18 thg 2, 2009

Nguoi nha que


Người nhà quê
Bút ký của Nguyễn Ngọc Tư


Họ là ai? Là những người đi vệ sinh không nhấn nút xả nước dội cầu, mang dép vào nhà mặc cho nền gạch bóng lộn. Vì “mù” luật giao thông, họ lừng khừng qua đường trước mũi xe ta (ngay cả lúc ta quyết định dừng lại nhường họ qua thì họ lấm lét rụt lại không thèm đi tiếp nữa).


Họ hà tiện, thích ăn những món rẻ tiền bên đường, kém vệ sinh. Mặt mũi họ luôn đen đúa lem luốc, răng đầy bợn. Họ ăn mặc đơn điệu, luộm thuộm, có chưng diện cũng thô thiển, quê mùa, từ đôi bông tai vàng choé cho tới kiểu tóc uốn dợn. Họ viết chữ cực xấu (vì đôi khi trình độ chỉ tới lớp ba nhưng khoái nói chuyện chính trị văn hoa), họ cả tin vào chuyện thần thánh vẩn vơ, những tin đồn buồn cười, vô căn cứ...
Họ gây cho ta một sự khó chịu cả khi bày tỏ tình cảm, khi cố nài ép ta phải nhận món quà là buồng chuối chín, hay dăm ba trái dừa khô (ở chợ, ta cần chi những thứ này, khi mà món ngon vật lạ bày đầy ra trước mắt), đôi lúc họ còn dúi vào tay ta một con vịt ốm nhách, hôi hám, lấm láp phèn.
Hình ảnh họ là một vệt lấm lem trên cái nền thị thành rực rỡ, như sẵn tay ngoáy mũi rồi bôi bừa lên những bông hoa lịch lãm và sang trọng. Và mỗi khi có cảm giác khó chịu với người nhà quê, mỗi khi lườm nguýt, cười cợt họ, mỗi khi chen vào con đường lúc nhúc xe cộ, buộc miệng mắng nhiếc họ "Bộ muốn chết sao mà chàng ràng đây?", tôi đều tha thứ cho mình.
Nhưng mười một giờ trưa ngày thứ hai rồi, trên đường về nhà, người đi cạnh tôi tạt câu nói đó vào một người quê (thật dễ nhận ra với áo bà ba nâu khoác ngoài cái áo túi đã phai màu, tay xách giỏ đệm) lủi thủi đi trong khói nắng, tôi bỗng nghe nhói ran. Bỗng thấy giận cái người đã buông lời đau như ném đá.
Bỗng thấy tôi đã thay đổi, đến giật mình.
Đến ngơ ngác, không biết người nhà quê trong mắt tôi đã khác tự hồi nào, sao tôi lại ngoay ngoắt thương yêu họ đến thế kia. Họ có khác gì đâu, vẫn nghèo, lam lũ, cục mịch và bỗ bã. Những mùa mưa, tôi thấy họ ngồi khóc bên đống lúa ướt đã lên mầm trắng xóa. Tôi thấy những phụ nữ dầm mình dưới kinh, bẻ rau muống ra chợ bán, món tiền cho một thúng rau chỉ bằng tô phở sáng của tôi. Con nít đi kéo tép rong bị ong nghệ đánh sưng mắt. Tôi thấy những bữa cơm nghèo, người già, trẻ nhỏ cũng chỉ rau luộc chấm nước chao, hay mấy con cá lòng tong kho tiêu, mặn và khô quắt. Tôi thấy những vách nhà gió xé tơi tả, trống lỗ trống hang mà họ không tiền sửa, bộ vạc nằm ngủ cũng chỉ cây ván vụn ghép tạm. Những mùa nắng, tôi thấy họ gánh nước tưới rau hay đào đất sên vuông giữa trưa nóng rẫy. Cả đống lúa nhễ nhại mồ hôi, thành quả lao động ngót ba bốn tháng ròng chỉ đáng giá một tiệc nhậu của người thành thị. Nên họ đi qua mùa nông nhàn, mùa giáp hạt bằng cách bắt chuột đồng, hay đào củ năn để bán.
Những món quà họ dành cho tôi cũng chẳng sang trọng lên chút nào. Vẫn chuối, dừa, ổi, mãng cầu chín trong vườn nhà, họ dúi vào túi xách khi tôi xuống bến. Có ông cụ còn tặng tôi một mặt thớt mù u, tôi đem về quẳng vào một góc. Sau này, nghe tin ông mất, vì bệnh uốn ván (mà người ta hay gọi là "phong đòn gánh"), nghe rằng, ông đạp phải một cây phảng sét. Tôi lấy đinh đóng vào tường treo mặt thớt ấy lên, không biết đau ở đâu mà suýt rơi nước mắt.
Những người nhà quê, họ là ai ? Những chuyến công tác ở vùng đất xa ngái của quê nhà đã giúp tôi vẽ lại họ một chân dung khác. Họ nhọc nhằn cả đời để rồi cả đời nghèo khó, thiệt thòi.
Tôi ngả lòng về phía họ khi nhận ra điều đó ?
Hay vì một bữa, đứng ở Sài Gòn, tôi đắng đót nhận ra mình cũng là người nhà quê, mình chưa và không bao giờ từ bỏ được sự thật đó. Ngay lúc ấy, tôi bỗng nghe thèm được ai đó cầm tay dắt qua đường, mà không, một cái nhìn ấm áp thôi, cũng được...

Ảnh: blog.timnhanh.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét