28 thg 2, 2009

Am thanh & cuong no (The Sound & The Fury) - W.Faulkner

ÂM THANH & CUỒNG NỘ
của WILLIAM FAULKNER
Từ Vũ

The Sound and the Fury - Âm thanh và cuồng nộ - được NXB Jonathan Cape & Smith - New York cho ra mắt độc giả lần đầu tiên vào ngày 7-10-1929 với 1.789 ấn bản. Tác phẩm khởi đầu chỉ thành công một cách tương đối, nhưng lại là một tác phẩm ngoại hạng với lối hành văn chưa từng có, một công-trình bất-hủ về văn-chương, để về sau được rất nhiều người ngưỡng mộ...

Thật vậy, Âm thanh và cuồng nộ không giống bất kỳ một quyển sách nào, không những chỉ vì cốt truyện hoặc chủ đề được đề cập một cách đột ngột, mà còn vì nó làm cho độc giả phải sửng sốt.
Tóm lược truyện Âm thanh và cuồng nộ là điều có thể tạm được, nhưng sẽ vi phạm một "trọng tội" không thể tha thứ bởi truyện rất phức tạp, chằng chịt không ngừng với những hồi tưởng chập chờn, rộng trải với quá khứ, hiện tại, tương lai quấn quyện, đầy dẫy cạm bẫy khó thể tránh nổi mà các kiểu tóm lược không tài nào diễn tả đầy đủ được.
Đã vậy, Faulkner còn đặt trùng tên cho những nhân vật khác nhau trong truyện: Quentin (tên của người bác và tên của cô cháu), Maury (Maury Bascomb và Maury Compson, sau được đổi là Benjamin hay Benjy) như cố tình làm lạc đường người đọc. Faulkner đã cố ý để cho Âm thanh và cuồng nộ thể hiện sự hỗn loạn của tâm thần, sự khắc khoải của linh hồn.
Xin hãy đọc những lời tâm sự của chính tác giả về The Sound and the Fury: "Truyện không có tựa đề, cho tới một ngày, từ sâu thẳm tiềm thức tôi chợt phát hiện những chữ mà có thể nhiều người biết: THE SOUND AND THE FURY. Tôi chấp nhận những chữ đó ngay không cần suy nghĩ, và như thế, cùng lúc, những câu tôi trích-dẫn từ Shakespear cũng được ứng dụng một cách tốt đẹp nếu không muốn nói là hoàn mỹ vào câu truyện đen tối, đầy điên dại và cũng đầy hận thù này".
Quả như Faulkner đã nói, người ta có thể đọc rất rõ ràng trong vở kịch Macbeth, scene V, màn V , định nghĩa về hai chữ Cuộc đời: "It is a tale told by an idiot, full of SOUND and FURY, signifying nothing" - "Đó là câu chuyện kể bởi một tên khờ ngốc, đầy Âm thanh và Cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì".
Lúc đầu, tôi chỉ có ý định viết một truyện ngắn. Tôi hình dung nó sẽ rất lý thú nếu tưởng tượng được những ý nghĩ trong đầu của một đám trẻ nhỏ vào ngày an táng bà nội chúng. Ngày đó người lớn trong nhà đã che giấu chúng, sự tò mò của chúng có thể khám phá ra được điều bí mật trước những náo động trong gia đình, và những dự đoán xảy ra trong đầu đám trẻ...
Để cho kết cấu truyện thêm phần sinh động, tôi đã tìm cách tạo dựng ra nhân vật - một đứa bé bất bình thường, một nhân vật có thể giải quyết được những rắc rối mà không cần sử dụng đến khối óc bình thường, nói một cách khác, bộ óc nhân vật đó phải bất bình thường, thậm chí ngu xuẩn.
Bởi thế nhân vật Benjy xuất hiện. Tiếp đó, cũng giống như những nhà văn khác, tôi đã mê say một trong những diễn viên mà tôi tạo ra: Caddy. Tôi "yêu" nhân vật nữ này tới độ không thể để cô ta chỉ sống trong một truyện ngắn, cô ta xứng đáng hơn thế nữa…
Quyển tiểu thuyết hoàn tất, chính tôi cũng không thể nói rằng hoàn tất, nhưng gần như nó đã hoàn tất.
Quyển tiểu thuyết chấn động trong âm thanh và cuồng nộ, và hình như hoàn toàn thiếu thốn ý nghĩa mà người ta thường quan niệm, rằng một kẻ cầm bút mỗi khi viết phải có một thông điệp, hoặc để phục vụ cho một nguyên cớ cao thượng nào đó. W. Faulkner tự mãn nguyện khi mở tung được cánh cửa địa ngục; Faulkner không ép buộc ai phải đi chung với ông; nhưng những ai đặt tin tưởng vào ông, nhất định sẽ không bao giờ phải hối tiếc.
Được ấu tạo bằng 4 độc thoại nội tâm liên tiếp thuật lại thảm-trạng suy sụp, tan vỡ của gia-đình Compson - đã từng một thời quyền quý trong vùng Missississipi. Thành phần của truyện gồm: Ông Jason Compson, bà Caroline vợ ông ta, bốn người con: Quentin - con trưởng, cô con gái thứ hai Candace (Caddy) và hai người con trai theo thứ tự: Jason, Maury, sau này đổi lại là Benjamin (Benjy) chậm phát triển, một đứa bé 3 năm trong thân thể một người 30 tuổi, một người không đủ khả năng thiết lập được những nối kết giữa điều gì nhìn thấy, nghe được và những cảm nhận được. Không một sản địa tại miền Nam Hoa Kỳ nào lại không có những người nô lệ da đen; Gia-đình thảm thương Compson có Rosbus, Dilsey vợ anh ta và những đứa con, Versh, T.P và Frony, Frony cũng có một đứa con được đặt tên là Luster. Dưới mắt những người đầy tớ da đen này, cả cái thế giới nhỏ của gia đình người chủ da trắng đó quay cuồng, tranh cãi, sâu xé, hành hạ nhau… trong hai chữ thường được người ta gọi là "định mệnh" .
Tấn thảm kịch lần lượt được thuật lại bởi ba người con trai Benjy (phần I), Quentin - anh sinh viên đại học Harvard trước khi tự sát (phần II), Jason - kẻ biển lận, tham lam, ích kỷ (phần III) và phần cuối cùng do Dilsey - người vú da đen kể lại.
Phần I khởi đầu vào ngày 7-4-1928 do Benjy kể đúng vào dịp sinh nhật 30 tuổi của cậu ta. Benjy không suy nghĩ mà chỉ cảm nhận bằng giác quan, những sự việc thoáng hiện trong đầu, bám víu vào hình ảnh của cô chị ruột, Caddy, của âm thanh, tiếng nói, mùi vị: "Chị Caddy có mùi như mùi cây “smelled like trees” khi Caddy còn trinh trắng, sau đó "Caddy no longer smells like trees" - "Chị Caddy không còn thơm như mùi cây nữa" khi đã lén lút trao thân cho tình nhân - Dalton Ames - rồi sinh ra đứa con gái được đặt trùng tên với bác ruột - Quentin.
Cũng chính bởi thế, phần thứ I của truyện thật khó so sánh với bất kỳ một tác phẩm văn chương nào. Benjy, một tâm thần giản dị, ngây ngô, bị cuốn quay trong thảm trạng dữ dội của gia đình. Những ý tưởng, kỷ niệm, tình cảm bất chấp thứ tự của Benjy biến chuyển theo từng dòng chữ và luôn luôn không một chút dấu hiệu chuyển tiếp nào. Khi những cảm giác vừa làm Benjy nhớ lại một cảnh tượng của một thời nào đó, thì cũng là lúc người đọc đã và đang ở nơi khác. Hiện tại, quá khứ trộn lẫn vào nhau trong những hình ảnh bất chợt loé lên trong tâm linh của Benjy. Ngay chỉ trong một câu, người đọc có thể bị dẫn từ năm 1928 trở ngược lại năm 1910…, người đọc theo dõi diễn tiến câu chuyện bằng những bước nhẩy vọt về phía trước, hoặc bị lôi ngược lại đằng sau.
Tình trạng như thế được trình bày với những kết hợp thật ngạc nhiên, và cũng thật khó hiểu trong lần đầu tiên đọc. Âm thanh và cuồng nộ khởi đầu trong một sự hỗn độn kỳ lạ như vậy.
Phần thứ II người đọc được kéo trở lại năm 1910 - ngày 2 tháng 6, những biến cố xảy ra trong ngày cuối cùng cuộc đời của Quentin tại đại học Harvard, anh ta lang thang, thất thểu, quay quắt trong tâm trí những chất chứa từ lâu. Ở đây, người đọc tìm gặp những suy tư của một tâm thần suy nhược, đau đớn, dằn vật với chính mình, những hình ảnh chợt hiện lên, tan biến, báo hiệu trước giờ hẹn với tử thần.
Đa số là những hồi tưởng ghi nhận trong thời mới lớn của Quentin, đặc biệt về bản năng sinh dục (sexuality) buổi đầu của Caddy, em gái anh ta, tình yêu sâu đậm của Quentin với cô em gái; đó là Caddy vào một buổi tối trong quá khứ, là mùi thơm của hoa kim ngân trở về không ngớt, nhói đau trong suốt câu chuyện tự thuật của Quentin, là lầm lỗi, ăn năn, hình phạt và chiếc đồng hồ mà cha đã tặng anh - biểu tượng cho sự sống và thời gian, khi đồng hồ vỡ cũng là lúc cuộc sống và thời gian cuả chính anh ta ngừng lại. Tiến dần theo chu kỳ chiếc vòng xoắn quái lạ này, câu chuyện xuất hiện mỗi lúc một rõ rệt hơn. Faulkner tự cho phép ông kể chuyện bắng những ‘’tán rộng xa đề tài’’ càng lúc càng lý thú, đặc biệt càng thật ngao ngán và buồn bã trong phần nói về người con gái tuyệt vọng.
Phần thứ III, ngày 6, tháng 4 năm 1928, được diễn ra trong tư tưởng của Jason, em của Quentin, anh của Benjy và là em của Caddy (cô em gái mà định mệnh là chìa khóa của cả quyển tiểu thuyết), một kẻ ghen tỵ, hung tợn, xảo quyệt, bần tiện, bủn xỉn. Quentin đã tự-tử, Caddy không còn sống chung với gia đình nữa mà phải đem đứa con gái về cho gia đình nuôi nấng, nhưng lại bị cấm không được lui tới thăm nom, kể từ đó trở đi, Jason gánh vác gia đình. Jason nuôi trong lòng thù hận vô biên với Quentin, đứa cháu gái, con của Caddy. Thái độ của Jason thật vô nhân đạo.
Jason lường gạt tất cả mọi người ngay cả với mẹ ruột, duy nhất chỉ Dilsey là dám đương đầu với hắn. Cũng như những chương khác của truyện, hành động chỉ giới hạn một ngày, nhưng biết bao sự kiện đã diễn ra trong những tâm linh rối bời, tơi tả, để Faulkner cho người đọc ngập ngụa chi tiết và cảm giác.
Lời thuật chuyện dần dần trở thành "bình thường", tuy nhiên đôi khi vẫn có một vài sai biệt làm người đọc vẫn có ấn tượng bị cuốn hút theo tình trạng tâm thần của những diễn viên chính trong truyện.Trước khi ủy thác phần thứ tư của Âm Thanh và cuồng nộ cho một người thuật chuyện "khách quan", Faulkner đã đặt cạnh nhau 3 độc thoại hoàn toàn độc lập của 3 người anh em gia đình Compson. Phương pháp kể chuyện của ông khiến người đọc bị dính líu trực tiếp với chuyện kể, và gần như tự đặt mình vào nhân vật của truyện.
Những người đọc quen thuộc với kỹ thuật luôn được Faulkner sử dụng có thể nghi ngờ và dự liệu ngay rằng tác giả sẽ xáo trộn thứ tự thời gian. Quả đúng thế. Phần đầu xảy ra ngày 7 tháng 4 năm 1928; Phần II, mười tám năm về trước, ngày 2 tháng 6 năm 1910; Phần III, ngày 6 tháng 4 năm 1928; Cuối cùng, hai ngày sau đó, 8 tháng 4. Về những biến cố, hiện tại hoặc quá khứ đến với chúng ta qua những độc thoại nội tâm, phần cuối cùng chỉ là sự tưởng tượng trực tiếp, sau đó xuất hiện những miêu tả về vật chất của các nhân vật Caroline Compson, Jason, Dilsey, Benjy. Và chúng ta được từ từ khám phá suốt trong những độc thoại của 3 phần trước đó. Ở phần thứ tư, Faulkner chấp nhận sử dụng phương cách hành văn cổ điển của một người thuật chuyện bàng quan, và cũng chỉ tại đây đã xảy ra gắn kết lại những đoạn mô tả đầu tiên về nơi chốn, nhân vật, tình hình mà người đọc đã biết từ những trang đầu của truyện.
Âm thanh và cuồng nộ của 3 chương mục trước đây dịu nhẹ, trước khi lại bật nổi lên vào những giây phút cuối cùng của truyện bởi một kết cục giả tạo làm người đọc sửng sốt. Văn cách của Faulkner quả như một trận bão lốc, trong đó người đọc bị cuốn theo từng ý tưởng, tình cảm và ngay cả từng cảm giác của nhân vật.
Kết thúc truyện, người đọc tìm lại được sự êm dịu nào đó, với nghị lực mạnh mẽ của Dilsey, cột trụ cứng cỏi duy nhất, nhân từ nhất và không hề bị lay động trong sóng bão: Hai sự kiện chính yếu được thuật lại ở phần này một cách minh bạch, đó là Jason đuổi bắt Quentin (con gái Caddy) cô cháu gái bỏ nhà trốn đi sau khi ăn cắp 3.000 dollars mà người cậu cất giấu và sự tham dự của Dilsey trong buổi lễ phục sinh tại nhà thờ và những lời giao giảng về sự hiển linh của đấng cứu thế trong ngày phán xét cuối cùng, như câu Dilsey đã nói sau buổi lễ: "I've seed de first en de last ... I seed de beginnin, en now I sees de endin". Trong tâm tưởng người đọc, hình ảnh trong sáng, thanh bình của một Benjy: "Benjy's broken flower drooped over Ben's fist and his eyes were empty and blue and serene again as cornice and façade flowed smoothly once more from left to right, post and tree, window and doorway and signboard each in its ordered place" .
Âm thanh và cuồng nộ như thể được kết cấu theo thứ tự chủ yếu của âm nhạc, và cũng như những nhà viết nhạc, Faulkner sử dụng hệ thống của những đề mục; không phải bằng sự trốn lánh tạm thời với một đề mục duy nhất rồi từ đề mục này câu chuyện sẽ được bành trướng lên và được biến đổi, nhưng là những đề mục phức tạp khởi đầu, nảy nở, tái xuất hiện để sau đó lại biến mất đến một lúc nào mà tất cả đều nổ bùng với tất cả những phong phú dồi dào của nó.
Người đọc cũng liên tưởng đến kết cấu của những người theo trường phái ấn tượng, bí hiểm và vô thứ tự củalần đầu tiên nào đó trong buổi thử trình diễn, những với những bố cục mạnh mẽ dưới tầm mắt mù mờ che bề ngoài.
The Sound and the Fury là một tiểu thuyêt của "không trung", nó gợi ý hơn những gì muốn nói, một loại của ‘’Nuit sur le Mont Chauve’’ - đêm trên đỉnh núi trọc - qua đó, một làn hơi lộng thổi rất quái dị, quay cuồng những linh hồn đang bị đọa đầy, một bài thơ bi thiết, một giai điệu tàn khốc của thù hận mà mỗi chuyển động âm nhạc thể hiện một đặc điểm rất rõ rệt.
Làm thế nào để sao chép lại được tư tưởng?
Làm thế nào để viết ra được những tình cảm?
Theo ngày tháng lịch sử nhân loại, mỗi người cầm bút đã thử giải đáp những câu hỏi này. Có người chọn lưạ con đường triết lý như một Spinoza, theo đuổi thật chu đáo phương pháp chứng minh hình học; Người khác chọn lưạ con đường thi ca như một Baudelaire, để dâng tặng vẻ yêu kiều, duyên dáng cho những đề tài nhơ nhớp nhất; Những người khác nữa lại tự nguyện đi vào tình tiết lắt léo của tiểu thuyết, truyện thuật lại để tự bảo rằng "sự dàn cảnh" của tinh thần là phương cách tìm lại được sự trung thực hiện hữu. Nhưng tất cả đều tương phản với điều khó nói ra được. Trong tất cả những mưu toan văn chương "toàn diện" kể trên, không còn thể ngờ vực được thì mưu toan của Faulkner là một trong những thành tựu độc đáo và quyến rũ nhất.
Với The Sound and the Fury, cuối cùng, Tư Tưởng được sao chép lại. Tình Cảm được thể hiện trên trang giấy. Cuối cùng, Cuộc đời sống động hơn chính cả Cuộc đời.

W.Faulkner. Photo by W.C. Odiorne
After he wrote his first novel, Soldiers' Pay, Faulkner traveled to Europe in the manner of many other young writers of the day. While in France, he adopted the look and air of a Bohemian poet by growing a beard and absorbing the art and culture of Paris' Left Bank. One of his favorite places was in the Luxembourg Gardens, where he was photographed by William C. Odiorne. He wrote a long description of the Gardens, which he would later revise and incorporate into his novel Sanctuary.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét