8 thg 4, 2009

Singapore xanh (2)

"SINGAPORE XANH" -
Hồi ký Lý Quang Diệu (P.2)

Tẩy rửa hai con sông “Tô Lịch” của xứ Xinh
Kế hoạch tham vọng nhất của tôi là làm sạch sông Singapore và Kallang Basin. Khi lần đầu tiên tôi đề xuất kế hoạch này vào tháng 2 năm 1977, rất nhiều người, đặc biệt là các nhà công nghiệp, đã hỏi tôi " Tại sao phải làm sạch? Kênh đào Rochore ( chảy vào Kallang Basin) và sông Sigapore luôn luôn dơ bẩn là một phần di sản của Sigapore!". Họ cũng ngửi thấy mùi thối rữa. Người mù trực điện thoại ở văn phòng luật của Choo biết khi nào xe buýt của anh ta chuẩn bị tới sông Singapore nhờ ngửi thấy mùi hôi thối của sông. Các cống nước thải từ sản xuất chịu một nửa trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Từng con suối, cống nước, và các lạch ngòi phải được thoát khỏi cảnh ô nhiễm. Teh Cheang Wan (một trưởng phòng điều hành) châm biếm: "sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu hàng tuần ông mua cá và thả chúng xuống sông."

Lee Ek Tieng không nhụt chí. Anh ta làm việc sát cánh bên tôi và tự tin với hỗ trợ của tôi. Việc làm sạch sông Singapore và Kallang Basin là một công trình quy mô lớn. Anh ta đặt các ống cống ngầm cho toàn bộ hòn đảo, điều này đặc biệt khó khăn trong một trung tâm thành phố đã được xây dựng sẵn. Chúng tôi di chuyển mọi người từ khoảng 3.000 xưởng sản xuất thủ công rồi sau đó tái định cư họ ở những khu công nghiệp với những bể chứa dầu và các chất thải khác.

Từ khi tìm ra Singapore năm 1819, các xà lan và các tàu thuyền lớn đã chạy trên sông. Những công nhân sống, nấu ăn, và tắm gội ngay trên những chiếc tàu này. Họ phải di chuyển đến Pasir Panjang ở bờ biển phía Tây, trong khi những chiếc thuyền buồm dọc theo sông Kallang được di chuyển tới Tuans và sông Jurong.

Năm ngàn người bán thức ăn nấu sẵn trên đường phố đã phải di chuyển đến những trung tâm được thiết kế thích hợp. Quen với việc làm ăn trên lề đường không phải thuê mướn và dễ dàng bắt khách, họ từ chối di chuyển đến các trung tâm nơi mà họ phải trả tiền thuê, tiền nước, và tiền điện. Chúng tôi nhẹ nhàng nhưng cương quyết di dời họ và chu cấp toàn bộ tiền thuê chỗ. Nhưng thậm chí, một số người vẫn từ chối.

Dần dần, chúng tôi huỷ bỏ việc nuôi hơn 90.000 con heo trong 8.000 nông trại bởi heo làm ô nhiễm các con suối. Chúng tôi cũng đóng cửa rất nhiều các ao cá, chỉ để lại 14 ao cá trong cá công viên nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp và một vài ao cá dành cho việc câu cá giải trí. Bây giờ, cá được nuôi ở ngoài khơi trong các lồng lưới nông ở eo biển Johor cũng như trong các lồng lưới sâu dưới biển gần các hòn đảo ở phía Nam.

Chúng tôi cũng thiết lập một tổ chức tái định cư để giải quyết các tranh cãi và mặc cả liên quan đến mỗi đợt tái định cư, cả những người bán hàng rong, nông dân, hoặc những người làm nghề thủ công. Họ chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi bị di chuyển hoặc thay đổi công việc.
Điều này quả là một công tác chính trị vốn mạo hiểm nếu không giải quyết cẩn thận và hợp lý sẽ khiến chúng tôi mất các phiếu bầu trong kỳ bầu cử tới. Một uỷ ban gồm các công chức và các nghị sĩ mà các khu vực bầu cử của họ cũng chịu tác động, đã giúp đỡ chúng tôi giảm bớt những thiệt hại về chính trị.Việc tái định cư cho các nông dân là rất khó khăn.

Chúng tôi trả tiền bồi thường dựa trên diện tích của các cấu trúc nông trại, các khu vực đã được tráng nền của các khoảng đất trống trong nông trại mà họ sở hữu, và số lượng cây ăn trái cũng như các ao cá.Khi nền kinh tế trở nên thịnh vượng, chúng tôi tăng số lượng, nhưng thậm chí số tiền bồi thường hào phóng nhất cũng không đủ. Những nông dân lớn tuổi không biết làm gì với số tiền.
Vào tháng 11 năm 1987, tôi cảm nhận được một điều toại nguyện lớn lao là khai thông sông Singapore và Kallang Basin sạch, trước đó vốn là các ống cống lộ thiên của Singapore.
Tại buổi kỷ niềm Clean River (Sông Sạch), tôi trao tặng những người có trách nhiệm những huy chương vàng để ghi nhớ sự đóng góp của họ. Sau đó chúng tôi xây dựng 8 bể chứa lớn ở cửa sông mới, một vài cái trong số đó được mở cửa để đi du thuyền vào câu cá giải trí. Lượng nước có thể uống được tăng lên đến 45.600 m3/ngày. Đằng sau mỗi dự án thành công đó là một nhân viên có năng lực, được huấn luyện trong kỷ luật và cống hiến những kiến thức của anh ta cho những dự án độc nhất vô nhị của chúng tôi.

Sẽ không có một Singapore sạch và xanh nếu không có Lee Ek Tieng. Tôi có thể nói ra những mục tiêu tổng quát, nhưng anh ta phải vạch ra các giải pháp kỹ thuật. Sau này, anh ta trở thành người đứng đầu của ngành dân chính.Năm 1993, Winsemius đến câu cá ở sông Singapore và cảm thấy toại nguyện khi bắt được cá. Các dòng sông trong sạch đã tạo nên một chất lượng cuộc sống khác. Giá trị và việc sử dụng đất tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong thành phố và những nơi tiếp giáp với dòng sông và kênh rạch.

Chúng tôi mua cát từ Indonesia để tạo một bãi biển dọc theo bờ Kallang Basin nơi mà ngày nay mọi người thường tắm nắng và lướt ván nước. Những khu nhà cao tầng ven bờ biển được xây dựng từ những xưởng đóng tàu nhỏ xấu xí. Thật là một giấc mơ khi thả bộ dọc theo hai bên bờ của sông Singapore. Các cửa hàng và các kho hàng đã được cải tạo và trở thành những quán cà phê, nhà hàng, các cửa hàng, các khách sạn, và mọi ngừơi tổ chức các bữa tiệc ngoài trời bên bờ sông hoặc trong những chiếc thuyền rồng Trung Quốc đậu dọc theo bờ sông.Khí trời và tiếng ồn, đàn chim và tiếng pháo.

Bạn có thể kiểm tra mức độ ô nhiễm của một thành phố bằng các cây cỏ của thành phố đó. Những nơi khói thoát ra từ những xe hơi, xe buýt cũ kỹ, và các xe tải chạy động cơ diesel vượt quá mức cho phép thì các bụi cây phủ đầy các hạt bồ hóng đen, héo và chết.Mùa thu của năm 1970 tại Boston (Hoa kỳ), tôi thật ngạc nhiên nhìn hàng dòng xe ô tô hướng về các trạm xăng. Tài xế của tôi giải thích rằng đó là ngày cuối cùng để đổi giấy phép lưu hành mới cho các xe ô tô trong năm tới, và đầu tiên chúng phải được kiểm nghiệm rồi sau đó sẽ được các trạm xăng cấp giấy phép chứng nhận thích hợp chạy trên đường.

Tôi quyết định thành lập một đội chống ô nhiễm như một bộ phận trong văn phòng của tôi. Chúng tôi đặt các công cụ kiểm định chất lượng dọc theo các con đường đông đúc để đo độ bụi và tỷ trọng khói cũng như nồng độ khí Sulphurdioxide (SO2) thải ra từ các phương tiện giao thông. Những thành phố ở các nước khác có những vùng ngoại ô xanh và sạch để cho cư dân của họ nghỉ ngơi. Diện tích của Singapore bắt buộc chúng tôi phải làm việc, chơi, và sinh sống trong cùng một nơi chật hẹp, điều này bắt buộc chúng tôi nhất thiết phải bảo quản một môi trường sạch cho cả người giàu và người nghèo.

Ở trung tâm thị trấn Jurong, bao quanh bởi hàng trăm xí nghiệp, chúng tôi xây dựng được một công viên chim vào năm 1971. Nếu không có các tiêu chuẩn chống ô nhiễm ngặt nghèo, những con chim này không thể phát triển mạnh. Chúng tôi cũng làm xanh Jurong. Tất cả các công ty phải làm đẹp phong cảnh trong các khu đất của họ và trồng cây trước khi họ có thể bắt đầu hoạt động.Mặc dù chúng tôi đã giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong nước, nhưng toàn bộ Singapore và những khu vực lân cận vẫn bị bao phủ bởi khói bụi từ các trận cháy rừng ở Sumatra và Borneo vào những năm 1994 và 1997.

