28 thg 1, 2009

Basho & Con đường hẹp thiên lý (2)


BASHO &
Con đường hẹp thiên lý

II.
Tôi yêu xiết bao hàng cây mang màu xanh mùa hạ, dầu đã từng nghe "cơn gió thu đang nổi" của thi sĩ Noin, dầu đã từng ngắm "đám lá thích đỏ thắm" của Minamoto-Yorimasa. Một thảm trắng tuyết hoa cùng suối hồng leo hoang dại khiến tôi chỉ nghĩ về các thi sĩ từng qua đây trong mùa tuyết đổ.

Cây liễu của Saigyo ở Ashino
Cây liễu rủ của thi sĩ Saigyo mọc nơi "dòng nước tinh khiết như pha lê hằng chảy" ở một làng vùng Ashino. Chúng tôi đến thăm, nó vẫn sống trên bờ đê giữa những cánh đồng lúa.
Lãnh chúa ở Ashino luôn giục tôi đến thăm nó và tôi băn khoăn không biết vì sao. Giờ đây tôi đã tới, đứng ngay dưới bóng nó.
Cả một đồng lúa
Đã cấy
Trước lúc rời cây liễu này!


Biên giới ở Shirakawa
Mãi đến lúc tới biên giới Shirakawa chúng tôi mới thực sự cảm thấy con đường đi của mình. Lúc ấy tôi mới thấm thía câu của Taira-No-Kanemori, nhà thơ phiêu lãng ngày xưa, người đã xúc động và truyền lại một thông điệp: "Bằng cách nào cũng nên đi thủ phủ".
Bộ ba Biên giới vĩ đại, một kì quan mà từng chi tiết thường mê hoặc các thi sĩ. Tôi yêu xiết bao hàng cây mang màu xanh mùa hạ, dầu đã từng nghe "cơn gió thu đang nổi" của thi sĩ Noin, dầu đã từng ngắm "đám lá thích đỏ thắm" của Minamoto-Yorimasa. Một thảm trắng tuyết hoa cùng suối hồng leo hoang dại khiến tôi chỉ nghĩ về các thi sĩ từng qua đây trong mùa tuyết đổ.
Kiyosuke viết về một vị anh hùng thời cổ, khi qua đây Ngài đã sửa lại mũ giáp ngay ngắn, khoác bộ nhung phục mới tinh.
Sora viết:
Qua cổng Biên giới
Tuyết hoa rực rỡ
Vì ta vận y phục mới
(*)
(*) Y phục mới của Sora là áo cà sa nhà Phật.

Sukagawa
Qua khỏi biên giới, chúng tôi vượt sông Abukuma. Phía bên trái vươn lên ngọn núi Bandai cao ngất vùng Aidu, bên phải là các hạt Iwaki, Soma, Miharu. Một dãy đồi chia các hạt này khỏi Hitachi và Shimotsuke. Chúng tôi đi qua một nơi có tên gọi Kagenuma hay "đầm gương", chỉ tiếc bữa đó trời đầy mây nên không được thưởng ngoạn những tia sáng phản chiếu.
Sukagawa, một thị trấn bưu trạm. Chúng tôi gõ cửa nhà thi sĩ Tokyu. Tiên sinh nài tôi ở lại chơi độ bốn năm bữa. Câu đầu tiên tiên sinh vấn tôi là: "Biên giới ở Shirakawa đã lưu lại ấn tượng thơ ca nào nơi tiên sinh?".
Tôi đáp: Sau bao nỗi mệt mỏi đường dài, thể xác, tinh thần toi thật yếu đuối, linh hồn bị cảnh đẹp mê hoặc và trái tim bị đóng đinh với xúc cảm về các thi sĩ tiền bối nên tôi làm thơ rất ít.
Vì thơ chỉ đủ
Nghe dân xứ Bắc
Miệng hát, tay cấy lúa
Tôi viết có thế, rồi khó khăn lắm mới qua được Biên giới mà không viết thêm dòng nào.
Mở đầu, chúng tôi dùng thể thơ ba đoạn, luân phiên nhau mỗi người một, rồi ghép thành bài.
Không xa thị trấn, một nhà tu hành sống trong bóng cây dẻ cổ thụ, tách biệt thế giới. Cảnh lặng im, cô tịch ở nơi ẩn dật của Ngài khiến tôi nhớ lại thơ của Saigyo.
Ở sâu giữa dãy đồi
Mặc tôi nhấp nước
Tự suối nguồn
Núi thanh bạch
Thu gom hạt dẻ ngựa
Rơi rụng đó đây
Tôi lấy mảnh giấy ghi vội mấy dòng: "Ý chữ Cây dẻ chỉ cõi Tây thiên, mọi người đều quan niệm Cây dẻ có liên quan đến xứ Tây thiên cực lạc của Đức Phật. Thánh Gyoki trong suốt kiếp sống của Ngài luôn dùng gốc cây dẻ làm gậy và cột cho mái lều".
Con mắt thế gian
Thấy tán lá
Không xem hoa khiêm nhường lẫn trong

