4 thg 9, 2012

bốn khúc tháng chín

songphạm

1.
Có hạt cốm xanh ngọt ngào rớt xuống lòng tôi lá sen
mây bay ngang đầu quấn quýt
hương cốm quen…

2.
Có gì mong manh hơn một vòng tay ôm?
càng không gì mạnh mẽ, bền chặt hơn một cú ghì siết
trói cả bầu trời…

3.
Người tự hào mình bơi giỏi nhất cũng có thể chết chìm
trong một bể mắt...

4.
Những cơn mưa Sài Gòn bất chợt ầm ào, bất chợt nắng ráo
chúng mình đừng như thế
tùy hứng, hờ hững trôi qua nhau…

Saigon 3-9-2012

22 thg 8, 2012

bài hát về cố hương


Nguyễn Quang Thiều

"Tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm/ Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó/ Kiếp này tôi là người/ Kiếp sau phải là vật/ Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi"


Tôi hát bài ca về cố hương tôi
Khi tất cả đã ngủ say
Dưới những vì sao ướt át
Và những ngọn gió hoang mê dại tìm về

Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà
Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm
Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất
Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc
Như những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống
Góc vườn khuya cỏ thức trắng một mình

Tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong ánh sáng đèn dầu
Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại
Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn
Thuở tôi vừa sinh ra
Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi
Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc

Tôi hát bài ca về cố hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy dòng dòng

Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi

Nguồn ảnh: Internet

17 thg 8, 2012

người Sài Gòn tôi xưa















Photos by: Henk Hilterman
Saigon 1967

31 thg 7, 2012

Ba (1935-1981), hình chụp (hình như) ở Vũng Tàu, không biết khoảng năm bao nhiêu, nhưng nhìn chắc ngoài 30, vì hình chụp trước 1975, ông mất 1981, 46 tuổi.

18 thg 7, 2012

biểu tượng của đẹp & sex

Lý Lan
Tôi ích kỷ, bộp chộp, và hơi chông chênh. Tôi mắc sai lầm, dễ nổi nóng, và có lúc rất cứng đầu. Nhưng nếu anh không chịu đựng nỗi điều tồi tệ nhứt của tôi, thì anh cũng không xứng đáng với điều tốt đẹp nhứt của tôi.”* Tác giả câu này là Marilyn Monroe, nữ diễn viên điện ảnh Mỹ biểu tượng cho đẹp và sex.

Người đàn bà này có cuộc đời ly kỳ hơn tiểu thuyết: Ra đời không có cha, mẹ loạn trí phải vô nhà thương điên, tuổi thơ trôi giạt từ gia đình cha mẹ nuôi đến viện mồ côi. Để có một gia đình, Marilyn lấy chồng, lúc 16 tuổi. Từ tuổi đó, Marilyn tự kiếm sống bằng lao động trong nhà máy, rồi làm người mẫu, và trở thành diễn viên điện ảnh, nổi tiếng như ngôi sao tình dục hồi giữa thế kỷ 20. Trong vòng 15 năm Marilyn lần lượt kết hôn rồi ly dị cả ba ông chồng: một thủy thủ tàu buôn, một cầu thủ bóng chày, và kịch tác gia Arthur Miller. Tình nhân thì có thể kể thí dụ một hai người, như anh em tổng thống Kennedy. Một hôm người ta phát hiện Marilyn nằm chết trên giường ngủ. Người ta tin là bà bị ám sát, dù thông cáo chính thức nói là bà tự tử. Năm đó bà 36 tuổi.

Marilyn Monroe đã học được từ tuổi thơ côi cút “cách tốt nhất để khỏi bị khốn khổ là đừng phàn nàn và đừng đòi hỏi”* Khi ở trên đỉnh phù hoa, bà vẫn hằng đối diện với cái tôi thời thơ ấu ấy. “Với tất cả thành đạt quanh mình, tôi vẫn còn cảm thấy ánh mắt sợ hãi của cô gái nhỏ ấy đang nhìn ra từ đôi mắt tôi. Cô bé lập đi lập lại rằng ‘tôi chưa từng sống, tôi chưa từng được yêu’, và tôi thường bối rối nghĩ rằng chính tôi đang nói điều đó.”* Tại sao? “Người ta có thói quen nhìn tôi như thể tôi là một thứ gương soi chứ không phải một con người. Họ không hề thấy tôi, mà thấy những ý nghĩ dâm dục của chính họ, rồi họ tự đeo mặt nạ đạo đức cho mình bằng cách gọi tôi là đồ dâm đãng.”*

Về những ông chồng, Marilyn nói họ là “những người tình tuyệt vời khi họ phản bội vợ”*. Phần mình, “tôi có quá nhiều mộng tưởng so với vai trò vợ nhà… có lẽ tôi cũng chỉ là một mộng tưởng.”* Kinh nghiệm tình ái của bà: “Người đàn ông phải kích thích chính tinh thần và tâm trạng của người đàn bà để làm cho tình dục thêm hào hứng. Người tình thực sự tuyệt vời là người có thể khiến mình đắm say bằng sự vuốt ve trí tuệ và gieo hân hoan vào ánh mắt ta, hoặc chỉ đăm chiêu nhìn khoảng không.”* Những cuộc tìm kiếm tình yêu – hạnh phúc của bà đều kết thúc buồn. “Tôi thà đau khổ một mình hơn là đau khổ với ai đó.”*

Không phải bà coi trọng danh vọng hơn một “gia đình” bấp bênh với một người đàn ông sống với bà với ưu tiên tình dục. Bà cũng ham muốn có con cái, chứ “là Marilyn Monroe thì hay ho gì? Tại sao tôi không thể chỉ là một người đàn bà bình thường? Một người đàn bà có một gia đình… tôi sẵn sàng thỏa thuận để có một đứa con. Con của chính tôi.”* Là Marilyn Monroe tức là (gần như) trần truồng đầy quyến rũ trên màn bạc, phơi bày cái đẹp của thân thể “để được ngắm, chứ không để gói kín.”* Nhưng “là biểu tượng tình dục là vác một gánh quá nặng, đặc biệt khi người ta mệt mỏi, tổn thương và hoang mang.”*

Sinh thời Marilyn đóng nhiều phim nổi tiếng, đem lại doanh thu 200 triệu đô la. (giá trị đô la Mỹ cách đây nửa thế kỷ lớn hơn bây giờ rất nhiều). Nghề diễn viên là một lao động vất vả và cần đầu tư cả tâm trí mới hòng đạt được thành tựu, dù như ngôi sao tình dục.“Sự sáng tạo phải bắt đầu từ chất người, và khi người ta là người, người ta có cảm xúc, người ta biết đau khổ.”* Marilyn Monroe ý thức vai diễn của mình trong những bộ phim không được đánh giá cao về nghệ thuật. Bà luôn muốn có vai khác, nhưng đạo diễn không muốn thử khai thác tài năng của bà, họ cho rằng khai thác sự hấp dẫn của thân thể người đàn bà đẹp ấy là đủ hốt bạc. “Hollywood là nơi người ta được trả một ngàn đô cho một cái hôn và 50 xu cho một tâm hồn.”* Ở đó “nữ diễn viên không phải là một cái máy, nhưng bị đối xử như một cái máy. Cái máy làm ra tiền.”*

Nhưng cuộc tìm kiếm lớn nhứt của Marilyn Monroe không hẳn là đỉnh cao nghề nghiệp.hay người đàn ông lý tưởng để lập gia đình. “Tôi luôn cố gắng tìm kiếm chính mình với tư cách một con người, điều này không dễ. Hàng triệu người sống cả đời mà không tìm được chính mình. Nhưng đó là điều cần phải làm. Cách hay nhứt để tôi tìm được tôi như một con người là chứng minh cho chính mình rằng mình là một nghệ sĩ.”*

Người chồng cuối cùng của Marilyn Monroe, kịch tác giả Arthur Miller, nói về bà: Để sống còn, lẽ ra nàng phải trở nên hoài nghi, phớt đời, hoặc vượt xa hơn hiện thực bản thân mình. Nhưng thay vì vậy, nàng là một thi sĩ đứng ở góc phố cố gắng ngâm thơ cho một đám đông hè nhau kéo áo, tuột quần nàng.”*

Có một giai thoại , Marilyn Monroe gặp Albert Einstein bèn cặp tay ông bảo tụi mình cưới nhau đi, con cái tụi mình sẽ thừa hưởng sự hoàn hảo của ngoại hình lẫn trí tuệ. Einstein nói nhưng rủi tụi mình đẻ ra những đứa có nhan sắc của tôi và đầu óc của bà thì sao? Chuyện tiếu lâm này tiêu biểu cho thành kiến phổ biến về Marilyn. Nhưng hãy đọc Fragments, những mảnh vỡ, xuất bản lần đầu tiên sau khi Marilyn Monroe qua đời 48 năm. Quyển sách tập hợp những mảnh giấy viết tay của chính Marilyn Monroe, gồm thư từ và những ghi chép cho chính mình, có cả những bài thơ. Thỉnh thoảng tôi mới gặp được người (bất kể đàn ông hay đàn bà, nhan sắc đủ bậc) nói / viết những điều tôi muốn chép lại để ngẫm nghĩ.

(*) Trừ câu trích cuối bài của Arthur Miller, tất cả những câu trích khác trong bài này (italic trong ngoặc kép) đều là của Marilyn Monroe.

13 thg 7, 2012

xem tranh


Hướng dẫn viên du lịch dẫn khách tới một cuộc triển lãm tranh, giới thiệu:
- Đây là bức "Bạch Tuyết và bảy chú lùn", diễn tả cảnh Bạch Tuyết đang nhìn chú lùn thứ nhất, nhìn chú lùn thứ hai, nhìn chú lùn thứ ba, nhìn chú lùn thứ tư, nhìn chú lùn thứ năm, nhìn chú lùn thứ sáu, nhìn chú lùn thứ bảy. Tiếp theo là cảnh chú lùn thứ nhất đang nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ hai cũng nhìn đang Bạch Tuyết, chú lùn thứ ba cũng nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ tư cũng nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ năm cũng nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ sáu cũng nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ bảy cũng nhìn Bạch Tuyết.
Và bây giờ mời quý vị xem bức tiếp theo mang tên "Alibaba và bốn mươi tên cướp"...
(du khách chạy mất dép!)

29 thg 6, 2012

nhà báo


"Tính hèn nhát trong ta tự hỏi: "Có an toàn không?
Tính cơ hội cũng hỏi: "Có khôn khéo không?
Tính ảo vọng lại hỏi: "Có được tiếng tăm gì không?
Nhưng chính lương tâm ta lên tiếng: "Có là lẽ phải không?
Và có khi ta phải chọn một vị trí không an toàn, không khôn khéo, không để được tiếng tăm gì cả, nhưng ta phải chọn nó, vì lương tâm ta bảo ta rằng đó là lẽ phải!”

(Martin Luther King)

20 thg 6, 2012

khúc chia xa
Lã văn Cường
Em bây giờ còn đấy bây giờ nhìn thấy phấn son nhạt phai 
Có tiếc kỷ niệm cũ dấu yêu ngày ấy cũng phôi pha rồi 
Còn chiều buồn chơi vơi, gọi tình buồn chao ôi!
Em bây giờ nhịp sống vẫn như dòng thác cuốn phăng đời tôi 
Em vẫn là hình bóng giấc mơ đằm thắm với tôi một thời 
Dù cuộc tình chia phôi 
Dù muộn phiền nguôi ngoai
Tôi đi tìm nẻo mơ giấu trong lòng tôi tiếng chim ngàn khơi 
Em ân tình trầm lắng cho tôi mặn đắng lẻ loi cuộc đời 
Còn nợ mộng mồ côi
Còn nợ lòng cút côi
Tôi mãi đi tìm tới cứ theo nguồn vui cứ theo buồn trôi 
Cho tới hơi thở cuối đến cung trần thế tiếng ru cuộc đời 
Dù ngậm ngùi rồi thôi 
Dù ngọt bùi thế thôi




còn gì nữa đâu
Phạm Duy
Còn gì nữa đâu mà tìm đến nhau
Mối thương đau dài lâu đã lên cao chìm sâu
Ngăn bước qua cầu tình đã nghẹn ngào
Còn gì nữa đâu mà chờ đón nhau
Suốt đêm thâu lạnh lẽo
Ngóng trông nhau bạc đầu mà chẳng thấy đâu
...
Còn gì nữa đâu mà tưởng nhớ nhau
Bóng dáng yêu từ lâu đã trôi mau về đâu
Trong giấc mơ nghèo tình đã nhạt màu
Còn gì nữa đâu mà oán trách nhau
Có quên mau cuộc sầu
Có nuôi bao tình sâu thì lòng vẫn đau
...
Còn gì nữa đâu mà phải khóc nhau
Có đi theo mùa ngâu tới suối reo nghìn thâu
Tình chôn đã lâu
Còn gì nữa đâu mà kể với nhau
Vết thương đau ngày nào
Có sống bao đời sau thì đã mất nhau
Còn gì nữa đâu mà gọi mãi nhau


           

19 thg 6, 2012

ngày hôm qua là thế
...
Ngày hôm qua là thế, chìm khuất trong mưa xóa nhòa
Nhìn em đi lặng lẽ qua những buồn vui
Ngày hôm qua là thế từ tháng năm cũ tìm về
Tìm trong em nụ hôn quên lãng đầu tiên

Đợi em qua đường phố thao thức
Cả gió mưa cũng dịu dàng
Ngày hôm qua dù nắng bôi xóa dù mưa còn rơi
Ngày hôm qua là thế biển tiễn đưa cánh buồm về
Ngày hôm qua dù sao tôi đã chờ mong

Một sớm mai nắng về trên hàng cây và gió thao thiết
Chỉ có em biết nơi nào đại dương vẫn khát khao
Chỉ có em biết từng đêm từng đêm tỉnh giấc
Chợt thấy ta giữa xa lạ nơi nào

Vàng phai đi mùa thu để lá hoa bớt phiền muộn
Ở ngoài kia còn có mây trắng trời xanh
Ngày hôm qua mình đã mơ ước một ước mơ dẫu bình thường
Ngồi bên em hoàng hôn đâu đó rụng rơi

Một sớm mai nắng về trên hàng cây và gió thao thiết
Chỉ có em biết nơi nào đại dương vẫn khát khao
Chỉ có em biết từng đêm từng đêm tỉnh giấc
Chợt thấy ta giữa xa lạ nơi nào

Vàng phai đi mùa thu để lá hoa bớt phiền muộn
Ở ngoài kia còn có mây trắng trời xanh
Ngày hôm qua cạn lối chỉ có anh trước biển rộng
Chợt nhận ra mình cô đơn giữa đời nhau...


           

18 thg 6, 2012



má, tháng sáu và lòng tự trọng

"Bây giờ mẹ đã thành mơ, hơi mẹ hóa thành hơi gió
Bốn mùa ngồi nghe mọi nơi, tiếng mẹ ru bồi hồi..."
(Đạo ca 4 - Phạm Duy)

Vậy là 4 năm chẵn chòi ngày Má mất.
Đầy lòng tự trọng, Má ra đi...
73 tuổi cho một đời người - không quá dài cũng không quá ngắn. Chợt nghĩ tới một điều rất cũ: "Ai rồi cũng phải ra đi..."
Ừ, vấn đề còn lại chỉ là thời điểm.
...
Rất tự trọng, rất đúng thời điểm, Má ra đi. 
"Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày". Và chúng mình cũng không ngoại lệ.
Ngay khi chúng mình bắt đầu "tính ngày tính tháng"... thì Má nhắm mắt rời đi, một bước rồi xa mãi không về nữa. Để không còn nhìn thấy chúng mình túng bấn, nợ nần, gây gổ, cãi lẫy xem tuần này ai nuôi Má, tuần sau Má ai nuôi? 
Mà thực tế là anh em chúng mình đã bắt đầu mắc nợ, bắt đầu cãi lẫy, đùn đẩy...
...
Bốn năm, đủ để chúng mình nhận diện được tầm quan trọng và nỗi mất mát, hụt hẫng không gì bù đắp nỗi khi KHÔNG CÒN MÁ.
Bốn năm, chúng mình bất chợt nhận ra khối tài sản Má để lại quá lớn, không phải nhà, không phải đất, không tiền muôn bạc vạn... mà là LÒNG TỰ TRỌNG.
Như bàn tay có ngón ngắn ngón dài, đều là con của Má nhưng chúng mình đứa nhiều tự trọng, đứa ít hơn chút đỉnh, nhưng kỳ thực không đứa nào ít đến nỗi đáng phải xấu hổ, phải cúi mặt, quay đi...
Tháng sáu nhạt mưa, tháng sáu nhớ Má, nhớ ơi câu lục bát trăng rơi trăng rụng xuống đồi...

Ðêm xuân trăng rụng xuống đồi
ạ ơi tiếng dế bổi hồi ngõ sâu
chẫu chàng ì oạp
mưa mau
lá chao chát lá 
vườn sau
bóng người...

Mẹ đi
tóc xõa ngang trời
chiều hong nắng rạn bời bời ngọn cau
lòng ròng đớp bọt cầu ao
chênh chao lá trút mưa cào nhánh sông

Ngày xuân con én lên đồng
cánh điên đảo vá không xong mảnh trời
mẹ về trong tiếng chuông lơi
trong câu hát nghẹn ơi hời niềm yêu...

Song Phạm
18-6-2012

30 thg 5, 2012

Trụ sở không chỉ là trụ sở

Trụ sở không chỉ là trụ sở

TT - “Với việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng bộ, 8 tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, 6 trường, viện, Bộ Giao thông vận tải ước tính cần 12.174 tỷ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ năm 2012-2015 cần 7.950 tỷ đồng).

Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỷ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỷ đồng” - thông tin ngắn gọn này đang khiến dư luận xôn xao, không chỉ bởi những con số ngàn tỷ chóng mặt, nhất là khi kinh tế đang khó khăn, mà còn là tác giả của đề án nâng cấp trụ sở kia - Bộ Giao thông vận tải - cũng đồng thời là tác giả của hàng loạt đề án thu phí, tăng phí.
Câu chuyện xây trụ sở của các cơ quan công quyền ở nước ta là một câu chuyện dài nhiều tập.
Mặc dù không muốn, nhưng khi nghe kế hoạch xây trụ sở ngàn tỷ của Bộ GTVT cũng chợt nhớ tới những trường học miền núi gió lùa bốn phía, nắng thì mặt trời xuyên tận mặt, đêm ngắm được trăng sao. Mặc dù không muốn, nhưng khi đi vào trụ sở của quận nhỏ ở thủ đô mà có tới... 70 chiếc máy lạnh chĩa 70 cục nóng phả hơi hầm hập ra xung quanh, hàng rào thép lạnh lùng kín bưng, bỗng nhớ tới một bệnh viện cũng ngay trong quận ấy 30 năm chưa được nâng cấp, mùa mưa về là nước lụt lênh láng sàn phòng bệnh, sản phụ nằm trên giường nơm nớp lo rớt con xuống nước.
Mặc dù không muốn, nhưng không thể không so sánh trụ sở của một bộ lo việc đi lại của đất nước 80 triệu dân mà chỉ riêng hạng mục xây dựng cơ bản trong vòng ba năm đã lên đến gần 10.000 tỷ đồng, với những chiếc lán tạm bợ của những công nhân làm đường, quanh năm bán mặt cho mặt đường, bán lưng cho mưa nắng, cặm cụi vác đá vá đường sau mỗi cơn mưa lũ, mỗi trận sạt lở mà đồng lương chẳng đủ nuôi bản thân chứ chưa dám mơ nuôi cả gia đình.
Không liên tưởng sao được khi không chỉ trụ sở (tương lai) của Bộ GTVT, mà suốt từ Bắc chí Nam mọc lên những cơ quan chính quyền hàng tỉnh, hàng huyện với những tòa ngang dãy dọc thênh thang, kiến trúc xấu xí, thô kệch và quan trọng nhất là nó khiến người dân cảm thấy xa lạ mỗi khi có việc phải bước chân vào.
Còn nhớ khoảng đầu những năm 2000, khi Hội Kiến trúc sư VN quyết định trao giải nhất giải thưởng kiến trúc VN hằng năm cho đồ án “Trụ sở UBND quận 10, TP.HCM” - một kiến trúc nhỏ bé, giản dị, không thiên về chiều cao, sự hoành tráng và những vật liệu đắt tiền thời thượng, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN) đã nhận xét: “Đó là một công trình dạng trụ sở chính quyền hiếm hoi khiến người dân không e dè sợ hãi mỗi khi có việc liên quan đến thủ tục hành chính... Nó tạo cho người dân cảm giác vào đó như vào nhà của mình”.
Và ông nói thêm: “Hãy nhìn xem ở các nước nhà giàu, người ta sử dụng tiền để xây “cơ quan công quyền” như thế nào. Nước Anh không chỉ nổi tiếng với nền quân chủ lâu đời và các phát minh làm thay đổi thế giới, họ còn nổi tiếng vì có một trụ sở chính quyền giản dị nhất thế giới. Ngôi nhà số 10 phố Downing, nơi ở và làm việc của các đời thủ tướng từ hơn 100 năm nay, vẫn chỉ là một ngôi nhà nhỏ ba tầng màu sẫm, với cánh cửa chỉ vừa hai người đi. Không ai dám nói vì tòa nhà làm việc của thủ tướng nhỏ mà nó không đẹp và nước Anh kém hùng mạnh”.
Vâng, giá mà khi quy hoạch và duyệt đề án các trụ sở ngàn tỷ, những người có trách nhiệm nhìn qua tòa nhà số 10 lừng danh, hay đơn giản họ ý thức được trụ sở không chỉ là trụ sở, đó là tòa nhà của dân, để làm sao dân có cảm giác vào đó như vào nhà mình.

THU HÀ


10 Downing Street - the British Prime Ministers since 1735
(Nhà số 10 phố Downing, nơi ở & làm việc của các đời thủ tướng Anh từ hơn 100 năm nay)

nỗi buồn báo giấy!

"... Trên thực tế, Jed không nhớ trong đời mình đã có lần nào từng mua một tờ báo hay một tờ tạp chí hay chưa. Anh thích vô tuyến, nhất là buổi sáng, ta có thể chuyển kênh rất thư giãn từ phim hoạt hình cho đến các bản tin chứng khoán; thỉnh thoảng, khi có chủ đề nào đặc biệt cuốn hút, anh truy cập Internet; nhưng báo viết với anh như thể là một sự sống thừa kỳ quặc, có khả năng sắp bị kết án, và dù thế nào thì cũng không hề hấp dẫn anh"

(trích Bản đồ và vùng đất  - La carte et le territoire - tiểu thuyết của Michel Houellebecq; Cao Việt Dũng dịch)

10 thg 3, 2012

mong manh


mong manh
songphạm

Như đứa trẻ tim đổ trống dồn 
thò tay bắt bướm
mong nắm níu chút hạnh phúc mong manh
hạnh phúc đập cánh
trái tim chấp chới
vụt bay…

the scream, tranh: edvard munch

đi cho hết đêm hoang vu



đi cho hết đêm hoang vu…
songphạm

Trong giấc ngủ đêm đêm tôi mơ về ngôi nhà
nơi có cây mận quanh năm trổ bông thơm lừng, trắng tóc
nơi những ngọn gió dịu dàng, thướt tha từ trời cao phần phật ùa về
thổi qua những trái mận xanh óng ả
nơi sẽ có người ngồi cùng tôi làm mẫu, vẽ tranh, ngắm trăng, tìm sao…
đối ẩm cùng tôi bên trà, rượu, nhạc… đêm đêm

Chỉ vậy thôi, ước mơ tôi sao mà cao, mà xa, mà mịt mù vợi vợi
hết nửa đời người tôi đi hoài chẳng tới
để tôi thương cây mận, tôi nhớ cây chanh, tôi đành hanh cây chuối
tôi muối giấc mơ
tôi mờ con mắt
tôi thương ai
tôi thương tôi
mềm môi…

Tôi đã đi đâu
tôi đang đi đâu làm gì trong cái thế giới thơ mộng bi đát và cô độc riêng mình?
Bước tới hay bước lui rồi cũng sẽ già hay tôi đã già
rồi sẽ chết hay tôi sắp chết?
ôi giấc ngủ dưới vòm cây…

Trong giấc mơ tôi đêm đêm có gương mặt ai, gương mặt tôi, gương mặt thời gian
có rách vá cấu cào gào xé
có cơn đau từ vết thương chưa bao giờ khép miệng
có tình yêu lo sợ
có héo úa lụi tàn…

Tôi phải làm gì cho ngôi nhà đứng vững trong mơ
cho cây mận xanh sừng sững
cho bông mận rơi trắng đầu chợt quên mình đầu trắng
cho những dốt nát, sân si vô độ
những cô đơn, đớn đau có thực
những vũng lầy, những vòng xoáy của bất lực
thường trực
hừng hực…

Thì đi cho hết đêm hoang hoải
ngày hoang vu và lòng mình hoang tàn
đi cho biết đó biết đây
biết đầy hết sợ
sợ chết sợ sống sợ thất bại sợ đớn đau sợ cô độc sợ không ai hiểu sợ bị bỏ rơi
sợ rời cõi tạm…

Tất cả
sụp đổ đi cho tôi cho chúng ta cho tất cả được ra đời
cái gì đã sụp đổ đi cho tôi ra đời?
và cái gì đã ra đời cho tình yêu, cho giấc mơ tôi đổ sụp?
và tôi sụp đổ…

Saigon đêm hoang vu
17-2-2012

30 thg 1, 2012

tứ tuyệt của Yến Lan



Cầm chân hoa
Em đến xin hồng, hồng mới nụ
Đêm nay hồng nở, bóng em xa
Cầm em bữa trước, em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa?



  


Tàu ngang quê cũ
Khói quyện đầu ô, nửa xóm nhoà
Tàu dừng đổ khách sắp rời ga
Đồng hương kẻ xuống người ra đón
Mình suốt đời đi chửa tới nhà…

Yến Lan (1916-1998)
Tên thật Lâm Thanh Lang, sinh tại An Nhơn, Bình Định, là nhà thơ, nhà viết kịch Việt Nam, bút danh khác: Xuân Khải. Ông nội Yến Lan là nhà nho, thuộc dòng Minh Hương, Phúc Kiến. Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, Yến Lan sống bằng nghề dạy học tư và viết văn. Ông sáng tác thơ từ rất sớm, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Quách Tấn hợp thành nhóm Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó với trường phái Thơ loạn (hay Thơ điên). Yến Lan bất hũ với bài Bến My Lăng và một số bài thơ tứ tuyệt.

(tranh: carolmarine.blogspot.com)