Các công ty đồn điền, sau ki bòn rút tất cả các gỗ quý, đã nổi lửa đốt khoảng rừng còn lại để làm sạch đất dành cho trồng cọ dầu và các vụ mùa khác. Vào mùa khô, các đám cháy diễn ra ác liệt kéo dài hàng tháng trời. Vào giữa năm 1997, những làn khói độc hại dầy đặc bao phủ toàn bộ Malaysia, Singapore, Thái Lan, và Philippin.
Các phi trường phải đóng cửa và hàng ngàn người lâm bệnh.Tôi cũng đã giải quyết vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn mà trước đây Singapore phải chịu đựng từ những phương tiện giao thông, máy đóng cọc những khu xây dựng, các loa phóng thanh từ những khu giải trí ngoài trời, và vô tuyến truyền hình cũng như các máy phát thanh. Chậm rãi và có phương pháp, chúng tôi hạ tỉ lệ đêxiben xuống bằng cách bắt thi hành các luật mới.

Ồn ào nhất và nguy hiểm nhất vẫn là phong tục đốt pháo trong suốt mùa Tết cổ truyền Trung Quốc. Rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em, bị bỏng và bị thương nghiêm trọng. Toàn bộ những ngôi nhà bằng gỗ của cộng đồng những người cư trú bất cứ hợp pháp đã bị cháy rụi sau trận hoả hoạn vào ngày Tết cuối cùng của năm 1970, khi 5 người bị chết và nhiều người khác bị thương, tôi dẹp bỏ truyền thống đốt pháo cũ xưa này, coi nó là một tội.

Tuy nhiên, hai năm sau, hai cảnh sát không được trang bị vũ khí đã bị tấn công tàn nhẫn khi họ cố gắng ngăn chặn một nhóm đốt pháo. Chúng tôi bước thêm một bước xa hơn là ra lệnh cấm nhập khẩu pháo hoàn toàn. Khi chúng tôi sống trên những toà nhà cao từ 10 đến 20 tầng, thông lệ cổ truyền không phù hợp này phải được chấm dứt.

Nói không với thuốc lá và kẹo cao su
Từ thập kỷ 70, để tránh cho giới trẻ khỏi nghiện ngập và hư hỏng, chúng tôi ra lệnh cấm quảng cáo thuốc lá. Dần dần, chúng tôi ban hành lệnh cấm hút thuốc ở những nơi công cộng - trong thang máy, xe buýt, trong các trạm và trên xe lửa RMT (Mass Rapip Transit) và cả trong các văn phòng có gắn máy lạnh cũng như các nhà hàng. Tôi đi theo người tiên phong: Canada. Người Mỹ thực hiện điều này rất lâu sau này bởi vì sức vận động hành lang cho giới sản xuất thuốc lá của họ quá mạnh.
Chúng tôi có "một tuần không hút thuốc" mỗi năm.
Như một phần của chiến dịch này, tôi thuật lại trên ti vi kinh nghiệm cá nhân của tôi. Tôi đã từng hút khoảng 20 điếu thuốc một ngày như thế nào mãi cho đến năm 1957, trong cuộc tuyển cử hội đồng thành phố, sau khi chiến dịch này diễn ra 3 tuần, tôi bị mất giọng và thậm chí không thể cám ơn các cử tri. Bởi vì không thể giới hạn được việc nghiện ngập của mình, tôi bỏ thuốc. Tôi phải chịu đựng trong hai tuần.

Trong thập kỷ 60, tôi trở nên dị ứng với khói thuốc và không cho phép hút thuốc trong phòng làm việc có gắn máy lạnh của tôi và các phòng nội các. Trong vòng vài năm, hầu hết các bộ trưởng đều đã bỏ thuốc lá ngoại trừ hai người nghiện là Raja và Eddie Barker. Cứ mỗi 10 phút, họ lại đi ra khỏi phòng họp để đốt thuốc và thoả mãn cơn thèm ở ngoài hành lang.Đây là một trận chiến không ngừng mà chúng tôi vẫn tiến hành. Sự thịnh vượng của nền công nghiệp thuốc lá ở Mỹ và sức mạnh quảng cáo đã khiến nó trở thành kẻ thù ghê gớm. Số lượng những người hút thuốc cao tuổi đã giảm nhưng giới trẻ, bao gồm cả nữ giới, vẫn tiếp tục chìm sâu vào nghiên ngập. Chúng tôi không thể để thua trong trận chiến này.

Lệnh cấm ăn kẹo cao su đã khiến chúng tôi bị nhạo báng rất nhiều ở Mỹ. Đầu năm 1983, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia đã đề nghị chúng tôi cấm điều này vì các lý do gây ra bởi việc kẹo cao su bị nhét vào các lỗ khoá và các hộp thư cũng như trong cácnút điều khiển của thang máy. Việc nhổ kẹo cao su lên sàn nhà và các hành lang chung làm tốn tiền lau rửa và làm hư hỏng các dụng cụ vệ sinh. Đầu tiên, tôi nghĩ rằng lệnh cấm này quá khắt khe. Nhưng sau khi những kẻ phá hoại phản văn hoá nhét cao su vào bộ cảm biến của các cửa ra vào của hệ thống xe lửa MRT khiến cho hệ thống bị trục trặc.

Lúc này, tôi không còn là Thủ tướng nữa nhưng Thủ tướng Goh và các đồng sự của ông đã quyết định ban hành luật cấm này vào tháng 1 năm 1992. Một vài nghị sĩ đã từng du học ở các trường đại học Mỹ kể lại rằng bên dưới các ghế trong hội trường bẩn thỉu như thế nào với từng mảnh kẹo cao su dính dai như đỉa. Lệnh cấm đã làm giảm đáng kể sự khó chịu, sau khi thanh toán hết cá hàng tồn trong các của hàng, vấn đề kẹo cao su ở các trạm MRT và trên xe lửa đã giảm đáng kể.Các phóng viên nước ngoài ở Singapore đã không hề tìm thấy một vụ tai tiếng tham nhũng lớn nào hoặc các hành động phạm pháp nghiêm trọng nào để đưa lên mặt báo. Thay vào đó, họ đưa tin về sự hăng hái và thường xuyên của các chiến dịch "làm tốt", nhạo báng Singapore như là một nước "nhà nước vú em". Họ cười ngạo chúng tôi. Nhưng tôi vẫn tự tin. Nếu chúng tôi không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn là chúng tôi có một xã hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn, tục tĩu hơn.

Chúng tôi không được coi là một xã hội có học thức, có văn hoá nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hoá trong thời gian ngắn nhất có thể. Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau khi chúng tôi đã thuyết phục và lôi kéo được số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này đã khiến Singapore trở thành một môi trường sống thú vị hơn. Nếu đây là một "nhà nước vú em" thì tôi tự hào vì đã được nuôi dưỡng nó.Không yên lòng với "tốc độ xoá bỏ qúa khứ".

Vào thập kỷ 60, tốc độ tân trang lại đô thị tăng nhanh. Chúng tôi trải qua một thời kỳ bừa bãi phá huỷ trung tâm thành phố cũ nát để xây mới lại. Vào cuối năm 1970, chúng tôi cảm thấy không yên lòng với tốc độ xoá bỏ qúa khứ của mình (!), vì thế năm 1971, chúng tôi thiết lập một Ban Bảo tồn di tích để xác nhận và bảo tồn các toà nhà có giá trị lịch sử, cổ truyền, khảo cổ học, kiến trúc, hoặc liên quan đến nghệ thuật, và các toà nhà hành chánh, văn hoá và thương mại có ý nghĩa trong lịch sử Singapore. Các kiến trúc này bao gồm các đền đài Trung Quốc, Ấn Độ cổ, các nhà thờ Hồi giáo, các nhà thờ Anh giáo và Thiên chúa giáo, các giáo đường Do Thái, các kiến trúc truyền thống Trung Quốc thế kỷ 19, và các văn phòng chính phủ thuộc địa cũ trong trung tâm hành chánh cũ. Niềm tự hào của quá khứ thuộc địa là dinh thống đốc, một thời là dinh thự của thống đốc Anh, bây giờ Istana là văn phòng của Tổng thống và Thủ tướng.

Chúng tôi cố gắng gìn giữ nét đặc trưng của Singapore để nhắc nhở về quá khứ. May mắn thay, chúng tôi đã không phá huỷ khu vực lịch sử Kampong Glam, di tích lịch sử của Hoàng gia Malay, Little India (Tiểu Ấn Độ), khu Hoa kiều, và các nhà kho cổ dọc theo sông Singapore.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét