải hổ danh trong cái nhìn phong kiến lúc bấy giờ. Nhưng cô Bảy thì cương quyết: “Con không chịu nổi cái lò gạch, con phải đi hát để có tiền nuôi mẹ, ai cười chê mặc kệ, họ cười chê chớ họ có giúp mình đâu khi mẹ đói, mẹ đau”.

Ông Hai ra giá tám cắc bạc cho mỗi đêm hát, ngày nuôi hai bữa cơm. Cô Bảy nghe mà mừng trong bụng khi nghĩ đến cái thực tại ngồi ép gạch suốt ngày chưa được một cắc, cơm thì bữa đói bữa no, mẹ ốm đau không đủ tiền mua thuốc, nợ nần chồng chất không biết trả đến kiếp nào. Cô nói với ông Hai: “Con đồng ý nhưng xin ông hai điều kiện, thứ nhất ông cho mẹ con theo gánh hát để con chăm sóc, thứ hai, ông cho con mượn trước năm mươi đồng để mẹ con trả nợ”.

Từ cái ngả rẽ bất ngờ của buổi chiều hôm ấy, cô Bảy Phùng Há trở thành đào chánh của Tái Đồng Ban thay cho cô Năm Phỉ và nổi danh với nhân vật Thúy Kiều, năm ấy, năm 1924, cô mới tròn mười ba tuổi.

Từ một quyết định giản đơn: “Đi hát để kiếm tiền nuôi mẹ”, cô Bảy Phùng Há đã trở thành ngôi sao sáng rực của bầu trời sân khấu cải lương, và, cũng chính cô là người đã góp sức, góp công, góp cả lòng tâm huyết để nâng niu, nuôi dưỡng nền nghệ thuật nầy từ buổi sơ khai cho đến lúc trưởng thành, đứng trên đỉnh vinh quang.

Hơn nửa thế kỷ đắm mình với ánh đèn sân khấu, làm rạng rỡ tên tuổi của hàng chục đoàn hát, từ Tái Đồng ban đến Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Phụng Hảo, Phước Cương, Thầy Năm Tú, Việt Kịch Năm Châu... hóa thân với hàng trăm nhân vật, mà nhân vật nào, dù nam hay nữ, dù danh tướng hay mỹ nhân cũng được cô Bảy Phùng Há cũng lột tả đến tận cùng tính cánh và số phận.
Oai phong, lẫm liệt với Lữ Bố, Phạm Lãi, An Lộc Sơn; đằm thắm, kiêu sa, ngọt ngào, ai oán với Vương Thúy Kiều, với Nguyện Nga, với Dương Quý Phi, với Tô Ánh Nguyệt... Phùng Há đã làm nên tất cả những vai diễn, và tất cả những vai diễn ấy đã làm nên một Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há.

Những mề-đai, huân chương, huy chương của chính phủ Pháp, của toàn quyền Đông Dương, của Thống đốc Nam kỳ, của vua Bảo Đại, vua Miên, vua Lào, vua Thái Lan, của chính phủ Trung Hoa, Hungragri, Ba Lan, Mạc Tư Khoa, Budapest, Prague, Moscou, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha... chứng tỏ một tài năng sân khấu cải lương đã vượt không gian quốc gia, làm rạng rỡ nền nghệ thuật nước nhà.
Thế nhưng “hồng nhan đa truân”, cuộc đời bà không có mối tình nào trọn vẹn.. Ngay từ những năm đầu đến với Tái Đồng Ban, sắc đẹp của bà đã làm ngẩn ngơ hai người thầy, một người dạy ca và một người dạy diễn: Huỳnh Thủ Trung và Năm Châu.

Khi Năm Châu đang ôm mối tình câm chưa kịp nói ra thì Huỳnh Thủ Trung tuyên bố cưới cô Phùng Há. Năm Châu thất tình ra đi. Cô Bảy Phùng Há sống với Huỳnh Thủ Trung có một người con rồi chia tay vì không chịu nổi người chồng suốt ngày ngồi trong quán rượu, những chuyện ngoại tình, những trận đòn roi.

Khi Năm Châu đang lưu lạc với một đoàn cải lương ngoài Bắc, được tin cô Bảy Phùng Há thôi chồng và chuyển qua đoàn khác. Ông trở về, tìm gánh hát Trần Đắc với hy vọng nối lại tình xưa. Nhưng đò tình thêm một lần lỡ chuyến. cô Bảy Phùng Há đã làm vợ của Bạch Công Tử và lập gánh hát Huỳnh Kỳ.
Bạch Công Tử - tức Lê Công Phước, còn gọi là George Phước, con trai của Đốc Phủ sứ Mỹ Tho Lê Công Sũng - sau khi chiếm được trái tim của cô Bảy Phùng Há, đã bỏ ra năm trăm đồng trả nợ cho cô, chuộc cô ra khỏi gánh Trần Đắc, lập gánh Huỳnh Kỳ cho cô làm chủ gánh.

Thời ấy, giao thông cách trở, các gánh hát lưu diễn phải thuê ghe lườn vận chuyển sân khấu, công nhân và đào kép. Bạch Công Tử đã trang bị cho Huỳnh Kỳ bốn chiếc ghe chài, ba chiếc chở đồ đạc, đào kép và công nhân, một chiếc dành riêng cho đào chánh kiêm chủ bầu Phùng Há với đầy đủ tiện nghi như một tòa lâu đài di động.

Có tiền bạc, có phương tiện, cô Bảy Phùng Há chiêu mộ những đào kép nổi danh, Huỳnh Kỳ thống lĩnh nghệ thuật sân khấu cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh. Nhưng chỉ được bảy năm, Bạch Công Tử sa vào con đường ăn chơi sa đọa, bao nhiêu tiền của ông ném vào sòng bạc, tiệm hút, gái tơ. Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ đi, cô Bảy ôm hai đứa con đau ốm cùng với bốn chiếc ghe chài nằm chơi vơi dưới chợ cầu Ông Lãnh.

Trong cảnh khốn cùng, một người quen giúp cô ẳm con đi tìm chồng thì gặp Bạch Công Tử đang vui sống với một cô gái khác, một giai nhân nổi tiếng tên là Marie Anne Nhị ở khách sạn Minh Tân. Ông không quan tâm đến con mà lại trách mắng cô thiếu lịch sự, làm như thế là mất mặt ông với bạn gái của mình. Cô nuốt nước mắt ra về. Rồi cả hai đứa con lần lượt chết trên tay cô trong cảnh không tiền chạy chữa, cô đành phải chia tay với Bạch Công Tử để làm lại cuộc đời.
*
Người chồng thứ ba của cô Bảy Phùng Há là kiến trúc sư Hoàng Phi, con trai một quan huyện ở Gò Công, cũng là bạn thân với Bạch Công Tử.
Sau năm 1945, Bạch Công Tử vừa bị phá sản, vừa nghiện ngập, vừa lâm bệnh ngặt nghèo không tiền chạy chữa. Nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ, cô Bảy xin phép chồng đem ông về nuôi dưỡng trong nhà tại số 3 đường Ngô Tùng Châu, Sài Gòn.

Năm 1950, Bạch Công Tử qua đời trong cảnh không có đất để chôn. Cô Bảy lại xin phép chồng đưa ông về an nghỉ trên đất nhà chồng ở Gò Công, và nhờ người con riêng của chồng trông coi mộ.
Hỏi vì sao cô chia tay với ông Hoàng Phi, cô không nói. Cô chỉ nói đó là một người trí thức và tử tế.

Với nghệ sĩ Năm Châu, cô Bảy cho rằng đó là một chuyện tình buồn và đẹp, cứ chập chờn, chập chờn như con đò lỡ chuyến suốt sáu mươi năm. Năm 1953, ngẫu nhiên Cô và Năm Châu đầu quân trở lại gánh Trần Đắc. Vở Mộc Quế Anh đã đưa ngôi vị của Phùng Há-Năm Châu thành đôi bạn diễn ăn ý số một của sân khấu cải lương. Cô cảm nhận đó là tình yêu, cả hai đã trút cạn tình yêu cho nhau qua vai diễn, những điều khát khao mà chưa bao giờ được nói với nhau.

Nhưng khi bước ra phía sau bức màn nhung thì cô cảm nhận được ánh mắt chừng như mất vui, chừng như có chút hờn ghen của nghệ sĩ Kim Cúc, bạn cô, cũng là vợ của nghệ sĩ Năm Châu.

Biết lửa gần rơm rồi sẽ cháy. Cô rời gánh Trần Đắc, lặng lẽ ra đi để bảo vệ hạnh phúc của bạn mình. Cô hiểu tình yêu của nghệ sĩ Năm Châu đối với cô càng ngày càng sâu nặng. Ông viết những vở tuồng Nợ dâu, Men rượu hương tình, Sân khấu về khuya như để gởi gấm, giãi bày, hờn trách sự lạnh lùng, bạc bẽo của cô.
Ngày nghệ sĩ Năm Châu hấp hối, cô chạy như điên, lê lết trên từng bậc cầu thang trong bệnh viện. Bất chấp sự có mặt của mọi người, cô ôm chầm lấy ông, gào thét: “Khoan, anh khoan hãy đi, anh hãy nghe em nói rồi mới yên lòng ra đi, em biết anh hận em, nhưng em không phải là kẻ vô tình, em làm như vậy là em hy sinh vì hạnh phúc của gia đình anh, vì vợ con anh. Anh biết không, tới giờ phút nầy em vẫn yêu anh...”

Chồng, con, và cả những người tình cũng lần lượt đi về bên kia thế giới. Theo thuyết giáo của nhà Phật, khi ta sống, cái gì ta cho thì cái đó chính là tài sản, ở lại với ta. Phải chăng, những thứ quý giá mà cô đã cho, đó chính là những vai diễn, những môn sinh mà cô đã nhọc công đào tạo để làm nên một thế hệ cải lương vàng son, vang bóng một thời.

Một ngôi chùa nghệ sĩ, một nghĩa trang nghệ sĩ với bốn trăm ngôi mộ và gần bốn trăm bộ hài cốt, cô như người tự nguyện đi trước về sau, níu kéo thời gian đến tuổi 99 nầy để làm điều đó, làm cho trọn tình trọn nghĩa với thế hệ mình và cả thế hệ cháu con.
Phải, tất cả những gì mà cô đã cho, tất cả đã và đang ở lại với cô, bây giờ và mãi mãi...

Cái chết của cô con gái sau cùng
Một điều mà nhiều người thắc mắc từ lâu, là tại sao một nghệ sĩ nổi danh như Má Bảy Phùng Há, đam mê ca hát đến đỗi bị đuổi học, mà nghe nói người con của bà là cô Bửu Chánh lại không có học ca hát gì hết.

Má Bảy nói thời đó sân khấu nào cũng vậy, ở trên treo màn treo cảnh, còn ở dưới là chỗ ở của đào kép công nhân, chỉ một số ít ở nhà ngoài, đào kép chánh lương nhiều họ mướn nhà, mua nhà nên không ở rạp, chớ phần đông thì ở dưới cái sân khấu, tức hậu trường rạp hát.

Rạp nào phía trong cũng có chừa khoảng trống nền lót gạch tàu, chỗ đó là sòng bài hoạt động suốt ngày đêm, chửi thề nói tục không ngớt. Ðào kép tới vai trò thì lên hát, mà chưa tới thì chạy xuống đặt vài tụ, để nguyên râu ria áo mão dài thượt ngồi vô chia bài, Quan Công, Lưu Bị cũng đánh bài, cha con Tiết Nhơn Quý, Tiết Ðinh San cũng ăn thua nhau cãi vã rùm beng.
Bà nói tiếp, có một hôm gánh Năm Châu hát tuồng Lan và Ðiệp, vừa hết cảnh Lan cắt đứt dây chuông rồi ngất xỉu, và Ðiệp thì khổ sầu, người coi hát ai cũng cảm thương, vậy mà màn vừa bỏ xuống thì cả Lan lẫn Ðiệp chạy xuống sòng bài kéo dà dách. Lúc ông hòa thượng đang hát ở trên thì ở dưới Ðiệp kéo bài ăn gian sao đó, sẵn cái dĩa kéo dà dách Lan đập cho Ðiệp xụi tay.

Chừng tới vai trò ra sân khấu trở lại, ông hòa thượng đưa áo cà sa cho mặc để vào hậu liêu cho Lan trao gởi nổi niềm tâm sự thì đưa tay lên không được, ông hòa thượng phải mặc giúp cho. Rồi tới lúc Lan sắp chết, lúc này phải cởi áo cà sa thật mau để chạy tới ôm Lan thì tay đau quá cởi áo không được, phải làm bộ lui trở vô tấm cánh gà nhờ chú tiểu Huệ Thông kéo ra giùm.
- Rồi khán giả có phản ứng gì không, họ có biết lý do tại sao không?
- Người ta nói chắc kép hát bữa nay say rượu nên quên tuồng, hát quờ quạng chớ đâu có biết do đánh bài kéo dà dách, bởi vậy nên lúc nào cũng mắc nợ, hát bữa nào xào bữa nấy. Do cảnh sa đọa như vậy nên tôi đâu dám cho con Bửu Chánh tới hậu trường rạp hát, sợ bị nhiễm những thứ đó thì tiêu đời.
- Chớ còn Thanh Nga thì thế nào, tại sao cô không bị nhiễm tệ nạn đó, Má Bảy có biết không?
- Như tôi đã nói, Bửu Chánh lớn lên nhằm thời Tây, còn Thanh Nga nó lớn lên nhằm thời ông Ngô Ðình Diệm, tứ đổ tường bị cấm, sòng bạc Kim Chung, Ðại Thế Giới bị đóng cửa, tiệm hút cũng dẹp luôn, mâm đèn ống hút bị đem ra đốt ở bùng binh chợ Sài Gòn, làm dân đi mây về gió, tiên ông, tiên bà tiếc hùi hụi. Nhờ rạp hát không còn cái tệ đoan của thời trước nên Năm Nghĩa mới dám cho Thanh Nga đến rạp hát tập luyện, chính tôi cũng từng rèn luyện cho Thanh Nga tập diễn ở rạp.

Má Bảy Phùng Há nói tiếp, rằng cũng do một số hiện tượng tệ đoan xã hội hay xảy ra ngay trong hậu trường sân khấu, nên cô Bửu Chánh từ ngày ở Trung Quốc về suốt mấy năm trời bà không cho cô đến đó, nếu có coi hát thì bác Tư tài xế đưa đến rạp ngồi ở hàng ghế khán giả, mà thường là đợi khi gần tới giờ mở màn mới đưa tới, chớ không sớm hơn sợ rằng chưa hát cô sẽ đi ra phía sau rạp.

Nhưng rồi một bữa nọ do tính tò mò, cô nói với bác Tư đưa tới sớm hơn để đến hậu trường rạp hát xem mẹ cô trang phục đóng tuồng. Bác Tư ngần ngừ không chịu vì có lệnh của Má Bảy, nhưng cô nói rằng nếu không đưa đi thì cô đi xích lô cũng vậy, do đó mà buộc lòng là bác Tư phải chiều ý, và cô đến hậu trường rạp hát lúc đào kép còn đang giặm mặt phấn son trang điểm. Thấy cô đến, Má Bảy giựt mình, hỏi: - Sao con tới đây chi vậy? Cô Bửu Chánh ngả vào lòng bà, cố ý cho người mẹ hiểu rằng đừng lo ngại gì hết, cô đã biết lý do vì sao bà không muốn cho cô đến đây, bởi trước khi lên cầu thang để gặp bà thì phải đi ngang qua đám bạc ở phía dưới.
Và sau khi đã thấy cảnh cờ bạc, hút xách ở hậu trường rạp hát rồi, thì cô Bửu Chánh cũng không tới đó nữa làm chi, có gì cần thiết lắm mới tới mà thôi, chớ bằng không thì cũng chờ bà về nhà.
Hồng nhan đa truân, Má Bảy tưởng đâu khi tuổi về chiều cũng có đứa con làm nguồn an ủi, nhưng ông tạo chẳng thương tình, đã không cho bà được như vậy. Cuối thập niên 1950 do chứng bệnh ung thư máu hiểm nghèo, cô Bửu Chánh qua đời tại nhà thương Ðồn Ðất (Grall) năm 33 tuổi.
Niềm vui cuối cùng mất đi, bà cũng thôi không hát xướng nữa. Kể từ đó, người ta thấy bà rất ít bước lên sân khấu...
(Võ Đắc Danh)

2 thg 7, 2009

Gia đình (My Big Family)

Hình chụp trước Bảo tàng Dân tộc, cả nhà đi chơi Sở Thú
(từ trái qua, hàng trên: Ba, Má, cậu mợ bảy; hàng dưới: anh Hải, anh Phong, anh Sơn, chị Vân, chị Trúc, chị Thủy - tôi nhỏ xíu, được Má ẵm trên tay)
(* My big family - last row, left to right: my father, mother and her brother; first row: my brothers and sisters Hai, Phong, Son, Van, Truc & Thuy). I'm in my mother arms)
Ba tôi (sơ mi trắng, cà vạt), kế bên là Má trông rất gầy.
Hàng dưới, từ phải qua: tôi, chị Thủy, chị Vân (và bạn chị Vân); tới phiên Loan được Má ẵm trên tay.
(* My father (with cravat), my mother next.
First row, right to left: me & my sister Thuy, Van - & her friend. I don't know anybody around)

Hình đẹp của Má (My Mother)

Má (trái, bồng chị Thủy), kế bên là cậu mợ bảy (bồng chị Trúc)
* My Mother (left, hold my sister) & her brother (& his wife)

Hình Ba (Old Photos Of My Father)


Ba tôi (1935-1986) - một nhà giáo - hiệu trưởng trường PTTH Ba Tri, Bến Tre.
(* My Father (1935-1986) - the principal of high school in BaTri, BenTre province)

21 thg 6, 2009

Ngày Nhà báo (2)

Hình cũ mà dzui, hoa hậu VN Mai Phương Thúy nằm chềnh ềnh phơi ngực, mông, đùi... hớn hở cười trong bộ váy áo được thiết kế với chủ đề "sương khói mờ nhân ảnh", Chúc mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam! Rất ấn tượng, rất buồn (cười) & buồn... ngủ! Ah...ah... (ngáp!)
(nguồn: photobucket.com)

Ngày Nhà báo

Chiều. Ngày Nhà báo VN. Mưa. Chủ Nhật. Chưa lên thăm Má. Lên mạng gõ vu vơ chữ "ngày nhà báo". Nhặt được tấm ảnh 'độc' này (ở ngominh.vnweblogs.com). Tự post lên tặng mình & các đồng nghiệp làm báo...

17 thg 6, 2009

Ý Lan - giọng ca nhan sắc

Ý Lan -
giọng ca nhan sắc
Song Phạm
thực hiện

Ý Lan là một trong những giọng hát hàng đầu của sân khấu ca nhạc hải ngoại, là một trong không nhiều ca sĩ nổi tiếng về nước trình diễn khi tên tuổi vẫn còn chói sáng. Ngoại trừ lần trở về năm ngoái tham gia chương trình từ thiện cùng tổ chức Đông-Tây Hội ngộ (East Meets West - EMW - Mỹ) với lượng khán giả giới hạn, đây là lần đầu tiên, Ý Lan chính thức hát trên sân khấu quê nhà.

Gần đây, người ta hay nhắc đến Ý Lan vì cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư vú thành công, về tấm lòng thiện nguyện hướng về những mảnh đời bất hạnh, về tổ chức từ thiện mang tên cô (YLan Sweet Dreams Foundation), cũng như không ít tò mò về một nữ nghệ sĩ... lắm con, không ít mối tình, mà vẫn trẻ trung, yêu đời đến thế, thanh xuân đến thế cả về ngoại hình lẫn giọng hát. Chưa hết, cô lại vừa “ôm cầm sang thuyền khác” cách đây không lâu... Toàn những đề tài ưa thích của báo giới hải ngoại lẫn trong nước!
Là ái nữ tiếp nối thành công nhất sự nghiệp ca diễn của cha mẹ - danh ca Thái Thanh và tài tử điện ảnh Lê Quỳnh. Không ít khán giả trong nước từng được xem Ý Lan qua các chương trình ca nhạc hải ngoại, lần trở về này sẽ chính thức được nghe, được xem cô rỡ ràng hát ca, trò chuyện, giao lưu tại phòng trà Văn Nghệ (TPHCM).

Chấp cả bệnh tật, thời gian...
* Cảm xúc của chị trong dịp trở về lần này, hát trước đông đảo khán giả yêu mến chị?
Ca sĩ Ý Lan:
Năm ngoái chỉ được hát cho khoảng 300 khán giả nghe, trở về, Ý Lan đã suy nghĩ rất nhiều. Làm sao để có cơ hội được hát cho nhiều khán giả đã yêu thương và ủng hộ tiếng hát Ý Lan suốt 20 năm qua? Lần này, phòng trà Văn Nghệ với lời mời của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng và cô Xuân Hòa (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Giải trí Tiếng Xưa) đã ưu ái đưa Ý Lan đến với khán thính giả, với tinh thần gần gũi, chia sẻ, trong khung cảnh ấm cúng, lịch sự của phòng trà.

* Một câu hỏi hơi riêng tư, nhưng được nhiều khán giả quan tâm, nhất là khán giả… nữ: Chị có thể cho biết vì sao chị lại... trẻ và đẹp lâu như vậy, bất chấp tuổi tác, gia đình, con cái, và cả căn bệnh thuộc loại hiểm nghèo mà chị từng mắc phải và vượt qua?
Ca sĩ Ý Lan:
Rất sung sướng trước lời khen tặng này! Ý Lan cảm ơn khán giả, đồng thời nhắc nhở mình càng phải lạc quan, yêu đời hơn nữa, vì tin rằng mình vẫn còn rất nhiều lý do đẹp để sống. Mà phải sống vui, sống khỏe, biết rằng mình vẫn còn có ích cho mọi người, ít nhất qua lời ca, tiếng hát. Dịp này, Ý Lan không chỉ hát, mà còn muốn chia sẻ buồn vui, muốn đến gần với khán giả hơn nữa... Vì trong suốt 5 năm qua, Ý Lan đã phải chiến đấu với căn bệnh ung thư ác nghiệt, và cố gắng vượt qua. Giờ đây, Ý Lan chỉ mong muốn mình sẽ giúp đỡ được nhiều bệnh nhân ung thư khác bằng những gì mình có thể... như trong câu hát: “Ai cho tôi một ngày yên vui/ Cho tôi quên cuộc đời bão nổi/ Và tôi còn yêu thương loài người”...

Bởi vì mẹ đã ca ru...
* Giọng ca và lối diễn đặc biệt của chị là do gene di truyền, hay do cố gắng cá nhân, chị đã từng kinh qua một lớp luyện thanh nào?
Ca sĩ Ý Lan:
Ý Lan may mắn được sinh ra trong gia đình nghệ sĩ. Bố Lê Quỳnh đã di truyền cho Ý Lan nghệ thuật diễn xuất, còn mẹ Thái Thanh đã cho Ý Lan cả thời thơ ấu với những trải nghiệm tuyệt vời qua âm nhạc. Ví dụ khi mới chỉ là một bào thai, mẹ đã hát ru Ý Lan bằng những bài tình ca Việt ngọt ngào, yêu dấu. Lớn lên lại luôn được kề cận, được nghe giọng hát rất đặc biệt của mẹ. Chính vì thế, Ý Lan chưa bao giờ học qua một lớp luyện thanh nào, mà hát hoàn toàn bằng xúc cảm, còn phần kỹ thuật là do thời gian và tự rèn luyện.

* Chị có thể kể về những người con của mình, có ai theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, ca diễn của ông bà và mẹ? Nhân tiện, chị có thể chia sẻ một chút về kinh nghiệm nuôi dạy các con? Việc xây dựng, vun đắp, gìn giữ gia đình đối với một nghệ sĩ, có gì khác biệt so với những phụ nữ khác?
Ca sĩ Ý Lan:
Cô con gái đầu của Ý Lan là Mai Linh đã hát chung với mẹ rất nhiều chương trình, trên các video ca nhạc của Trung tâm Thúy Nga, Mây Productions... Mai Linh học trường y và trở thành bác sĩ nhi khoa, lúc này vì quá bận rộn nên tạm ngưng ca hát, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện ở các show do Ý Lan tổ chức. Ba cô con gái tiếp theo Lan Anh, Thanh Hương và Ý Thy dù rất yêu ca hát, từng xuất hiện với mẹ trong các đêm diễn, nhưng cũng đã tốt nghiệp và làm việc ở các chuyên ngành chúng yêu thích hơn. Hai cậu con trai sau cùng là Phong, 20 tuổi, đang học năm thứ 3 Y khoa, và Nam 12 tuổi, đang học lớp 7. Trời thương, tất cả các con đều rất ngoan. Ý Lan chỉ biết dạy con bằng tình thương và sự hy sinh. Đối với Ý Lan, con trẻ như tờ giấy trắng, nên Ý Lan luôn nhắc nhở mình và dạy các con phải sống bằng tấm lòng nhân ái, biết cảm thông với mọi người. Ý Lan không nghĩ mình là một bà mẹ nghệ sĩ, hay có sự khác biệt nào với các bà mẹ khác. Tất cả làm mẹ vì thương yêu con, chỉ mong nuôi nấng, dạy dỗ chúng khôn lớn, thành nhân, thành tài...

* Ca sĩ Ý Lan tên thật Lê Thị Ý Lan, sinh ngày 1-1-1958 tại Sài Gòn. Trong sự nghiệp 20 năm ca hát, cô đã phát hành trên 60 album, chinh phục được nhiều đối tượng khán giả không chỉ bằng chất giọng đặc biệt truyền cảm, mà còn ở phong cách biểu diễn duyên dáng, điệu nghệ, sang cả. Chị được đánh giá là một trong những tên tuổi lớn trong làng ca nhạc hải ngoại, và là một giọng ca đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam, là thế hệ tiếp nối thành công, gắn liền với các dòng nhạc của các tác giả như Phạm Duy, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành
An, Trịnh Công Sơn, Đức Huy...

“Sống trong đời sống...” (*)
* Chị có thể so sánh một một chút về tình hình ca nhạc hải ngoại và Việt Nam hiện nay? Chị có suy nghĩ gì về hiện tượng nhiều ca sĩ Việt mong muốn ra nước ngoài biểu diễn, trong khi nhiều giọng ca hải ngoại lại thích “chảy ngược” về quê hương?
Ca sĩ Ý Lan:
Ý Lan rất vui khi thấy nhiều giọng ca trẻ tiếp nối, mang tiếng hát Việt, những bài tình ca Việt đi khắp xứ người. Chứng tỏ dòng nhạc Việt vẫn mãi lưu chảy qua nhiều thế hệ, dù là người trẻ hay người xưa, trong nước hay hải ngoại... Ý Lan tin rằng tất cả đều mong muốn đem tiếng hát mình đến khán giả, như những chia sẻ trân quý đối với những tình cảm mà khán giả dành cho mình, dù có “chảy ngược” hay “chảy xuôi”.

* Nhiều khán giả muốn biết về tình hình sức khoẻ của chị, cũng như của mẹ chị - danh ca Thái Thanh?
Ca sĩ Ý Lan: Cho Ý Lan gửi lời cảm tạ đến tất cả khán thính giả đã yêu mến và quan tâm đến mẹ Thái Thanh, nhờ ơn trên chăm sóc, nên bà hiện vẫn rất khỏe. Riêng Ý Lan vẫn luôn nhắc nhở mình tránh tối đa những chuyện ảnh hưởng đến sức khoẻ, mặc dù đời sống, công việc lúc nào cũng có nhiều căng thẳng...

* Ngoài các đêm diễn ở phòng trà Văn Nghệ, chị còn tham gia chương trình nào khác?
Ca sĩ Ý Lan:
Sau 6 đêm diễn tại phòng trà Văn Nghệ, Ý Lan sẽ đi thăm một số trường nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật mà Ý Lan vẫn thăm viếng trong suốt 10 năm qua, kể từ lần về nước đầu tiên năm 1998.

* Chị có thể cho biết thêm về Hội Thiện nguyện “YLan Sweet Dreams Foundation” hiện nay thế nào, hoạt động ra sao?
Ca sĩ Ý Lan:
Hội Thiện nguyện YLan Sweet Dreams Foudation với mong muốn giúp đỡ, an ủi bệnh nhân ung thư vẫn đang hoạt động. Ban Chấp hành Hội đồng Quản trị phần lớn là các bác sĩ với chuyên môn khác nhau đã tự nguyện góp tay cùng Ý Lan vẫn giúp đỡ, giải đáp thắc mắc, chỉ dẫn, đưa ra các phương thức chữa trị mới nhất cho căn bệnh này...
* Cảm ơn chị!
* Ý Lan là một trong số không nhiều nghệ sĩ mà mỗi lần xuất hiện trên sân khấu lại gợi sự háo hức, cùng với kiểu hát duyên dáng, đài các rất... đàn bà, pha chút nũng nịu, nức nở điệu đà, tình tứ, sang trọng, và cả sự “lẳng lơ con gái Bắc” mà không phải danh ca nào cũng có được (Trích blog Minh Hạ).

(*) “... cần có một tấm lòng” (nhạc Trịnh Công Sơn).

4 thg 6, 2009

Mother & child




Mẹ & con
(tranh Nguyễn Thanh Bình)

30 thg 5, 2009

"Nắng Sài Gòn, em đi mà chợt... mad!"

"Áo chàng vàng, em về... nuôi chim cút!"
(Ảnh chụp trước Diamond Plaza. Photo by: Cogaidolong)

"Những cô gái ballet" (Ballerinas)




























Xem tranh "Những cô gái ballet" của họa sĩ Việt Nam Nguyễn Thanh Bình
(Paintings by Vietnamese artis Nguyen Thanh Binh)