28 thg 2, 2009

Am thanh & cuong no (The Sound & The Fury) - W.Faulkner

ÂM THANH & CUỒNG NỘ
của WILLIAM FAULKNER
Từ Vũ

The Sound and the Fury - Âm thanh và cuồng nộ - được NXB Jonathan Cape & Smith - New York cho ra mắt độc giả lần đầu tiên vào ngày 7-10-1929 với 1.789 ấn bản. Tác phẩm khởi đầu chỉ thành công một cách tương đối, nhưng lại là một tác phẩm ngoại hạng với lối hành văn chưa từng có, một công-trình bất-hủ về văn-chương, để về sau được rất nhiều người ngưỡng mộ...

Thật vậy, Âm thanh và cuồng nộ không giống bất kỳ một quyển sách nào, không những chỉ vì cốt truyện hoặc chủ đề được đề cập một cách đột ngột, mà còn vì nó làm cho độc giả phải sửng sốt.
Tóm lược truyện Âm thanh và cuồng nộ là điều có thể tạm được, nhưng sẽ vi phạm một "trọng tội" không thể tha thứ bởi truyện rất phức tạp, chằng chịt không ngừng với những hồi tưởng chập chờn, rộng trải với quá khứ, hiện tại, tương lai quấn quyện, đầy dẫy cạm bẫy khó thể tránh nổi mà các kiểu tóm lược không tài nào diễn tả đầy đủ được.
Đã vậy, Faulkner còn đặt trùng tên cho những nhân vật khác nhau trong truyện: Quentin (tên của người bác và tên của cô cháu), Maury (Maury Bascomb và Maury Compson, sau được đổi là Benjamin hay Benjy) như cố tình làm lạc đường người đọc. Faulkner đã cố ý để cho Âm thanh và cuồng nộ thể hiện sự hỗn loạn của tâm thần, sự khắc khoải của linh hồn.
Xin hãy đọc những lời tâm sự của chính tác giả về The Sound and the Fury: "Truyện không có tựa đề, cho tới một ngày, từ sâu thẳm tiềm thức tôi chợt phát hiện những chữ mà có thể nhiều người biết: THE SOUND AND THE FURY. Tôi chấp nhận những chữ đó ngay không cần suy nghĩ, và như thế, cùng lúc, những câu tôi trích-dẫn từ Shakespear cũng được ứng dụng một cách tốt đẹp nếu không muốn nói là hoàn mỹ vào câu truyện đen tối, đầy điên dại và cũng đầy hận thù này".
Quả như Faulkner đã nói, người ta có thể đọc rất rõ ràng trong vở kịch Macbeth, scene V, màn V , định nghĩa về hai chữ Cuộc đời: "It is a tale told by an idiot, full of SOUND and FURY, signifying nothing" - "Đó là câu chuyện kể bởi một tên khờ ngốc, đầy Âm thanh và Cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì".
Lúc đầu, tôi chỉ có ý định viết một truyện ngắn. Tôi hình dung nó sẽ rất lý thú nếu tưởng tượng được những ý nghĩ trong đầu của một đám trẻ nhỏ vào ngày an táng bà nội chúng. Ngày đó người lớn trong nhà đã che giấu chúng, sự tò mò của chúng có thể khám phá ra được điều bí mật trước những náo động trong gia đình, và những dự đoán xảy ra trong đầu đám trẻ...
Để cho kết cấu truyện thêm phần sinh động, tôi đã tìm cách tạo dựng ra nhân vật - một đứa bé bất bình thường, một nhân vật có thể giải quyết được những rắc rối mà không cần sử dụng đến khối óc bình thường, nói một cách khác, bộ óc nhân vật đó phải bất bình thường, thậm chí ngu xuẩn.
Bởi thế nhân vật Benjy xuất hiện. Tiếp đó, cũng giống như những nhà văn khác, tôi đã mê say một trong những diễn viên mà tôi tạo ra: Caddy. Tôi "yêu" nhân vật nữ này tới độ không thể để cô ta chỉ sống trong một truyện ngắn, cô ta xứng đáng hơn thế nữa…
Quyển tiểu thuyết hoàn tất, chính tôi cũng không thể nói rằng hoàn tất, nhưng gần như nó đã hoàn tất.
Quyển tiểu thuyết chấn động trong âm thanh và cuồng nộ, và hình như hoàn toàn thiếu thốn ý nghĩa mà người ta thường quan niệm, rằng một kẻ cầm bút mỗi khi viết phải có một thông điệp, hoặc để phục vụ cho một nguyên cớ cao thượng nào đó. W. Faulkner tự mãn nguyện khi mở tung được cánh cửa địa ngục; Faulkner không ép buộc ai phải đi chung với ông; nhưng những ai đặt tin tưởng vào ông, nhất định sẽ không bao giờ phải hối tiếc.
Được ấu tạo bằng 4 độc thoại nội tâm liên tiếp thuật lại thảm-trạng suy sụp, tan vỡ của gia-đình Compson - đã từng một thời quyền quý trong vùng Missississipi. Thành phần của truyện gồm: Ông Jason Compson, bà Caroline vợ ông ta, bốn người con: Quentin - con trưởng, cô con gái thứ hai Candace (Caddy) và hai người con trai theo thứ tự: Jason, Maury, sau này đổi lại là Benjamin (Benjy) chậm phát triển, một đứa bé 3 năm trong thân thể một người 30 tuổi, một người không đủ khả năng thiết lập được những nối kết giữa điều gì nhìn thấy, nghe được và những cảm nhận được. Không một sản địa tại miền Nam Hoa Kỳ nào lại không có những người nô lệ da đen; Gia-đình thảm thương Compson có Rosbus, Dilsey vợ anh ta và những đứa con, Versh, T.P và Frony, Frony cũng có một đứa con được đặt tên là Luster. Dưới mắt những người đầy tớ da đen này, cả cái thế giới nhỏ của gia đình người chủ da trắng đó quay cuồng, tranh cãi, sâu xé, hành hạ nhau… trong hai chữ thường được người ta gọi là "định mệnh" .
Tấn thảm kịch lần lượt được thuật lại bởi ba người con trai Benjy (phần I), Quentin - anh sinh viên đại học Harvard trước khi tự sát (phần II), Jason - kẻ biển lận, tham lam, ích kỷ (phần III) và phần cuối cùng do Dilsey - người vú da đen kể lại.
Phần I khởi đầu vào ngày 7-4-1928 do Benjy kể đúng vào dịp sinh nhật 30 tuổi của cậu ta. Benjy không suy nghĩ mà chỉ cảm nhận bằng giác quan, những sự việc thoáng hiện trong đầu, bám víu vào hình ảnh của cô chị ruột, Caddy, của âm thanh, tiếng nói, mùi vị: "Chị Caddy có mùi như mùi cây “smelled like trees” khi Caddy còn trinh trắng, sau đó "Caddy no longer smells like trees" - "Chị Caddy không còn thơm như mùi cây nữa" khi đã lén lút trao thân cho tình nhân - Dalton Ames - rồi sinh ra đứa con gái được đặt trùng tên với bác ruột - Quentin.
Cũng chính bởi thế, phần thứ I của truyện thật khó so sánh với bất kỳ một tác phẩm văn chương nào. Benjy, một tâm thần giản dị, ngây ngô, bị cuốn quay trong thảm trạng dữ dội của gia đình. Những ý tưởng, kỷ niệm, tình cảm bất chấp thứ tự của Benjy biến chuyển theo từng dòng chữ và luôn luôn không một chút dấu hiệu chuyển tiếp nào. Khi những cảm giác vừa làm Benjy nhớ lại một cảnh tượng của một thời nào đó, thì cũng là lúc người đọc đã và đang ở nơi khác. Hiện tại, quá khứ trộn lẫn vào nhau trong những hình ảnh bất chợt loé lên trong tâm linh của Benjy. Ngay chỉ trong một câu, người đọc có thể bị dẫn từ năm 1928 trở ngược lại năm 1910…, người đọc theo dõi diễn tiến câu chuyện bằng những bước nhẩy vọt về phía trước, hoặc bị lôi ngược lại đằng sau.
Tình trạng như thế được trình bày với những kết hợp thật ngạc nhiên, và cũng thật khó hiểu trong lần đầu tiên đọc. Âm thanh và cuồng nộ khởi đầu trong một sự hỗn độn kỳ lạ như vậy.
Phần thứ II người đọc được kéo trở lại năm 1910 - ngày 2 tháng 6, những biến cố xảy ra trong ngày cuối cùng cuộc đời của Quentin tại đại học Harvard, anh ta lang thang, thất thểu, quay quắt trong tâm trí những chất chứa từ lâu. Ở đây, người đọc tìm gặp những suy tư của một tâm thần suy nhược, đau đớn, dằn vật với chính mình, những hình ảnh chợt hiện lên, tan biến, báo hiệu trước giờ hẹn với tử thần.
Đa số là những hồi tưởng ghi nhận trong thời mới lớn của Quentin, đặc biệt về bản năng sinh dục (sexuality) buổi đầu của Caddy, em gái anh ta, tình yêu sâu đậm của Quentin với cô em gái; đó là Caddy vào một buổi tối trong quá khứ, là mùi thơm của hoa kim ngân trở về không ngớt, nhói đau trong suốt câu chuyện tự thuật của Quentin, là lầm lỗi, ăn năn, hình phạt và chiếc đồng hồ mà cha đã tặng anh - biểu tượng cho sự sống và thời gian, khi đồng hồ vỡ cũng là lúc cuộc sống và thời gian cuả chính anh ta ngừng lại. Tiến dần theo chu kỳ chiếc vòng xoắn quái lạ này, câu chuyện xuất hiện mỗi lúc một rõ rệt hơn. Faulkner tự cho phép ông kể chuyện bắng những ‘’tán rộng xa đề tài’’ càng lúc càng lý thú, đặc biệt càng thật ngao ngán và buồn bã trong phần nói về người con gái tuyệt vọng.
Phần thứ III, ngày 6, tháng 4 năm 1928, được diễn ra trong tư tưởng của Jason, em của Quentin, anh của Benjy và là em của Caddy (cô em gái mà định mệnh là chìa khóa của cả quyển tiểu thuyết), một kẻ ghen tỵ, hung tợn, xảo quyệt, bần tiện, bủn xỉn. Quentin đã tự-tử, Caddy không còn sống chung với gia đình nữa mà phải đem đứa con gái về cho gia đình nuôi nấng, nhưng lại bị cấm không được lui tới thăm nom, kể từ đó trở đi, Jason gánh vác gia đình. Jason nuôi trong lòng thù hận vô biên với Quentin, đứa cháu gái, con của Caddy. Thái độ của Jason thật vô nhân đạo.
Jason lường gạt tất cả mọi người ngay cả với mẹ ruột, duy nhất chỉ Dilsey là dám đương đầu với hắn. Cũng như những chương khác của truyện, hành động chỉ giới hạn một ngày, nhưng biết bao sự kiện đã diễn ra trong những tâm linh rối bời, tơi tả, để Faulkner cho người đọc ngập ngụa chi tiết và cảm giác.
Lời thuật chuyện dần dần trở thành "bình thường", tuy nhiên đôi khi vẫn có một vài sai biệt làm người đọc vẫn có ấn tượng bị cuốn hút theo tình trạng tâm thần của những diễn viên chính trong truyện.Trước khi ủy thác phần thứ tư của Âm Thanh và cuồng nộ cho một người thuật chuyện "khách quan", Faulkner đã đặt cạnh nhau 3 độc thoại hoàn toàn độc lập của 3 người anh em gia đình Compson. Phương pháp kể chuyện của ông khiến người đọc bị dính líu trực tiếp với chuyện kể, và gần như tự đặt mình vào nhân vật của truyện.
Những người đọc quen thuộc với kỹ thuật luôn được Faulkner sử dụng có thể nghi ngờ và dự liệu ngay rằng tác giả sẽ xáo trộn thứ tự thời gian. Quả đúng thế. Phần đầu xảy ra ngày 7 tháng 4 năm 1928; Phần II, mười tám năm về trước, ngày 2 tháng 6 năm 1910; Phần III, ngày 6 tháng 4 năm 1928; Cuối cùng, hai ngày sau đó, 8 tháng 4. Về những biến cố, hiện tại hoặc quá khứ đến với chúng ta qua những độc thoại nội tâm, phần cuối cùng chỉ là sự tưởng tượng trực tiếp, sau đó xuất hiện những miêu tả về vật chất của các nhân vật Caroline Compson, Jason, Dilsey, Benjy. Và chúng ta được từ từ khám phá suốt trong những độc thoại của 3 phần trước đó. Ở phần thứ tư, Faulkner chấp nhận sử dụng phương cách hành văn cổ điển của một người thuật chuyện bàng quan, và cũng chỉ tại đây đã xảy ra gắn kết lại những đoạn mô tả đầu tiên về nơi chốn, nhân vật, tình hình mà người đọc đã biết từ những trang đầu của truyện.
Âm thanh và cuồng nộ của 3 chương mục trước đây dịu nhẹ, trước khi lại bật nổi lên vào những giây phút cuối cùng của truyện bởi một kết cục giả tạo làm người đọc sửng sốt. Văn cách của Faulkner quả như một trận bão lốc, trong đó người đọc bị cuốn theo từng ý tưởng, tình cảm và ngay cả từng cảm giác của nhân vật.
Kết thúc truyện, người đọc tìm lại được sự êm dịu nào đó, với nghị lực mạnh mẽ của Dilsey, cột trụ cứng cỏi duy nhất, nhân từ nhất và không hề bị lay động trong sóng bão: Hai sự kiện chính yếu được thuật lại ở phần này một cách minh bạch, đó là Jason đuổi bắt Quentin (con gái Caddy) cô cháu gái bỏ nhà trốn đi sau khi ăn cắp 3.000 dollars mà người cậu cất giấu và sự tham dự của Dilsey trong buổi lễ phục sinh tại nhà thờ và những lời giao giảng về sự hiển linh của đấng cứu thế trong ngày phán xét cuối cùng, như câu Dilsey đã nói sau buổi lễ: "I've seed de first en de last ... I seed de beginnin, en now I sees de endin". Trong tâm tưởng người đọc, hình ảnh trong sáng, thanh bình của một Benjy: "Benjy's broken flower drooped over Ben's fist and his eyes were empty and blue and serene again as cornice and façade flowed smoothly once more from left to right, post and tree, window and doorway and signboard each in its ordered place" .
Âm thanh và cuồng nộ như thể được kết cấu theo thứ tự chủ yếu của âm nhạc, và cũng như những nhà viết nhạc, Faulkner sử dụng hệ thống của những đề mục; không phải bằng sự trốn lánh tạm thời với một đề mục duy nhất rồi từ đề mục này câu chuyện sẽ được bành trướng lên và được biến đổi, nhưng là những đề mục phức tạp khởi đầu, nảy nở, tái xuất hiện để sau đó lại biến mất đến một lúc nào mà tất cả đều nổ bùng với tất cả những phong phú dồi dào của nó.
Người đọc cũng liên tưởng đến kết cấu của những người theo trường phái ấn tượng, bí hiểm và vô thứ tự củalần đầu tiên nào đó trong buổi thử trình diễn, những với những bố cục mạnh mẽ dưới tầm mắt mù mờ che bề ngoài.
The Sound and the Fury là một tiểu thuyêt của "không trung", nó gợi ý hơn những gì muốn nói, một loại của ‘’Nuit sur le Mont Chauve’’ - đêm trên đỉnh núi trọc - qua đó, một làn hơi lộng thổi rất quái dị, quay cuồng những linh hồn đang bị đọa đầy, một bài thơ bi thiết, một giai điệu tàn khốc của thù hận mà mỗi chuyển động âm nhạc thể hiện một đặc điểm rất rõ rệt.
Làm thế nào để sao chép lại được tư tưởng?
Làm thế nào để viết ra được những tình cảm?
Theo ngày tháng lịch sử nhân loại, mỗi người cầm bút đã thử giải đáp những câu hỏi này. Có người chọn lưạ con đường triết lý như một Spinoza, theo đuổi thật chu đáo phương pháp chứng minh hình học; Người khác chọn lưạ con đường thi ca như một Baudelaire, để dâng tặng vẻ yêu kiều, duyên dáng cho những đề tài nhơ nhớp nhất; Những người khác nữa lại tự nguyện đi vào tình tiết lắt léo của tiểu thuyết, truyện thuật lại để tự bảo rằng "sự dàn cảnh" của tinh thần là phương cách tìm lại được sự trung thực hiện hữu. Nhưng tất cả đều tương phản với điều khó nói ra được. Trong tất cả những mưu toan văn chương "toàn diện" kể trên, không còn thể ngờ vực được thì mưu toan của Faulkner là một trong những thành tựu độc đáo và quyến rũ nhất.
Với The Sound and the Fury, cuối cùng, Tư Tưởng được sao chép lại. Tình Cảm được thể hiện trên trang giấy. Cuối cùng, Cuộc đời sống động hơn chính cả Cuộc đời.

W.Faulkner. Photo by W.C. Odiorne
After he wrote his first novel, Soldiers' Pay, Faulkner traveled to Europe in the manner of many other young writers of the day. While in France, he adopted the look and air of a Bohemian poet by growing a beard and absorbing the art and culture of Paris' Left Bank. One of his favorite places was in the Luxembourg Gardens, where he was photographed by William C. Odiorne. He wrote a long description of the Gardens, which he would later revise and incorporate into his novel Sanctuary.

26 thg 2, 2009

Khong de

không đề
văn cao

Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?

21 thg 2, 2009

S.Beauvoir & J.Sartre (2)


Simone de Beauvoir &
Jean Paul Sartre
Simone Lucie-Ernestine-Marie Bertrand de Beauvoir - triết gia, nhà văn và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng người Pháp; được gọi là người làm thay đổi giới phụ nữ phương Tây thế kỷ XX.

J.P.Sartre là đại diện của triết học hiện sinh (existentialism, còn gọi: chủ nghĩa tồn tại, chủ nghĩa sinh tồn) của thế kỷ XX, một trào lưu triết học có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Cuộc đời ông chính là một trải nghiệm của trường phái triết học mà ông đại diện, trong đó có cuộc sống riêng.
J.P.Sartre không lấy vợ, nhưng ông có người bạn tình trọn đời là S.Beauvoir; hai người không xa rời nhau suốt từ năm 1929 - khi gặp nhau lần đầu - cho tới năm 1980, khi Sartre qua đời, mười năm cuối đời ông hoàn toàn chung sống với bà. Nhưng họ không cưới nhau bao giờ, cũng không liên tục sống chung một mái nhà suốốt thời tuổi trẻ, tuy có dịp là ở bên nhau. Hình như giữa hai người chỉ có một mối “tình bạn kiểu hiện sinh”.
Tổng thống Pháp François Mitterrand từng ca ngợi Beuvoir là “một trong những nhà văn bậc thày, nhà tiên phong vạch thời đại. Cuộc đời bà, các tác phẩm bà viết và cuộc đấu tranh của bà đã nâng cao giác ngộ tất cả những người đàn ông và đàn bà nước Pháp cũng như toàn thế giới”. Tên bà được đặt cho một cây cầu bắc qua sông Seine thơ mộng (Passerelle Simone de Beauvoir), đoạn chảy qua Paris. Cầu do kiến trúc sư người Áo Dietmar Feichtinger thiết kế, có hình dạng độc đáo như một con mắt mở. Thư viện quốc gia Mitterrand sừng sững bên này cầu, bên kia cầu là tòa kiến trúc đồ sộ của trụ sở Bộ Tài chính Pháp, và công viên Bercy xanh tươi, êm đềm.
“Sartre có đầu óc xuất chúng, nhưng Beauvoir mới là nhà triết học thực sự”
S.Beauvoir sinh ra trong một gia đình khá giả ở Paris; cha là luật sư tòa án Paris, mẹ là tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo. Trong thời gian học đại học, Beauvoir rất giỏi các môn văn, toán. Tốt nghiệp Văn khoa trường đại học Paris năm 1927, tiếp đó bà quyết định lấy bằng thạc sĩ triết học (agrégation de philisophie), một học vị rất khó đạt.
Năm 1929, Beauvoir hợp tác với một nhóm sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Paris, trong đó có J.P.Sartre; hai người cùng nhau trả lời các đề thi.
Kết quả, Sartre, 24 tuổi, đỗ đầu bảng nam (thi lần 2), Beauvoir, 21 tuổi, xếp thứ hai bảng nữ. Beauvoir là người trẻ nhất được phong học vị thạc sĩ triết học trong lịch sử nước Pháp. Giáo sư André Lalande, chánh giám khảo kỳ thi nói: “Sartre có đầu óc xuất chúng, nhưng Beauvoir mới là nhà triết học thực sự”.
Luôn làm việc bên nhau nên giữa Sartre và Beauvoir nảy sinh tình cảm. “Tháng 8 năm ấy, khi lần đầu chia tay, tôi đã linh cảm thấy anh sẽ không bao giờ ra khỏi cuộc đời của tôi nữa” - Beauvoir viết tiếp: “Đây là kiểu tình yêu tất yếu giữa hai chúng tôi. Sau này chúng tôi sẽ đi tới kiểu tình yêu ngẫu nhiên”.
Quả thế, mỗi lần ngẫu nhiên gặp lại nhau, họ sống như vợ chồng, tuy vẫn tôn trọng người kia có quan hệ tình cảm với kẻ thứ ba.

Sartre nói với Beauvoir “Anh yêu em, nhưng không tôn thờ chế độ một vợ một chồng.” Suốt đời họ không lấy nhau có lẽ vì ngại cuộc sống hôn nhân sẽ hạn chế tự do của mỗi người. Ai cũng biết Sartre vô cùng coi trọng tự do cá nhân, ông tán thành quan điểm tự do là giá trị tối thượng của con người, đã là người thì nhất thiết phải được tự do... Từ quan điểm đó, ông đã kế tục và phát triển xuất sắc trường phái triết học hiện sinh.
Năm 1931, Bộ Giáo dục cử Beauvoir đi dạy trung học ở Marseilles, miền Nam nước Pháp, Sartre đi Le Havre, một thành phố miền Bắc. Cặp tình nhân thế là mỗi người mỗi hướng, chỉ có dịp chung sống nhau trong kỳ nghỉ hè.
Rồi một mối tình “ngẫu nhiên” khác bỗng dưng xuất hiện. Cô học trò của Sartre là Olga Kosakiewwicz đột ngột xen vào giữa hai người. Tình cảm của Sartre dành cho cô gái này đã mang lại cho Beauvoir đề tài để viết nên thiên tiểu thuyết đầu tay "Nữ khách" (L’Invitée), xuất bản năm 1943. Tác phẩm khá thành công, đặt nền móng cho hoạt động sáng tác của bà sau này.
Thế nhưng khi phát xít Đức tấn công Pháp, Sartre bị tổng động viên và ra mặt trận. Triết gia trẻ ngày nào cũng viết thư cho “con hải ly mê hồn yêu quý” - biệt hiệu của Beauvoir do một nhóm sinh viên triết đặt từ năm bà 21 tuổi, họ nói từ Beauvoir rất giống từ Beaver (con hải ly) trong tiếng Anh.
Trong chiến đấu, Sartre bị quân Đức bắt làm tù binh, nhưng 1 năm sau ông được tha (1941). Trở lại Paris, Sartre tham gia phong trào chống phát xít, thường xuyên cùng các 'đồng chí' họp kín tại nhà mẹ của Beauvoir.
Trải qua những ngày đối mặt với cái chết, Sartre có dịp suy ngẫm sâu sắc về ý nghĩa của tồn tại cá nhân; tư duy đó đã giúp ông viết nên tác phẩm triết học quan trọng "Tồn tại và Hư vô" (L’Être et le Néant), xuất bản năm 1943.
Với tác phẩm ấy, ông được coi là người sáng lập chủ nghĩa hiện sinh (existentialism) ở thế kỷ XX, triết lý mà chính ông trải nghiệm đến chết; nó cho rằng cái tồn tại không phải là khách thể mà là chủ thể, nó nhấn mạnh sự tồn tại của cá nhân, là căn cứ của mọi sự tồn tại khác.
Theo ông, tồn tại có trước bản chất (Existence precedes essence), ngược với tư tưởng của Platon. Cá nhân và tự do cá nhân được nâng lên tầm cao nhất.
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa chủ nghĩa hiện sinh là “khuynh hướng triết học quan niệm con người là độc nhất và đơn độc trong một vũ trụ lãnh đạm, thậm chí thù nghịch; con người là tự do và chịu trách nhiệm về hành động của mình”. Từ điển Tân Hoa (Trung Quốc) với quan điểm Mác-xít cho rằng chủ nghĩa hiện sinh “phản ánh sự đồi bại thối nát và tâm lý bi quan tuyệt vọng của giai cấp tư sản thời đại chủ nghĩa đế quốc”.
Thời gian gần đây, cách đánh giá đó dần dần thay đổi, nhất là khi xem xét dưới quan điểm chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng giáo dục, người ta thấy có thể hấp thu được một số điều bổ ích từ triết học này. Công cuộc cải cách giáo dục của một số nước đã vận dụng triết học hiện sinh để nâng cao vai trò của học sinh trong mối quan hệ thầy trò.
Các khái niệm của triết lý hiện sinh được Soren Kierkegaard (1813-1855) đưa ra từ thế kỷ XIX, sau đó được Friedrich Nietzsche (1844-1900) và Martin Heidegger (1889-1976) kế tục. Sartre đã phát triển và hoàn chỉnh nó trong điều kiện cuộc sống nhân loại đã được hiện đại hóa ở thế kỷ XX.
Triết học hiện sinh có ảnh hưởng lớn trong 2 thập niên 50, 60 của thế kỷ XX; về sau, tuy bị các tư tưởng triết học chủ nghĩa kết cấu và chủ nghĩa hậu hiện đại che lấp, song Sartre vẫn được coi là nhà tư tưởng lớn đã phản ánh tinh thần của thời đại.
Năm 1964, Sartre được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng Nobel nhưng ông từ chối.
Ngoài ra, Sartre còn là nhà văn, nhà viết kịch. Tiểu thuyết "Buồn nôn" (La Nausée) xuất bản năm 1938 cùng nhiều tác phẩm khác đều đậm màu sắc hiện sinh.
Là bạn đời của ông, Beauvoir dĩ nhiên hăng hái ủng hộ triết lý ấy.
Sau chiến tranh, tháng 10-1946, Sartre và một số bạn bè sáng lập nguyệt san “Thời Hiện đại” (Les Temps modernes), Beauvoir cũng tham gia biên tập tờ báo này.
Sau khi Sartre trở thành triết gia và nhà văn nổi tiếng, nhiều người cho rằng Beauvoir “núp bóng” Sartre. Điều đó làm bà có chút bực mình. Có lần bà nói: “Tại sao chẳng ai cho rằng Sartre là bạn đời của Beauvoir nhỉ?”

Năm 1949, Beauvoir xuất bản tác phẩm "Giới tính thứ hai" (Le deuxième sexe) nhằm vạch ra con đường giành quyền lợi cho nữ giới - chiếm một nửa nhân loại. Cuốn sách trình bày những quan điểm, lý luận và đưa ra các hình thức đấu tranh giành nữ quyền. “Không phải người ta sinh ra đã là đàn bà” - Beauvoir viết.
Bà nói: xưa nay phụ nữ bị coi là “thuộc một giống khác” với đàn ông, nói cách khác, là loại người “thứ yếu” bên cạnh loại người “chủ yếu”; quan điểm này là kết quả do hoàn cảnh lịch sử và xã hội tạo ra, chứ không liên quan gì tới thiên tính nữ; chỉ bằng cách làm việc và có nghề nghiệp, người phụ nữ mới có thể giành được sự tôn trọng của xã hội...
Giới tính thứ hai đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi ở Pháp; nó được các nhà hoạt động nữ quyền trên khắp thế giới, nhất là Mỹ, nhiệt liệt hoan nghênh. Tác phẩm nhanh chóng được dịch ra 19 thứ ngôn ngữ khác. Tại Mỹ, nó trở thành sách gối đầu giường của những người theo phong trào nữ quyền, và Beauvoir được gọi là "Bà mẹ của phong trào nữ quyền".
Không chỉ đấu tranh giành quyền cho phụ nữ, bà còn hăng hái chống chủ nghĩa thực dân, vạch trần tội ác của quân đội Pháp tại Algeria, chống chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam. Chính nhờ sự đấu tranh kiên trì của bà mà quyền tự do phá thai sau này được pháp luật nhiều nước thừa nhận; đây là một thắng lợi lớn góp phần quan trọng giải phóng phụ nữ.
“Bà ấy đã mở ra cánh cửa giải thoát cho phụ nữ toàn thế giới… Tác phẩm của Beauvoir đã làm thay đổi số phận của hàng trăm triệu người” - Kate Millett - nhà hoạt động nữ quyền người Mỹ nói.
Beauvoir còn viết truyện dài "Các vị quan" (Les Mandarins) kể lại đời sống giới trí thức cao cấp ngụ tại khu Saint-Germain (Paris) sau đại chiến II. Tiểu thuyết được giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp - giải Goncourt năm 1954. "Các vị quan" phác thảo bức tranh một số nhà trí thức theo chủ nghĩa xã hội ngoài đảng cộng sản, mong muốn xây dựng một châu Âu XHCN sau đại chiến II nhằm tránh xảy ra cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô với Mỹ.
Beauvoir rất thích du lịch và hầu như đã đi khắp thế giới. Chuyến thăm Mỹ của bà được thể hiện trong cuốn "Châu Mỹ sống gấp" (L’Amérique au jour le jour) xuất bản năm 1948. Tác phẩm "Trường chinh" (La Longue Marche, 1957) kể lại chuyến thăm Trung Quốc cùng với Sartre.
Một năm sau khi Sartre mất, Beauvoir xuất bản cuốn "Lễ vĩnh biệt" (La Cérémonie des adieux, 1981), kể lại 10 năm cuối, khi ông bà chung sống vì hồi ấy Sartre hầu như đã mù hẳn. Sartre mất ngày 15-4-1980. Sáu năm sau, Beauvoir qua đời vào ngày 14- 4. Mộ bà được đặt ngay bên cạnh mộ Sartre trong nghĩa trang Montparnasse.

Sau khi qua đời, bà càng nổi tiếng hơn trước, không chỉ vì đã đặt nền móng cho phong trào nữ quyền, mà do bà được coi là một trong số những nhà tư tưởng quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện sinh ở Pháp. Di sản Beauvoir để lại rất to lớn.

Được bè bạn thúc giục, năm 1983, tức một năm trước khi qua đời, Beauvoir xuất bản tập thư tình Sartre viết cho bà từ những ngày ông nhập ngũ. Cuốn sách có tựa đề "Thư gửi Hải Ly". Những bức thư thật cảm động, lai láng tình yêu dành cho bà.
Chỉ tiếc người đọc không có dịp thưởng thức những bức thư trả lời của Beauvoir - được viết bởi ngòi bút của người được gọi là "bà mẹ của phong trào nữ quyền".

Nguyễn Hải Hoành

Hoi ten - rang bien xanh dau...

buigiang - tranh trịnhthanhtùng

Hỏi rằng người ở quê đâu?
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà

Hỏi tên, rằng biển xanh dâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên, rằng một, hai, ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm...

Người con gái mặc quần!

Người Con Gái Mặc Quần
thơ Bùi Giáng

Người con gái hôm nay mặc quần đỏ
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
Đen và đỏ là hai màu rồi đó
cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên

Người con gái hôm nay mặc quần trắng
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
Hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn
Cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh

Người con gái hôm nay mặc quần tím
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
Vàng và tím là hai màu mỉm miệng
Mím môi cười và chúm chím khoe răng

Người con gái hôm nay mặc quần rách
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
Lành và rách đều vô cùng trong sạch
Bởi vì lành hay rách cũng long lanh!
* images.nld.com.vn

20 thg 2, 2009

Hoi An

Hội An
thơ Chế Lan Viên

Hội An chẳng là quê
Mà là hương, khổ thế!
Quên quê, ai có thể
Hương ư? Ôi dễ gì

Phe phô, ta phe nào?
Ôi, A Di Đà Phật!
Cái phe toàn nước mắt
Chỉ phô toàn khổ đau!

Yêu ở đâu thì yêu
Về Hội An xin chớ
Hôn một lần ở đó
Một đời vang thủy triều

Xin chớ hôn gần bể
Từng đêm sóng đuổi người
Hồn ta hóa tượng Hời
Nửa khôn rồi nửa dại

“Anh là khỉ chùa Cầu “
Mắng xong anh, em khóc
Hương chùa hay hương tóc
Mắng khỉ mà người đau

Thế rồi ta xa nhau
Anh lên đài Vọng Hải
Tìm em mùa hoa dại
Hoa đây còn em đâu?

Không cần gặp Thiên Tào
Đòi một đời hạnh phúc
Chỉ cần cùng nhau khóc
Một giờ trong cao lầu

ảnh: chudu24.com

Tu the chi ca II



Từ thế chi ca II
di cảo thơ Chế Lan Viên


Có thể là Trái Đất mất anh hơn là anh mất nó
Nó mất anh như mất một hạt bụi có nghĩa gì?
Còn anh ngày mai khi đã là linh hồn, anh vẫn nhìn thấy nó
Cha vẫn nhìn thấy con, thấy mẹ, thấy khu vườn
Có điều ở thế giới ấy trong sáng, người ta không đau, không dùng nước mắt
Người ta trong như thủy tinh, chỉ còn có tình thương
Con vẫn nằm trong tầm mắt cha khi con đau khổ hay là khi hạnh phúc
Còn như mồ cha, cái bình tro xương cha
Có phải cha đâu?
Ờ, ở thêm cùng các con, cùng mặt đất này dăm năm, dăm tháng, dăm ngày
Có khi cũng là hay đấy
Nhưng biết đâu chất thủy tinh sau đấy sẽ đục hơn
Cuộc sống của vũ trụ là một Bi Kịch Vui
Hay đó là một nỗi Buồn vĩ đại làm phấn chấn
Và khi nhìn trời xanh, con yêu, ấy chính cha rồi!

Tôi viết cho người...
Tôi viết cho một người nào trong thế kỷ mai sau
Nhặt thơ tôi lên từ trong bờ bụi
Phủi hết bao tầng mọt mối
Bỗng gặp tôi lòe chói ở đôi câu
Ngươi kia phủi bụi thêm, đọc lại từ đầu
Bỗng chốc thương người xưa, rưng giọt lệ
Tôi đã hóa bọ giòi, giun dế...
Hóa vô danh, vô ảnh, vô hình
Nghe tình thương bỗng lại sinh thành
Trong khoảnh khắc - lại là tôi - khoảnh khắc
Nhớ lại câu thơ mình của mình quên tắp
Nhớ lại cuộc đời đã ở trần gian
Một cuộc đời thôi mà biết mấy đa đoan
Liền sợ hãi, lại biến mình ra hạt bụi
Và lần này là không còn gì cứu nổi
Tan thành hư không
Và mong nó cùng quên mình...

* phụ bản: judy holding

Choi

Chơi
thơ Chế Lan Viên

Ở đâu chơi chiến tranh, chơi cờ, chơi cờ người, chơi cờ giết người,
Chơi những cuộc giết người cắm cờ...
Chơ bi, chơi bi-a, chơi bi kịch, chơi bi quan, bi thảm...
Chơi phong cảnh, chơi non bộ, chơi làm bộ...
Ở đây chơi chữ
Đem chữ ra mà chơi
Chữ trá hình - đang là ta, nó hóa ra mình
Chữ đa nghĩa - ở bên bờ vô nghĩa
Để chơi trò chơi ấy
Nhưng kẻ đã sống thật, đem đời mình thật
Ra mà chơi trong chữ
Đầu chơi, sau thật
Vờ khóc cho thiên hạ khóc
Hóa ra mình là người đau nhất
Chơi cười, để cho thiên hạ cười
Thiên hạ chả thèm cười
Mình bày trò nên cứ phải cười liên thiên, liên tiếp, liên hồi...
Không thể ngừng chơi

* phụ bản: judy holding

Dinh nghia dan toc

Định nghĩa dân tộc
thơ Chế Lan Viên

Dân tộc muốn sống giữa lửa chiến tranh và lũ lụt của người
Vỡ đê biển với vỡ đời
Dân tộc không thể biến đi mà chỉ hóa
Không để Tháp, Mộ Lăng, Mồ Mả...
Để Hề Gậy, tiếu lâm và một chuỗi cười
Dân tộc bốn nghìn năm bị cái dạ dày làm khổ
Buôn đầu chợ bán cuối chợ
Khổ trên sông và khổ bên sông
Lụt sông Mã, sông Thương, sông Cái, sông Hồng...
Bo bo hạt gạo bằng trời của mình
Tấm mẳn của mình
Vơ bèo vạt tép mà tồn tại
Do đó phải nhờ Bụt, nhờ Trời, nhờ Chúa, nhờ Nàng Tiên cứu rỗi
Khi sống ăn cơm
Chết nhờ hút cháo lá đa mà tồn tại
Dân tộc có quá nhiều kẻ thù
Nên phải làm lành
Dân tộc Thiền tông
Hết giặc rồi, đổ căm thù xuống bể xuống sông
Gieo nắm thóc trên đất đen cho nó nảy mầm
Gieo nắm thóc trên đất đen như máu đỏ bầm
Gieo cái hôn trên môi như thóc cháy nảy mầm
Ấy thế mà hay lật ngược mình ra phơi tiềm lực
Hôm nay (...) chỉ vì hôm qua có
Hôm nay lợn ỷ, gà chuồng
Mà ngày mai gà lợn âm dương
Đám cưới chuột huy hoàng
Ngũ sắc
Hóa, hóa chứ sao?
Không thể chỉ có một bề, một mặt
Hôm qua là chú bé Gióng
Hôm nay roi, ngựa sắt
Hóa xoan đào, hóa vàng anh, hóa Nàng Tiên...
Nhiều tai ương
Nên phải nhờ Thần Kim Quy, nhờ Đạm Tiên, nhờ Bụt...
Dân tộc trầm luân trong sóng Tiền Đường
Thế nhưng đánh giặc xong rồi
Thì vất đi roi sắt,
Vất cả khóm tre ngà nhổ lên đánh giặc
Hóa làm đứa trẻ thơ
Lạy mẹ
Rồi bay về trời, mắt thơ ngây đầy lệ
Bay về trời hút bóng giữa tre xanh
Dân tộc làm gián cách
Hề về những nỗi đau khiến mình xé rách
Lấy tiếng cười tạo ra nỗi đau, quãng cách
Trước khi đau Thành Hề Gậy, Hề Mồi, tiếu lâm, chú Tễu...
Cuộc đời rất đểu
Phải vui mà đương đầu
Ừ dù sao cũng không thể biến đi mà cần tồn tại
Và phải hóa thì mới đương đầu nổi
Trở thành Ta cật vọt hơn mình
Bác đã làm như vậy
Đất nước nghèo, từ người thư sinh áo vải
Hóa thân thành lãnh tụ
Xong giặc rồi, hóa tinh thần
Về lại giữa ca dao...

* photo: Nick Út

Ngay nong & ngan


ngày nóng và ngắn
thơ songphạm


Ngày nóng và ngắn
trôi đi một cách buồn bã
đêm tháng bảy
tôi mơ một giấc mơ
thấy mình dạo chơi giữa rừng
bên đám bướm hoa
một mình và đồng không
mênh mông, uốn lượn
cỏ ken rất dày
không phân biệt được đâu là đường chân trời
chỉ những ngọn đồi đầy cỏ kéo dài bất tận
dưới bầu trời rực màu ghi

Tôi cứ đi không chút do dự, không chút vội vàng
bên dưới cỏ có một dòng sông đang ngầm chảy
bước chân theo bản năng dẫn tôi theo dọc triền sông
quanh tôi
gió thổi làm uốn cong những ngọn cỏ
bầu không khí hóa lỏng
xuyên qua bởi một làn sóng trắng
và mặt trời to đùng màu vàng

Tôi thấy nơi tạo thành gốc rễ của thời gian
phóng đi những đoạn kéo dài xuyên vũ trụ
những tua cuộn rối bù
ôm chặt, trói buộc, dính kết các phần của cơ thể
não tôi chết
óc tủa vào không gian…


sàigòn nóng 2-2009
*phụ bản tại: www.judyholding.com/paint

Qua tang am nhac


Quà tặng âm nhạc
tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư

Hết hy vọng. Không mong gì lấy giấc ngủ vùi để chạy trốn cô đơn và nhàm chán trên chuyến đi dài. Không mong được chợp mắt, khi anh tài xế liên tục mở nhạc, mở cải lương, hát mòn hát mỏi mà chưa tới bến cuối, anh dò mấy cái đài phát thanh, cho nó nói ra rả chuyện trồng đậu nuôi bò, vốn không ăn nhập gì với nghề của anh, như thể chỉ để tìm cái cảm giác có tiếng-nói-của-người quanh mình. Rồi vào cái lúc những mũi khoan của âm thanh bất lực trước đôi mắt ríu lại, thiu thiu thì radio phát chương trình quà tặng âm nhạc.

Hết hy vọng. Giấc ngủ (đáng ra phải có) bị đẩy ra xa vì những cuộc gọi tới một tổng đài nào đó trong radio, yêu cầu một bài hát nào đó, gởi tặng cho mấy người nào đó, kèm theo những lời nhắn, lời chúc tốt lành. Đoạn phát thanh tương tác thường là vầy:
- Em chào chị Đài
- Vâng, xin chào bạn.
- Dạ, em là Xíu, em xin yêu cầu bài hát “Tình quay gót” do ca sỹ Đang Nằm trình bày. Dạ, bài hát này em gởi tặng thím Tư và bà ngoại của em, tặng mấy bạn Đậu, Cà, Súng, Sen ở Mị Cà Tha với lời nhắn, dù xa cách, tụi mình vẫn là bạn mãi mãi nghen. Chúc chị Đài một buổi chiều làm việc vui vẻ.
- Vâng, cảm ơn bạn, sau đây mời quý thính giả nghe bài hát…

Giấc ngủ vốn là thứ nhạy cảm, nó phì cười khi nghe lời nguyện gắn bó bằng bài hát có cái tên phũ phàng, “tình quay gót”, về cái sự đồng kính gởi hết sức lạ lùng giữa thím Tư và bà ngoại, mà không biết bà ngoại còn trẻ hay răng đã rụng hết rồi, bà ngoại biết làm gì với cái tình quay gót này. Nào chỉ có vậy, suốt chương trình, là những lời nhắn mang nhiều sắc thái khác nhau, tình cảm như “em vẫn yêu anh” với bài hát “Em đi bỏ mặc con đường” (?!); thắm thiết như “cảm ơn anh đi cùng và che chở cho mẹ con em” với bài hát “Hẩm hiu một mình”(?!); dè dặt như “không biết em còn nhớ tôi không?” với bài hát “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”(?!); hồn nhiên như “mong được làm quen với các bạn yêu nhạc gần xa, các bạn có cùng sở thích nghe nhạc buồn, yêu màu tím về số điện thoại 09xxxx”, ngay sau đó radio vang lên đoạn nhạc dạo “Mắt nai cha cha cha”(?!).

Và âm thanh khoan xoáy vào giấc ngủ là những tiếng nói xao động. Ai đó líu ríu, ai đó lúng búng, lí nhí, ai đó nói một hơi dài xong thở cái khì, ai đó nhát gừng, bối rối, ai đó hồn hậu guộng, chên, chung (Chú thích: ruộng, trên, Trung). Những giọng nói đôi lúc gần gủi, thật đến nỗi như nghe được nhịp tim người đập loạn khi nhắn lời yêu thương. Chỉ cảm thấy yêu ai đó thôi, đã run rẩy lắm rồi, đằng này bày tỏ yêu thương bằng lời, trước hàng vạn người nghe, chắc xao xuyến không thể tả. Xao xuyến không tan.

Và loang ra cả giấc ngủ của người khác. Nhắm mắt, mà thấy lướt qua những cuộc đời. Nhắm mắt, mà trong trí thấy người ta đang háo hức mở những món quà. Chúng không được bọc trong giấy kiếng bóng loáng, đính nơ hồng, không được lựa chọn từ tủ kính rực đèn, quà rẻ tiền và hồn nhiên đến nỗi một phần của thế giới sững sờ, trời ơi, thời buổi này người ta còn xí xớn tặng bài ca. Một phần của thế giới chỉ cần bỏ ra vài ngàn, là có thể mua cái đĩa nhạc (in sang lậu) toàn những bài mình thích, mang về nhà nghe sướng lổ tai. Chẳng thể gởi lời yêu cầu tặng bạn bè bài hát nào đó trên radio, bởi bạn cũng rời xa cái phương tiện giải trí cũ kỹ ấy lâu rồi, bạn đã có những thông tin, những trò vui khác, hiện đại hơn, phong phú hơn. Một phần của thế giới nghe một mình. Sướng một mình. Lâu lâu cũng gởi cho bạn bè vài file nhạc đính kèm qua email. Bạn cằn nhằn, tải về lâu lắc quá. Bài hát rốt cuộc ở lại với từng người, vang trong bốn bức tường, chia sẻ nhợt nhạt. Chúng hay, và sang trọng. Nhưng chúng có một cuộc đời buồn tẻ.

Nhưng cái bài hát làm cho giấc ngủ tan tác buổi xế chiều nay đã có một khoảnh khắc sống dù nó cực kỳ sến, bình dân, “em đi lấy chồng, về nơi xứ xa…”. Bài hát không chỉ được nghe như một bài hát, vì nó được yêu cầu bởi người thanh niên nào đó tên Phi với lời nhắn “Anh đang ở Vĩnh Thuận. Chỗ này buồn lắm. Anh nhớ em thích bài ca này. Anh… anh chúc em hạnh phúc bên chồng…”. Câu cuối cùng nghe tiếng được tiếng mất, vì anh nghẹn ngào, vì gió trên đồng phụt phù, hay tiếng bầy vịt đang rộ lên? Không biết nữa, nhưng cái cảm giác hoang vắng và hiu hắt dâng lên trong giọng nói, trong những âm thanh nền. Người con gái đó, giờ này đang bửa củi, nấu cơm chiều, hay đang dỗ con? hay cô đang ở một thành phố nào đó cạo rửa những lớp phèn trên mười móng chân mình? Cô có ở bên radio để nghe lại bài hát cũ? Họ có hẹn hò có dặn dò chờ đợi nhau trên sóng mỗi tuần không? Cô gái ấy còn thích bài hát này?

Tự dưng ai đó muốn vào vai cô gái gọi về chương trình “quà tặng…”, để nói cô đang vui vẻ, và anh chàng kia hãy quên cô đi. Sống đi. Sống mà không ngó lại ký ức nữa. Thật ra chỉ cần cất tiếng, giọng nói xa lạ đã tự nói lên một điều chua xót, tất cả đã khác rồi. Không ai còn ở chỗ cũ nữa, sao anh không chịu đi?

Điện thoại đã ở sẵn trong túi. Gọi rất dễ dàng. Nhưng để biết trò mạo danh kia là nhân danh sự yêu thương con người hay tàn nhẫn với con người, là một chuyện nghiêm túc hay trò đùa vớ vẩn, thì khó.

* minh họa: www.vnntu.com

Connie Talbot - "Britain's Got Talent" 2007

Connie Talbot

Sinh ngày 20-11-2000, tại Streetly, Metropolitan Borough, West Midlands, Anh. Connie Talbot được biết đến từ năm 2007, khi lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Britain's Got Talent" (Tìm kiếm tài năng nước Anh) trên truyền hình.

Không lâu sau, Connie được ký hợp đồng với hãng thu âm nổi tiếng Rainbow, album đầu tay "Over the Rainbow" phát hành tháng 11-2007, tái bản tháng 6-2008, cùng với album single đầu tiên "Three little birds" cũng được tung ra vào tháng 6-2008.
Mặc dù nhận khá nhiều lời chỉ trích từ các nhà phê bình, nhưng "Over the Rainbow" vẫn bán được trên 250.000 bản khắp thế giới, là album được tìm kiếm nhiều nhất tại nhiều quốc gia.
Sau "Over the Rainbow", Connie được mời trình diễn trước khán giả và trên truyền hình ở châu Âu, châu Á. Rất nhiều người còn biết đến giọng ca ngọt ngào của Connie qua trang web YouTube.
Dù bận bịu với sự nghiệp ca hát, Connie vẫn tiếp tục đi học (trường tiểu học Blackwood) và sống cùng cha mẹ tại Streetly. Mẹ cô là Sharon, công nhân nhà máy điện, và cha là Gavin - kỹ sư.
Connie còn có một em trai Josh và em gái Molbie. Hai ca khúc "Signature song" và "Over the Rainbow" được Connie hát trong đám tang của bà ngoại. Đó là những bài hát bà cô rất thích. Connie nói cô tin bà ngoại đang xem cô hát, và giúp cô tự tin.

Như nhiều tài năng nhí khác, Connie cũng gặp nhiều ảnh hưởng từ sự nổi tiếng quá sớm, cha mẹ Connie đã và đang làm mọi cách để hạn chế tối đa những phiền phức đến với cô con gái yêu.

* nguồn: wikipedia

19 thg 2, 2009

Hien tuong Declan Galbraith


Declan Galbraith

Declan John Galbraith - ca sĩ người Anh gốc Scotland & Ireland, sinh ngày 19-12-1991, tại một thị trấn nhỏ thuộc Hoo, gần Rochester, nước Anh. Declan được biết đến như một thần đồng bởi giọng hát vô cùng đặc biệt của mình.

Bố Declan - Alec - thuộc dòng dõi Scotland và mẹ là Siobhan, sinh ra trong một gia đình lớn ở Ireland. Ông của Galbraith chơi trong một ban nhạc, và thường xuyên dẫn theo Declan tới các buổi trình diễn. Luôn nghe ông chơi nhạc, điều này đã sớm hình thành sự ảnh hưởng về âm nhạc của Declan.

Sự nghiệp lừng lẫy
Tài năng của Declan được biết tới vào năm 7 tuổi, trong lần đầu tiên tham gia biểu diễn tại lễ hội thường niên của Rochester Dickens. Đó là lễ hội diễn ra trong 2 ngày, nơi mà tất cả mọi người có thể tham gia ca hát trong những trang phục vào thời nữ hoàng Victoria nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Charles Dickens cũng như những những gắn bó của ông với thị trấn quê nhà. Cậu bé Declan lúc ấy đã mặc bộ trang phục hình ống khói và cất tiếng hát khiến cả đám đông ngây ngất.
Đến năm 8 tuổi, cậu bắt đầu tham gia các cuộc thi tài năng trẻ địa phương, đạt tới 15 giải và hơn 1.000 bảng Anh chỉ trong vòng 14 tháng.
Tại sân vận động Odyssey Arena, Belfast tháng 12- 2002, Declan hát cùng với 10.000 trẻ em và được kết nối trực tiếp qua sóng radio, cũng như vệ tinh với hơn 80.000 thiếu nhi trong các trường học trên khắp nước Anh, tất cả đã cùng Declan lập nên kỷ lục hát bản hợp ca lớn nhất thế giới.
Băng nhạc dầu tiên của Galbraith là một version của bài "Walking In The Air". Bài hát do cậu thể hiện nằm trong album "Christmas Hits" đặc biệt. Trong album này, ngoài Declan, có nhiều bài hát của các ca sĩ/ban nhạc nổi tiếng tham gia (như Westlife, Elton John, Elvis Presley...).

Ở lễ kỉ niệm của nữ hoàng (Queen's Jubilee) tại thánh đường Saint Paul, Declan đã hát bài "Amazing Grace" cùng với đội hợp xướng.
Một kỉ niệm khó quên nữa của Galbraith là được hát trước hơn 22.000 khán giả trong đêm nhạc của Elton John.
Album thứ nhất của cậu có tên "Declan", phát hành ngày 22-9-2002. Hai lần xuất hiện trên truyền hình Đức, đã khiến hãng truyền thông lớn của Đức Pro7/SAT1 ghi âm cho Declan một đĩa hát mới, Starwatch và Warner Bros phát hành.

Album thứ hai "Thank You" ra mắt khán giả vào 2 -2006, và album thứ 3 "You and Me" được tung ra tháng 11-2007.
Tháng 5-2008, Declan đã lưu diễn tại Bắc Kinh, Trung Quốc
trong 2 ngày 24, 25-5.
Declan tâm sự: "Niềm mơ ước lớn nhất của tôi đơn giản chỉ là được hát những bài hát mà mọi người yêu thích".

Declan Galbraith đã trở thành một hiện tượng, một tài năng âm nhạc, đặc biệt là ở Anh và Đức.

Albums:
1. Declan (2002)
"Danny Boy"
"Carrickfergus"
"Imagine"
"I'll Be There"
"It All Begins With Love"
"Your Friend"
"Love Can Build A Bridge"
"Mama Said"
"Till The Day We Meet Again"
"Amazing Grace"
"Circles In The Sand"
"Angels"
"Tell Me Why"
"Twinkle Twinkle Little Star" (Declan's Prayer)
2. Thank you (2006)
"An Angel"
"Love Of My Life"
"Nights In White Satin"
"Tears In Heaven"
"Bright Eyes"
"House Of The Rising Sun"
"Saved By The Bell"
"David's Song (Who'll Come With Me)"
"All Out Of Love"
"How Could An Angel Break My Heart"
"Vincent (Starry, Starry Night)"
"Only One Woman"
"The Last Unicorn"
"Sailing"
"Where Did Our Love Go"
"World" (unreleased bonus track)
3. You and me (2007)
"You and Me"
"Leavin' Today"
"Ego You"
"I Think I Love You"
"I Do Love You"
"Nothing Else Matters"
"Missing You"
"Everybody Tells Me"
"Moody Blues"
"Sister Golden Hair"
"Maybe"
"Everything's Gonna Be Alright"
"Ruby Tuesday"
"I'd Love You To Want Me"
"The Living Years"
"I'm Crying For You"
"Guardian Angel" (Christmas bonus track)
Single:
Tell me why (ngày 9 tháng 12 năm 2002)
Love of my life (2006)
"Ego You" (2007)

nguồn: wikipedia

Tien tri cua Nostradamus ve TK XXI

Giải mã sấm
NOSTRADAMUS
về TK XXI

Bộ sách tiên tri bất hủ Les Prophéties (Những lời sấm) của Nostradamus được đọc hầu hết tại mọi quốc gia trên thế giới. Lẽ đương nhiên, trong giai đoạn có nhiều cuộc khủng hoảng như hiện nay, người ta càng quan tâm tới những lời sấm của nhà tiên tri người Pháp nổi tiếng sống cách nay hơn 5 thế kỷ, để biết những gì sẽ xảy ra trong vài chục năm tới.

Hiện nay, những lời giải sấm mới, mang tính “đột phá - cách mạng” của giáo sư Vlaicu Ionescu người Mỹ gốc Romania đang gây ra một “cơn sốt” tranh luận sôi nổi khắp địa cầu. Sau đây là cuộc trao đổi giữa giáo sư V. Ionescu và đặc phái viên của tuần báo Pháp Paris Match thường trú tại Washington.

Liên minh châu Âu sẽ tan rã?
* Paris Match: Thưa giáo sư, những sự kiện nổi bật nào sẽ đến với loài người trong thế kỷ này và các giai đoạn kế cận?
- Trước hết tôi cần phải lưu ý rằng những lời sấm của Nostradamus không làm mất tính lạc quan về tương lai của nhân loại. Nhưng nhìn chung, những lời tiên tri cho những năm tháng sắp tới không được tốt đẹp cho lắm. Nếu như các lời giải của tôi là đúng, thì có thể nêu các sự kiện đầy dấu ấn trong tương lai gần mà Nostradamus đã tiên đoán: Sự sụp đổ của hệ thống Nghị viện Pháp kéo theo sự phục hồi nền quân chủ; sự tan rã của Liên minh Âu châu (EU); cuộc cách mạng đẫm máu ở Ý chống lại giáo hội; cơn sốt mới trong việc chạy đua vũ trang; Liên minh Pháp-Ý-Tây Ban Nha được thành lập; sự suy sụp của Mỹ do khủng hoảng kinh tế trầm trọng dẫn tới sự suy vong toàn bộ nước siêu cường hàng đầu này; sẽ xuất hiện một nhà độc tài mới trong thế giới Hồi giáo.
Nhưng thời kỳ “nặng nề” nhất sẽ tới trong khoảng 10-20 năm nữa, khi Liên minh Hồi giáo-châu Á hùng mạnh hình thành và “tràn ngập” Âu châu. Rất tiếc là tôi không thể đề cập tới một sự “chinh phục hòa bình” hay là cái gì khác.
* Những lời giải sấm của giáo sư thường khác những nhà Nostradamus học khác. Ví dụ, sự sắp xuất hiện một “giáo chủ vĩ đại”. Chúng ta nên hiểu như thế nào về lời tiên tri “Cuộc càn quét từ trên trời”, mà rõ ràng là Nostradamus muốn gây sự chú ý của hậu thế bằng cách chỉ rõ “mốc” thời gian cụ thể - một điều rất hiếm trong sự nghiệp của ông?
- Trước đây, tôi cũng như nhiều nhà giải sấm nổi tiếng khác cho đó là sự xuất hiện của một Thành Cát Tư Hãn hay một Adolf Hitler mới. Nay, tôi đã tìm ra ẩn số: Nostradamus báo trước cho chúng ta biết sẽ có một ông “vua” tương lai của Pháp quốc - vị “giáo chủ vĩ đại” được sinh hạ vào giờ “mặt trời lặn”. Vị vua mới thuộc nòi giống triều đình, hiển nhiên là từ dòng họ Bourbon.
* Giáo sư có đề cập tới một sự “tràn ngập lãnh thổ” của người châu Á vào châu Âu?
- Vấn đề can thiệp của người Trung Hoa - tôi chưa thể đoan chắc. Nhưng trong rất nhiều lời sấm mà Nostradamus từng đề cập tới, ông lưu ý các sắc dân đánh chiếm châu Âu sẽ đến từ trung tâm châu Á hoặc Trung Quốc. Một cuộc chiến lớn bất ngờ được khởi xướng, họ sẽ đi qua ngả quanh vùng biển Caspienne và phần phía Bắc biển Đen. Cuộc “thập tự chinh” mới này chỉ được chặn lại do vị “vua vĩ đại” nói trên cùng hai thế lực phương Bắc hùng mạnh khác.

Israel sẽ bị "làm cỏ"
* Thế còn cuộc xâm lăng thứ hai?
- Những lời tiên tri nói về hai nhà lãnh đạo châu Á khác nhau. Một người sẽ đến từ Trung Á, còn người kia từ Iran hay từ một quốc gia Hồi giáo nào đó. Hai kẻ “bài Công giáo” - như nguyên văn lời của Nostradamus - của phương Đông sẽ liên kết với nhau để chinh phục phương Tây. Nhà lãnh đạo phía Đông của liên minh này sẽ thua trận. Nhà nước Do Thái Israel sẽ bị “làm cỏ” và thành phố Jerusalem sẽ bị hủy diệt.
Riêng ngôi mộ của Chúa Jesus sẽ tồn tại đơn độc dưới ánh sao đêm. Nostradamus đã thấy trước sự hủy diệt hoàn toàn của Jerusalem sau một cuộc chiến đáng sợ - hiển nhiên là chiến tranh hạch tâm. Tóm lại, những kiểu “tràn ngập” nêu trên đều đi kèm với sức hủy diệt ghê gớm...
Nhưng bất chấp điều đó, Nostradamus đã khẳng định rằng mọi việc sẽ bị chặn đứng! Thậm chí ông còn nói rõ hơn rằng bên chiến thắng là một liên bang - do một đại đế cầm đầu - liên kết hai thế lực phương Bắc vĩ đại.
* Có phải liên minh Nga - Mỹ không?
- Một thực tế không thể phủ nhận! Liên minh mới này có nghĩa phải là hai quốc gia siêu cường, chí ít là về góc độ quân sự. Người Mỹ cũng sẽ can thiệp vào cuộc chiến này để ủng hộ các lực lượng vũ trang châu Âu - giống như trong hai đại chiến vừa qua.
* Nhưng mọi lời sấm vẫn đầy bí hiểm. Chưa có ai ngoài giáo sư thành công trong việc “giải mã” những câu sấm của Nostradamus...
- Không! Thực ra Nostradamus đã chỉ ra mọi chuyện hoàn toàn rõ ràng! Với tôi, điều kỳ diệu nhất và chính xác nhất mà tôi đã tìm được: Đó là ngày A. Hitler xâm lăng nước Bỉ - đoạn đầu của “ô vuông” giữa các lời sấm IX-83 và X-67 (lời 83 của chương IX và lời 67 của chương X). Bản đồ thiên văn của ngày này cực hiếm, vị trí các vì sao tương ứng chỉ lặp lại cứ mỗi vài triệu năm và rơi vào ngày 10-5-1940. Một sự trùng khớp đến khó tin! Sự uyên bác về chiêm tinh, cũng như sự chính xác trong thiên văn của Nostradamus cho phép biết trước là sự nghiệp chính trị của ông Gorbachov sẽ chấm dứt, khi biểu đồ mộc tinh được thay bằng ký hiệu con sư tử. Đỉnh điểm này kết thúc hôm 11-9-1991 - như Nostradamus đã chỉ rõ. Tôi chỉ còn việc phỏng đoán chi tiết mà thôi. Cũng như việc tôi đã đoán trước những 40 năm sự tan rã của nhà nước Liên Xô vậy.
* Giáo sư có thể cho biết thêm vài trường hợp tiêu biểu mà ngài đã giải mã được - trùng hợp giữa lời phán và mốc thời gian cụ thể - mà không một nhà Nostradamus học nào “mò” ra được?
- Dẫn chứng thì vô kể. Ví dụ lần đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai của R. Nixon; việc Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam... Trong thời gian có cuộc chiến Việt Nam, tôi đã giải mã được lời sấm của Nostradamus về sự tái đắc cử của Nixon, cũng như về một vụ bê bối lớn sẽ cắt ngang sự nghiệp chính trị của ông ta - vụ Watergate...
Nhân đây tôi cũng cần phải nói rõ: Khi diễn giải những lời sấm của Nostradamus, tôi luôn áp dụng “phương pháp đúng”. Với mỗi lời phán về tương lai, tôi kiểm tra qua ngày tháng cụ thể tương ứng. Điều này cho phép tôi tránh được lối “diễn dịch” liều lĩnh - như nhiều người tiền nhiệm từng mắc phải. Những điều mà tôi thông báo luôn trùng với các sự kiện chính xác sẽ xảy đến và đã được kiểm chứng.

Nostradamus
Nostradamus sinh tại Saint-Rémy-de-Provence, miền nam nước Pháp, là con một nhà buôn lúa mì, kiêm công chứng viên giàu có. Ông thuộc một dòng tộc Do Thái đã cải sang đạo Thiên Chúa.
Ngay từ khi còn nhỏ, Nostradamus đã bộc lộ năng khiếu toán học, thiên văn và chiêm tinh. Năm 15 tuổi, Nostradamus vào đại học Avignon học để lấy bằng tú tài, nhưng hơn một năm sau đó ông bỏ dở dưới tác động của trận đại dịch đen (bệnh dịch hạch).
Năm 1529 sau vài năm hành nghề lang y (apothecary) ông theo học bằng tiến sĩ y khoa tại Đại học Montpelier, nhưng bị phát hiện từng hành nghề lang y nên bị nhà trường trục xuất (theo luật đại học thời đó, bào chế thuốc "thủ công" là một ngành nghề bị cấm). Notradamus lại tiếp tục hành nghề bào chế thuốc. Năm 1531 ông đến Agen theo lời mời của Jules-César Scaliger, một nhân vật tên tuổi thời Phục Hưng. Tại đây ông đã gặp gỡ và kết hôn với Henriette d'Encausse (tên tuổi bà này còn trong vòng tranh cãi).
Năm 1537, vợ và hai người con ông đều qua đời vì cái chết đen. Ông đi ngao du nhiều nơi, từ Pháp đến Italy để khuây lãng. Năm 1547 ông chuyển đến Salon-de-Province, một thị trấn nằm sát biên giới Ý, định cư và tục huyền với Anne Ponsarde Gemelle, một góa phụ giàu có, sau này sinh cho ông đến sáu người con, ba trai và ba gái. Ngoài công việc hằng ngày là buôn mỹ phẩm, ông ngày càng dành nhiều thời gian nghiên cứu về khoa học huyền bí và xa rời hẵn y học. Ông ra mắt quyển niên giám đầu tiên năm 1550 và gặt hái thành công ngay. Điều này đưa ông đến quyết định mỗi năm sẽ ra mắt một cuốn. Theo người ta biết, có ít nhất là 11 quyển niên giám chứa đựng cả thảy khoảng 6338 điều tiên tri. Tiếp sau đó ông bắt tay vào biên soạn 1000 bài đoản thi (công trình đã tạo nên sự nổi tiếng lẫy lừng của ông đến hôm nay).
Để tránh bị lôi thôi với giáo hội (công giáo), ông đã phải sử dụng nhiều biện pháp che đậy như ví von, ẩn ngữ, chơi chữ, pha trộn thêm ngôn ngữ khác như tiếng Hy Lạp, La-tinh, tiếng Ý. Do vướng những vấn đề kỹ thuật mà 58 bài đoản thi sau cùng trong quyển Thế Kỷ Sấm (Century) thứ 7 đã không bao giờ được ra mắt công chúng.
Những bài đoản thi trong quyển Những Lời Sấm (Les Prophesied) của ông nhận được phản ứng trái ngược nhau. Một số người gọi ông là bộ hạ của Satan, kẻ bịp bợm, tên dở điên dở khùng; nhưng giới quý tộc thượng lưu lại tấm tắc ca ngợi khả năng "thần linh ứng cảm" thể hiện trong những điều ông viết. Họ lũ lượt từ mọi miền đến nhà ông, nhờ ông lấy lá số tử vi và cho họ những lời khuyên.
Hoàng hậu Catherine de Médicis, vợ vua Henri II, chính là một trong những người sùng mộ Notradamus. Sau khi đọc quyển Niên Giám cho năm 1555 của Notradamus trong có ám chỉ một tai họa sẽ giáng xuống cho gia đình hoàng tộc, bà liền triệu ông về Paris để giảng giải tường tận, đồng thời lập lá số tử vi cho các hoàng tử, công chúa. Năm 1560, vua Charles IX phong cho Nostradamus chức "ngự y".


* photo: The Portrait of Michel de Nostredame (Nostradamus), a French Renaissance Medicine & Astrologer, painted by his son César de Nostredame (1553-1630?)

18 thg 2, 2009

Mo mo nhan anh


mờ mờ nhân ảnh
tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư

Đáng lẽ tên nhân vật này là Nguyễn (lúc này Nguyễn là tên thịnh hành, chẳng phải các vị lãnh đạo cao cấp của mình hầu hết đều là Nguyễn đó sao, chẳng phải quá chừng đông nhà văn, nhà thơ trên đất nước này đều là Nguyễn đó sao!), nhưng nghĩ lại, gọi là Harry Potter là hợp lý.
Lý do: chẳng ai gắn bó với kính như chàng phù thủy dễ thương nổi tiếng này. Câu chuyện như sau: bữa nọ, vì yêu thầm nhỏ bạn xinh đẹp, Harry quyết định bỏ kính qua một bên, cho… có vẻ đẹp trai, phớt đời, sương gió. Chàng ta mặc cảm với cặp kính mọt sách của mình. Chàng ta dùng bùa chú nhốt cái kính vào chiếc hộp có 2 tỉ ổ khóa với 2 tỉ chìa khóa được trộn lẫn vào nhau.
Từ giã một cuộc đời rực rỡ, Harry bắt đầu sống với đôi mắt xuống cấp trầm trọng, mờ mịt, tầm nhìn xa chưa đầy… một mét. Hồi nào giờ Harry chưa nhìn đời lung linh như vậy. Bây giờ thì tha hồ mơ mộng. Những phố, những nhà bỗng chênh chao như trong khói nắng. Qua sông, thấy sông chìm lãng đãng dưới sương. Rác xao xác trên đường cũng chẳng khác gì lá vàng đang hát khúc ca về cội. Đời ít màu sắc, không chói gắt, mọi hình khối trở về với sự đơn giản nhất, ít chi tiết nhất. Quá hay.
Chàng phù thủy suốt ngày chỉ lo học hành, đánh đấm đã biết thẫn thờ, mộng mị. Mắt lúc nào cũng dịu dàng, mơ màng. Coi đá bóng, ti vi cách chừng hai mét nhưng chỉ thấy áo trắng, áo đỏ chạy tới chạy lui. Vài người bỗng đẹp lên một cách ngỡ ngàng vì được lược bỏ một số chi tiết thừa, chẳng hạn như mặc áo chim cò, quần thì rách lai, tóc tai bờm xờm...
Bỏ kính, tai Harry tự dưng cực quá chừng. Nó phải lắng nghe, cảm thụ, phân tích những xấu đẹp của đời. Không ám ảnh bởi vẻ đẹp của người ca sĩ, của sân khấu lộng lẫy, tim Harry chẳng thèm run rẩy trước một tà áo xẻ cao, chỉ còn nao nao vì thanh âm thuần khiết của những bài hát quá chừng hay. Harry bồi hồi phát hiện ra mình có khả năng nhận biết tiếng từng bước chân trên những bậc thang, phân biệt được những tiếng cười ở phía xa xa, có cái cười nhiều thanh âm vỡ, lạc đi, có tiếng cười lạt nhách, có tiếng cười hể hả, phơ phởn, xủng xoảng và có tiếng cười buồn như cái ho khan... Tiếng cười mở ra những phận người.
Mắt mờ, Harry sống chậm hơn. Cậu thường mở cửa sổ, nghe gió run rẩy trong vòm cây bên dưới, những viền lá chạm vào nhau khẽ khàng, rụt rè, tê dại như lần đầu tiên người ta chạm môi nhau. Cách một bờ rào, xóm hẻm đã không còn ở đó nữa, hiện thực hơi lùi lại... Những mái nhà lem nhem khói, chắp vá bằng những tấm tôn, tấm nhựa rối nùi bỗng chỉ là bức tranh màu nước, hơi xa, chỉ tiếng chửi thề, tiếng trẻ con rượt đuổi nhau, tiếng rao, xoong chảo khua, tiếng khạc nhổ... là xao động. Giống như có người bịt mắt Harry, cậu nghe hơi thở phập phồng nóng bừng sau gáy, ngửi được mùi dầu gió trên tay, cảm nhận được khuôn mặt đó, nhưng cậu không thấy, hay thấy bằng cách khác, bằng tinh tế, bằng nhạy cảm, bằng nỗi nhớ, bằng tâm hồn của chân tóc và đầu những ngón tay.
Bằng cả những giác quan còn lại. Cái mũi xấu xí cũng thôi mặc cảm. Nhờ nó, và mùi bắp nấu, Harry biết bên hẻm, người đang sấp ngửa với cuộc mưu sinh. Bên ấy, khói đang lên, những ngọn khói ban đầu thì mảnh, khẽ khàng, dùng dằng, sau cuộn lên day diết. Lên cao, gió khuấy loãng khói chỉ còn là những cái gợn xanh xao. Cậu ta nhìn thấy khói, bằng ký ức những ngày rỗng không, viết không xong, đọc sách không xong, chán người và cậu đã ra đây nhìn khói. Trong khói có mùi bắp nấu ngọt lành.
Cái kính dày như đít chai vẫn nằm im trong hộp. Từ khi rời nó, Harry hiền lành kỳ lạ, dịu dàng kỳ lạ, trên môi cậu luôn sẵn một nụ cười. Cứ thấy lờ mờ bóng người lại nhoẻn cười, vì lẫn lộn những người quen và không quen, không cười thì sợ phụ nhau. Nên một bữa tụi phù thủy hắc ám đi ngang qua chàng phù thủy nhỏ, bỗng hết hồn khi thấy cậu ta cười cực kỳ thân thiện, dễ thương. Cả câu bùa chú tàn khốc nhất cũng không làm cho kẻ ác rối bời như một nụ cười thương yêu, nồng hậu.
Cả Harry cũng ngỡ ngàng nhận ra, không nhìn đời khắc nghiệt bằng mắt nữa, bỗng dưng dịu lại những vết thương lòng.
nguồn tranh: toantin.org

Chuon chuon dap nuoc


chuồn chuồn
đạp nước
truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

Nhỏ con tham gia một gameshow, cha là người trợ giúp. Câu hỏi như sau, người ta hay nói chuồn chuồn đạp nước, vậy câu ấy mô tả trạng thái nào của chuồn chuồn?

a. đẻ trứng
b. tìm kiếm bạn tình
c. đói
d. sắp chết
Ba mươi giây bắt đầu. Cha nói, b là trúng phóc. Nhỏ con hỏi vặn vẹo, chắc hôn nghen. Cha hơi tự ái, chắc chắn trăm phần trăm. Cha biết đoạn trò chuyện này sẽ được phát trên truyền hình toàn quốc, nếu không dằn mặt nó thêm vài câu nữa. Nhỏ con trên trường quay ngần ngừ, nó nhờ thêm một quyền trợ giúp, lần này họ lọc lại chỉ còn hai phương án, nhỏ con hú vía, b và d bị xóa trắng. Nhỏ con chọn a, nó lý luận với ông dẫn chương trình, chắc lúc đói chuồn chuồn không còn sức để đi đạp nước đâu. Nhờ kiểu suy luận cùn đó mà những câu hỏi sau nữa nó tự tin để vượt qua, cầm tấm sec mười lăm triệu mừng quýnh vẫy tay chào khán giả.

Đó là một ngày tháng chín gió giành ngọn dữ dội. Nam chưa đi mà chướng đã tới thổi cheo heo. Hai cha con rời trường quay, ở bãi đậu xe, nhỏ con nói, phải con nghe lời cha là tiêu tùng rồi. Cha ậm ừ chống chế, lúc đó quýnh quá mà. Trên đường về nhà gặp lúc triều cường, cha phải chạy vòng qua ngã khác để tránh con đường bị ngập nước, nhưng ở vòng xuyến cha lại quẹo phải, nên lạc đi xa. Nhỏ con muốn mau về nhà để mừng tưng bừng với mẹ nên kêu lên, cha đi đường này chi cho xa vậy? Cha thắng nhủi đầu xe, dục dặc, lâu nay chạy lộn đường hoài, bộ không biết sao mà còn hỏi tới hỏi lui?

Nhỏ con chưng hửng không hiểu vì sao cha quạu bất tử. Nhưng nó đang ngây ngất với món tiền thưởng nên không để bụng buồn lâu. Cha nghe nhỏ con im re đằng sau, cũng cụt hứng, lặng lẽ chạy miết. Hồi lâu nghe nhỏ con lại khều khều bên hông, cha mới hay mình đã chạy qua khỏi nhà. Tẻn tò quay lại, nhìn hai mẹ con họ nhảy cà tưng dưới cánh cổng chấp chới những bông huỳnh anh, cha hoàn hồn, nếu chẳng may chiếc xe bị ngập bugi tắt máy giữa chừng, không biết mình có xô ngang bỏ lại bên đường sau khi đá vô chiếc xe mấy cái.

Bữa cơm tối đó cha ăn một cách gượng gạo. Gắp cho nhỏ con cái đùi gà hấp rau răm, mẹ nói mẹ phải đi mấy cái chợ mới mua được gà thả vườn, cha mới nhận ra trên mâm có thịt gà. Một cơn khó chịu nào đó đầy ứ trong cổ họng cha, vợ không gắp cái đùi gà còn lại cho mình, chuyện này chắc có liên quan tới vụ chuồn chuồn đạp nước mà nhỏ con kể lúc chiều. Khi đó mẹ đã cười ngặt nghẽo, vậy mà ba mầy toàn viết văn dạy đời thiên hạ. Cha chép miệng, con người là con… người, cũng có lúc lẫn lộn, em cũng mang dép lộn hoài đó.

Nhưng cha biết mang dép lộn không thể xếp chung với chuyện chuồn chuồn đạp nước. Cha nghi ngờ đáp án của chương trình, ngay trong khoảnh khắc ở trường quay và khi nằm trên ghế bố trong phòng, cha thấy hình ảnh con chuồn chuồn đang vào độ tuổi yêu, khao khát bạn tình, cô đơn soi bóng mình trên sóng nước là quá chừng có lý. Cha vùng dậy, chui xuống gầm sàn lục tìm cuốn sách Thế giới loài vật mà tháng trước dọn dẹp cơ quan cha quẳng về nhà. Cuốn sách mất tăm. Chỉ có một đống rác, cha cằn nhằn, nhà có hai người phụ nữ mà dơ như vầy, thiệt hết chịu nỗi.

Cha mặc quần áo xách xe đi, mẹ cầm cây chổi nhìn theo cái lưng dài thượt của cha tự hỏi tại sao chỉ vài tấm giấy báo mà mặt mày cha nghiêm trọng vậy. Chạy mông mênh, cha vẫn không biết mình đang đi đâu. Rút điện thoại gọi cho ông bạn, rủ ra quán văn nghệ, câu đầu tiên khi bạn kéo ghế ngồi là:
- Chuồn chuồn đạp nước là nó đẻ hả mậy?
Ông bạn gật đầu cái rụp, không mảy may suy nghĩ như đó là chuyện đương nhiên mặt trời mọc ở đằng Đông.
- Ừ, bộ mầy chưa biết hả?
Cha muốn bỏ về. Ông bạn này làm thơ, dân làm thơ ngu ngơ trên trời với mây gió, vậy mà ông biết chuyện sinh đẻ của chuồn chuồn. Còn cha thì không. Cái ý nghĩ đó làm cha buồn nẫu nê, bia ngon bao đời nay bỗng dưng đắng đót. Ông bạn nghe kể lại chuyện ở trường quay, ông cố làm ra vẻ mặt nghiêm túc để nén cười, để nói một câu nghiêm túc:
- Thôi bỏ qua mầy ơi, đâu phải cái gì người ta cũng biết hết.
- Ừ, nhưng không biết vụ này thì mất mặt quá, mậy.
Ông bạn nhà thơ cười ha ha:
- Quan trọng là người ta trong mắt mình như thế nào. Tao thấy mầy cứ mệt mỏi vì chuyện mình như thế nào trong mắt người ta.
Nhưng đây không phải là người ta, đây là vợ và con mình, cha nghĩ vậy nhưng không còn sức để cãi. Cha về nhà và ngủ một giấc với hy vọng, khi thức dậy cha quên cơn ác mộng mang tên con chuồn chuồn này, thức dậy với một bình minh khác.

Và đó thực sự là một bình minh khác. Lúc cha bước ra khỏi phòng với cái đầu nhức bưng thì con gái cũng dắt xe đạp tới trường, con gái mặc cái áo dây mới mua bằng tiền thưởng, cha ứa gan với cái khoảng vai trần nhỏ nhắn của đứa con gái mười chín tuổi. Cha định cằn nhằn thì những con chuồn chuồn bỗng chao liệng, khiến cha nghẹn ứ. Cha hình dung nhỏ con sẽ trả lời như vầy, áo kiểu này bây giờ là mốt đó, con thấy cha không biết gì hết, chuồn chuồn đạp nước còn không biết thì biết gì. Hoặc vả con nhỏ sẽ không nói, nhưng ánh mắt nó nói trong lúc quay lại thay áo khác. Cha sợ điều đó, cha đứng trong phòng tắm và ngậm bàn chải rất lâu, đờ đẫn đến nỗi nuốt hết mớ bọt kem đánh răng trong miệng. Mẹ nói vói vào, Duyên Anh tính mua dàn vi tính mới cho anh, chớ máy cũ chập chờn có ngày bản thảo mất hết. Cha ỉu xìu, thôi, xài máy đó quen rồi, máy lạ mất hứng viết. Mẹ gạn hỏi, giọng gì nghe như chết rồi vậy, anh có bị sao không?

Không, cha không bị sao hết, không có vết xước nào dù tối qua trong trạng thái mụ mị trở về nhà. Bữa nhậu thằng bạn trả tiền. Cha không mất gì nhưng thấy mất gì đó. Cha tới cơ quan và bỗng cảm thấy hụt chân như những bậc thang biến đâu rồi. Anh tài xế bước vượt lên, cười hỏi, bữa qua nhậu dữ lắm sao mà sáng nay thấy anh lờ đờ vậy? Cha lượng sượng ờ ờ. Một tháng sau, khi cái gameshow có nhỏ con thi được phát sóng trên truyền hình, anh lái xe sẽ kín đáo cười với cô thủ quỹ ế chồng khi thoáng bóng cha qua cửa, thấy tướng vậy mà cũng dở òm. Hàng trăm triệu dân trên đất nước này sẽ biết người viết ra những trang văn đầy góc cạnh nóng bỏng, thấu đáo mọi sự được mất, triết lý xâu xa, là một người mất căn bản trầm trọng về… chuồn chuồn.

Buổi chiều lại, cha không vào cơ quan, cha chạy xe về quê. Cha ngồi trong khoảng vườn đượm nắng chiều, nơi cha vẫn thường về khi mệt mỏi hay căng thẳng, tuyệt vọng, nhìn chuồn chuồn đậu trên đám chà trong ao, cào cào búng trên những bụi cỏ ống, mấy con ong ve vãn bông đậu bắp. Bây giờ thì cha nhìn đăm đắm nấm mộ của bà nội, cha rầu rĩ, phải má không chết sớm thì chắc mình đã biết vụ chuồn chuồn đạp nước rồi. Thành ngữ được lưu truyền trên môi những bà già quê mà.

Cha ở với đám chuồn chuồn cào cào ong mật suốt cả cơn nắng tắt, nghĩ mông lung, tụi chuồn chuồn đã chơi với mình suốt một tuổi thơ sao không đẻ cho mình thấy, hay là mình đã từng thấy nhưng cuộc sống thành thị khiến mình quên đi, tại sao không quên chuyện gì khác mà quên chuyện chuồn chuồn đạp nước? Có quá nhiều chuyện nhân tình thế thái mà cha không quên, có nhiều thằng cha xỏ lá cà khịa đâm sau lưng cha, đáng lẽ nên quên đi cười trọn nụ, để đời nhẹ nhỏm mà cha không quên, thì sao lại quên vụ này? Cha thẩn thờ trở vô nhà đúng lúc chú Út cà xình cà xang từ đằng xóm về, chú say. Cha đã viết cả một tiểu thuyết dài về đứa em này, một điển hình của sự thoái hóa của nông thôn. Những sòng nhậu đông đúc buổi sớm mai, những người nông dân bị mất cảm giác về đất, những bạo hành trong cơn say. Cuốn sách đó cha có đem về nhưng chú không đọc, mà nếu đọc thì chú cũng chẳng hiểu cha đang viết cái gì.

Cuộc đời cha là một sự cao quý xa vời đối với chú Út. Nên thấy mặt cha, chú lấm lét, cố vịn vách để đứng cho vững, để chứng tỏ mình chỉ uống chút xíu thôi. Bình thường, cha luôn ở trước mặt em mình với tư thế đĩnh đạc, miệng thì gầm gừ, mầy hư kiểu này ba má dưới chín suối làm sao yên được. Bình thường thì thím đứng tựa bếp nhìn cái cảnh anh em rầy rà, thím thấy thỏa thuê, sung sướng. Thím hay bồng con ra chợ xã gọi điện thoại méc cha vụ này vụ nọ, thím nói bây giờ thì chú chỉ nghe mỗi mình cha thôi.

Nhưng cha hoàn toàn câm lặng, chiều nay. Cha nín thinh ngó chú đang trùng trình bên vách, rồi lủi thủi dẫn xe qua cây cầu tre cọt kẹt. Thím nguýt chồng, “đọ, sáng mắt chưa, nhậu nhẹt tới mức anh Hai giận bỏ về rồi kìa”. Cha ngoái lại, tự hỏi, sau khi biết vụ chuồn chuồn đạp nước, không biết cô em dâu của mình có còn gọi điện nữa không?

Cha đã đi qua ba bảy hai mốt bình minh, luôn thức dậy với nỗi tuyệt vọng mình còn nhớ. Ông bạn nhà thơ thấy cha gầy sọp, la lên, “trời đất, không chừng vợ con mầy đã đi khỏi cái trường quay đó rồi, sao mầy còn ở lại hoài chi cho khổ vậy?”

Cha nói, công việc khiến tôi là cái thứ dễ bị thương tổn. Cha cũng muốn đi khỏi cái giây phút nghiệt ngã đó. Cha muốn quên nó đi, chuyện nhỏ như con thỏ mà. Cha nói thầm, ừ, quên thì quên, mình có phải thần thánh đâu mà chuyện gì cũng biết. Sai lầm chỉ một chút từ a tới b thôi. Cha về nhà, huýt sáo bài hát yêu thích để cho mình phấn chấn trở lại, ngồi viết một truyện ngắn mang tên “Quan trường”, “để trả lời câu hỏi của con, đấy có phải vũng bùn không mà ai cũng lấm lem khi bước vào”. Cha đọc lại câu dẫn nhập và nghĩ, mình thôi không viết về nông thôn nữa. Thấp thoáng những cánh chuồn chao trên mặt ao bèo. Sợ phải nhớ chuyện mình đã cố quên, cha bỏ ngang, lấy cái phim chân dung Đài tỉnh làm về mình ra coi lại. Nhưng tới cái cảnh cha đang đọc bản thảo còn mẹ với nhỏ con thì ngồi gần đó, lắng nghe mê say, ánh mắt của hai người họ đắm chìm trong ngưỡng mộ, cha bỗng hoang mang. Bầy chuồn chuồn chấp chới trong lòng.

Cha nhớ có lần mình đốt con cúi lấy tổ ong vò vẽ trên cây khế, nhỏ con đã nhìn
cha như một anh hùng.
Cha nhớ có lần dầm mưa sửa lại cái máng xối, mẹ đã nịnh nọt, “nhà văn mà làm được mấy chuyện này không phải dễ kiếm à nghen”.
Cha nhớ hàng trăm chuyện vụn vặt như vậy. Nhưng bây giờ, cha có hái mặt
trăng xuống thì cũng không chắc hai người phụ nữ đó có nhìn mình được như xưa, sau sự cố chuồn chuồn.

Cha bắt đầu vùi đầu vào sách. Cha đọc nhiều tới mức lên mâm cơm là nói vanh vách những hiện tượng thiên nhiên, lịch sử những kỳ quan thế giới, kết cấu của tầng địa chất, sự diệt vong của khủng long ăn thịt và voi mammoth, nguy cơ của loài chim cánh cụt khi Bắc Cực tan băng. Đặc biệt là chuồn chuồn và những gì có liên quan tới chuồn chuồn, thí dụ như “chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng bay vừa thì râm” (đám bạn của cha lúc nhậu sương sương ba mớ thì nhại vầy “chuồn chuồn bay thấp thì cao. Bay cao thi thấp bay vừa thì thôi”). Cái đó thông dụng không tính, nhưng một bữa nhỏ con không có nhà, mẹ về hỏi Duyên Anh đâu, cha nhấm nhẳn, “lúc này chắc có người yêu hay sao, như tổ con chuồn chuồn”. Mẹ chưng hửng:
- Là sao? Hỏng hiểu?
Cha cười mủm mỉm, ủa, hỏng biết thiệt hả, nghĩa là bí ẩn đó, có đời nào người ta biết hay người ta thấy cái tổ con chuồn chuồn làm sao đâu. Mẹ hứ một tiếng, trong mắt không hiện ra nể trọng gì, chỉ ánh lên mấy chữ, ông chồng ngớ ngẩn, ăn nói không giống ai.

Cha thấy tuyệt vọng với mớ kiến thức của mình. Buồn quá, lại gọi ông bạn nhà thơ ra quán quen. Đang nghe bạn đọc bài thơ mới làm, cha bỗng sực nhớ, giờ này, trên kênh Khám phá đang có chương trình sự sinh sản của gấu trúc. Mình không thể bỏ lỡ, biết đâu nhỏ con lại cần mình trong một câu hỏi cắc cớ của chương trình cắc cớ nào đó, và trong lúc con bối rối, mình sẽ giúp nó đem về mười lăm, hai chục triệu gọn hơ.
Cha bỏ bài thơ giữa chừng. Về nhà đúng lúc ti vi chiếu lại giây phút huy hoàng của nhỏ con khi nhận tấm sec. Cha tháo một chiếc giày rồi khập khựng nửa muốn vào nửa không. Nhỏ con càu nhàu, nói không thèm lên truyền hình nữa, nó không ăn ảnh lắm, mặt lại nhiều mụn, dòm không đẹp như ngoài đời.

Cha ra ngồi dưới giàn huỳnh anh, run rẩy châm thuốc hút, tàn đóm rụng xuống chiếc giày còn lại.
Trời tối mịt, mà chuồn chuồn vẫn bay rợp lòng. Hay vì chuồn chuồn nhiều quá nên khiến trời tối mịt? Cha cũng không biết nữa.

ảnh: dailypainters.com