13 thg 5, 2009

Đêm kinh hoàng tại phòng cấp cứu

đêm kinh hoàng tại phòng cấp cứu
Ghi chép của Song Phạm

Tại bệnh viện CR. - một bệnh viện (BV) tuyến cuối rất lớn và có tiếng ở TPHCM. 9g45 tối, xe cấp cứu vẫn tấp nập ra vào. Vài người mặc đồ vừa như y công, vừa như bảo vệ sấn tới ngó mặt một bệnh nhân viêm phổi cấp và thiếu máu nặng, được chuyển vào từ một BV tuyến dưới. “Chuyển viện. Chắc là bị chạy rồi mới vào đây!” - họ thản nhiên bình luận trước mặt bệnh nhân và người nhà…

Một nhân viên nữ thấp người phụ trách làm thủ tục nhập viện hỏi giấy tờ chuyển bệnh, cô dừng mắt khá lâu trước dòng chữ ghi “Nơi đến: Bệnh viện FV”, và vết dập xóa, ghi lại: “Bệnh viện CR.”. Mặc dù người nhà đã giải thích do lúc đầu gia đình bối rối không biết chuyển đi đâu, sau khi được tư vấn thì quyết định vào đây, cô nhân viên vẫn lườm mắt, trề môi: “Gia đình khá giả há, có điều kiện, muốn vào bệnh viện nước ngoài há, cuối cùng cũng phải đưa vô đây há...” - rồi dài giọng: “Vì đây là tuyến cuối mà, không đưa vô đây chỉ có chết”.
Người nhà bệnh nhân im lặng, cúi mặt, lí nhí: “Dạ, cô thông cảm, cho mẹ tôi vào vào cấp cứu, bà đang khó thở, sắp sửa hôn mê vì thiếu máu…”. Cô y tá gắt: “Thông cảm cái gì? Báo trước nhá, ở đây bệnh nhân hằng hà sa số, ai vô cũng phải chờ. Nếu không có thể suy nghĩ lại, qua FV mà cấp cứu”. “Dạ, đã vào tới đây rồi còn đi đâu nữa. Cô thông cảm…”.
Sau khi được người nhà làm “cử chỉ thông cảm”, cô y tá ngoắc tay, một chiếc băng ca được đưa tới, đặt cạnh. Cô túm lấy hai góc tấm ra hất mạnh một cái, rồi dùng tay xô thêm cái nữa, bệnh nhân gần như văng qua chiếc băng ca mới, rên lên một tiếng…

10g15.
Người nhà ghi tờ khai tên họ bệnh nhân, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, điện thoại liên lạc, thẻ bảo hiểm y tế, rồi... tự đẩy bệnh nhân chính thức bước vào phòng cấp cứu.
Chờ.
Phòng rộng nhưng không sáng lắm. Hàng trăm con người nằm ngồi la liệt trên những chiếc giường tạm, băng ca chờ... cấp cứu. Những chai nước biển treo tòng teng lấp lóa trong ánh sáng trắng toát của căn phòng. Tiếng khóc, la, rên, hét từ những người còn tỉnh táo. Và máu… Máu đỏ rực, nhỏ giọt, loang lỗ từ những chiếc băng ca những người bị tai nạn giao thông gãy tay, chân, giập đầu… Một người bị chém, cánh tay gần như đứt lìa, đong đưa. Một người bị bỏng toàn thân, đen thui, mùi tóc cháy khét lẹt nhưng miệng vẫn không ngớt rên la. Một người khác tự tử. Một người khác nữa bị tai biến, mắt trợn ngược, miệng giật giật. Một đứa bé trèo cây cao té nặng, nằm liệt. Một người bị đánh, bị cướp xe. Một gương mặt bị bầm dập, không còn nhận ra đâu là mắt, mũi, miệng - nghe nói bị băng đảng thanh toán - máu nhuộm ướt cổ và vai áo, nhưng vẫn còn nhận ra được phù hiệu của một trường phổ thông trong thành phố. Và rất nhiều người nằm bất động, không rõ nguyên nhân.
Áo blouse trắng đi lại rợp cả phòng, nhưng nhìn kỹ chỉ có vài bác sĩ, đông nhất vẫn là thực tập sinh, còn lại là y tá, y công và gì gì nữa không thể biết hết. Một bác sĩ trẻ - hầu hết là bác sĩ trẻ - bận rộn đi đi lại, tay chỉ trỏ, miệng quát. Quát bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, thực tập sinh, y công, bảo vệ. Tiếng quát át hẳn tiếng rên la của những người chờ cấp cứu, thỉnh thoảng còn xen cả những cuộc rượt đuổi bất tận: “Này, bước ra ngoài! Bước ngay ra cửa sau ngồi đấy chờ đọc tên. Ai cho đứng đó? Nấp hả, nấp nè!”…

11g45.
Chờ.
Một đám thực tập sinh tấp vào lay và hỏi túi bụi những bệnh nhân còn tỉnh táo, cũng như người nhà những bệnh nhân đã mê man: Tên tuổi, nghề nghiệp, bị làm sao, triệu chứng thế nào, chuyển từ bệnh viện nào sang, tại sao chuyển, trước đây đã có tiền sử bệnh?...
Lấy máu xét nghiệm. Những cái ống chích to lạnh lùng đâm vào da thịt. Người nhà của bệnh nhân thiếu máu run rẩy chìa mẩu giấy xét nghiệm ra năn nỉ: “Mẹ tôi đã xét nghiệm từ bên kia nhiều lần rồi. Giờ đang thiếu máu trầm trọng, bác sĩ nói có thể hôn mê bất cứ lúc nào. Xin xem qua giấy này và vui lòng lấy... ít ít máu thôi”. Bác sĩ nổi cáu, trừng mắt: “Đứng qua một bên. Ai nói? Bác sĩ nào nói? Ở đây ai là bác sĩ?”.
Im lặng. Cả một ống đầy máu được rút ra.
Chờ. Lại chờ...

12g30.
Một cô hộ lý to con bước đến ngoắc: “Đẩy bệnh nhân qua đây chụp X-quang”.
Tiếng bánh xe tiến về phía cuối phòng.
“Xong rồi. Đẩy về chỗ cũ”.
Một chai, rồi một chai nước biển khác tiếp tục được cắm vào. Một máy thở oxy nối với cả chùm ống, tỏa ra cho cả chùm bệnh nhân quanh đấy. Các ống thở xoắn xuýt vào nhau, mù rối mỗi khi có bệnh nhân giãy giụa, mỗi lúc xê dịch băng ca.
Hai người nhà bệnh nhân nhìn nhau, một người tỏ ra hiểu biết, chị kể do thằng nhỏ bị động kinh, cứ vài tháng lại vào đây cấp cứu một lần nên rất rành: “Có quen ai không?” - chị hỏi. “Có, nhưng vội quá chưa kịp gửi”. “Vậy thì mệt mỏi rồi. Có khi phải chờ đến sáng mai”.
Giữa phòng, một bệnh nhân nam đột nhiên nảy người lên một cái rồi thở hắt ra. Người nhà bệnh nhân hét lớn: “Làm ơn cứu chồng tui đi các bác sĩ ơi!”. Được biết, chồng chị vào cấp cứu từ chiều vì triệu chứng nhồi máu, đau buốt nửa đầu. Vài chiếc áo trắng tụm lại. Một cuộc hồi sức cấp tập diễn ra. Sau hơn 10 phút cấp cứu với hầu hết các biện pháp, phương tiện hiện đại. Bệnh nhân tím tái, bất động. Một cái lắc đầu từ vị bác sĩ trẻ, chiếc băng ca được đẩy ra ngoài trong tiếng gào khóc của người thân.
Cả phòng cấp cứu rơi vào im lặng. Được một lúc, một bệnh nhân khác hét lên: “Cứu tôi đi mấy người! Tôi chết mất!”.
“Ơi, ơi…” - một bệnh nhân nữ vừa ú ớ, vừa cố gắng nhoài người khều bất kỳ ai đến gần, tay chỉ vào chiếc quần đã ướt nhẹp của mình.

“Cho coi vết thương đi” - một nhóm thực tập sinh yêu cầu bệnh nhân với cánh tay băng bó tạm lủng lẳng bên người. “Bị gì vậy? Bị chém hả? Sao bị chém? Bị ở đâu? Đang câu cá mà bị chém à? Chắc là cướp xe? Lúc đó mấy giờ? Tại hiện trường có ai không? Công an biết chưa? Ai đưa vào đây?”… Máu vọt thành vòi khi bệnh nhân này mở vòng băng cuối cùng ra. “Thôi băng lại đi. Ghê quá!” - một thực tập sinh quay mặt, la, cùng lúc một chị lao công trờ tới, quát: “Trời đất, sàn nhà mới vừa lau xong. Tự tìm nùi giẻ lau lại cho sạch đi”.
“Bị gì vậy? Té à? Sao té? Trèo bắt tổ chim? Trời! Chim ở đâu mà bắt lắm thế? Hôm qua có thằng cũng trèo bắt tổ chim té gãy giò, giờ tới mày” - vị bác sĩ la hét lúc nãy giờ quay lại khám cho bệnh nhân - một thằng bé khoảng chừng 13, 14 tuổi trèo bắt tổ chim, té từ độ cao mười mấy mét xuống đất đang nằm mê man. “Chim này chắc chim đi bộ quá!” - một đồng nghiệp blouse trắng phụ họa, rồi cả nhóm nhìn nhau cười to.
“Mở băng ra coi!” - vị bác sĩ quát bảo bệnh nhân bị chém. Vết thương - giờ đã thành một khối đỏ sẫm chạy dọc suốt từ vai đến bàn tay - lại mở ra, máu lại giọt thành dòng xuống sàn. “Được rồi, băng lại. Bị chém lúc mấy giờ? Tối vậy chui xuống gầm cầu để làm gì? Ngó cái mặt mày tao còn muốn chém nữa, huống hồ” - vị bác sĩ pha trò, cảm thấy thú vị vì câu nói được cho là duyên dáng của mình.
Người nhà bệnh nhân quay đi...
“Trời ơi, bà này ấy ra quần rồi. Người nhà đâu? Hộ lý đâu? Gọi ngay người nhà bệnh nhân vào đẩy bả ra ngoài xử lý!”.
Tiếng còi cấp cứu vẫn liên tục giục giã, những băng ca vẫn liên tục được đẩy vào. Tiếng quát tháo, tiếng chân rượt đuổi nhau, xen lẫn với tiếng khóc, tiếng hét...

1g30.
Bác sĩ ngoắc gọi một y công: “Xong rồi! Cho lên phòng”. Vị y công mặc áo blouse xanh, nón xanh da trời, ước chừng 30 tuổi, tay cầm hồ sơ bệnh án của bệnh nhân thiếu máu phe phẩy: “Bây giờ muốn sao?”.“Dạ, sao là sao ạ?” - người nhà bệnh nhân ngơ ngác. “Ở đây không có chỗ, thường ba bốn người phải nằm chung một giường. Có muốn lên phòng không? Muốn mấy người một giường?”. “Dạ, nếu bệnh viện không còn chỗ thì nằm tạm mấy người một giường cũng được ạ”. Người nhà bệnh nhân một tay xách giỏ quần áo, đồ đạc, bình thủy, một tay vịn băng ca sẵn sàng. Nhưng vị y công không nói câu nào, cuộn hồ sơ bệnh án bỏ vào túi áo rồi... bước thẳng.
Chờ. Lại chờ...

3g30 sáng.
Vị y công quay trở lại, tay vẫn vẫy bộ hồ sơ: “Sao? Suy nghĩ kỹ chưa? Muốn nằm mấy người một giường?”. Người nhà bệnh nhân (giờ đã ngồi bệt xuống sàn nhà) mỏi mệt: “Dạ, sao cũng được, nằm ngoài hành lang cũng được, miễn là được ra khỏi cái chỗ cấp cứu này”.
Vài chiếc băng ca mới lại được đẩy vào, tai nạn, máu me... Tiếng chân người rầm rập, tiếng bánh xe nghiến xuống nền gạch lạnh, và tiếng khóc, tiếng rên, tiếng hét...
Gợi ý mãi người nhà bệnh nhân vẫn không hiểu, vị y công tuyệt vọng, phẩy tay: “Đi”.

3g45.
Phòng bệnh vẫn còn cả 2 chiếc giường để trống.
“Nằm nép qua một bên. Mai có người mới vô là phải ở chung đó” - vị y công nhát gừng.
Tiếng lục đục làm cả phòng choàng dậy ngó xem người mới đến. Những gương mặt xanh xao, những đôi mắt mệt mỏi, âu lo, trĩu nặng nhưng ẩn chứa những tia nhìn cảm thông, chia sẻ.
Trời hửng sáng. Tiếng còi xe, tiếng lao xao từ dưới lòng đường bắt đầu rộ lên. Dưới sân bệnh viện, vài dáng người liêu xiêu đi lại.
Thành phố bước sang một ngày mới…

(Một năm ngày Má mất 4-6-2008, 4-6-2009)
Minh họa: www.piperreport.com/archives/images/Patient

2 nhận xét:

  1. Đọc buồn quá chị ơi. Cho em thắp nén nhang!

    Trả lờiXóa
  2. Sao em không làm một điều tra trên báo, bắt đầu từ phòng cấp cứu của BV này?

    Trả lờiXóa