Đầm lầy Asaka
Cách nhà Tokyu mười hai dặm có một thị trấn gọi là Hiwada. Cũng không xa hơn thế và ngay cạnh đường là dãy đồi Asaka. Vùng này thật lầy lội. Cũng gần đến ngày đi lượm cây Irit ngọt ngào, nên chúng tôi có hỏi vài người dân xem cây nào là Katsumi, nhưng hình như không ai biết. (Khi thi sĩ Fujiwara-No-Sanekata bị lưu đày đến đây, ông đã dùng Katsumi trong lễ hội cây Irit). Chúng tôi tìm quanh đầm lầy, dò hỏi mọi người. Và trong lúc vừa bước qua bước lại, mồm lẩm bẩm "Katsumi? Katsumi?", vầng dương bỏ đi khuất sau đồi.
Sang phải là Rừng thông sinh đôi, chúng tôi dừng lại một lát ngắm cái hang ở Kurozuka, rồi thẳng tới Fukushima, nơi nghỉ qua đêm.

Tảng đá vạch đường vằn ở Shinobu
Hôm sau chúng tôi qua làng Shinobu xem một tảng đá. Ngược với vẻ xù xì nguyên thuỷ, bề mặt nó như tấm vải dệt với bao đường trang trí mẫu mực thật tự nhiên do việc chà xát bằng những chiếc lá hình răng cưa có ở Shinobu, hay lá dương xỉ hình chân thỏ rừng qua nhiều nhiều năm. Ở ngôi làng nhỏ cạnh chân quả đồi phía xa, chúng tôi thấy nó nửa nổi nửa chìm trong lòng đất. Vài chú mục đồng xán lại giải thích, tảng đá này trước vốn trên đỉnh đồi. Thế rồi du khách tới đây thưởng ngoạn thử nhổ lúa mạch chà lên đá. Việc này khiến nông phu tức giận, họ đánh bật nó lên, lăn xuống vực. Chúng còn nói thêm, tảng đá ấy giờ nằm úp mặt xuống. Câu chuyện này hoàn toàn có thể là thực.
Những đôi tay trẻ trung cấy lúa!
Tôi thấy vẻ duyên dáng
Những đôi tay ngày xưa chà đá!

Lâu đài Maruyama dòng họ Sato
Qua bến đò Tsuki-No-Wa (quầng trăng), chúng tôi tới thị trấn có bưu trạm tên Se-No-Ue (trên ghềnh thác). Chúng tôi nghe nói dấu tích lâu đài dòng họ Sato gần khu đồi, cách ba dặm rười về bên trái, qua đồng hoang Saba gần làng Iizuka. Và theo hướng đó, vừa đi vừa dò hỏi chúng tôi tới Maruyama (hay đồi tròn). Chính trên đỉnh đồi này, lâu đài "Các chiến binh danh tiếng" đã một lần đứng sừng sững. Được chỉ đường tới chân đồi, nơi cảnh tượng những khóm đá làm trụ cho Cổng lớn khiến bọn tôi xúc động sâu xa.
Gần đó, trên nền đất ngôi đền cổ là hàng hàng lớp lớp bia mộ dòng họ Sato. Xiết bao xúc cảm tôi dâng cho những nấm mồ hai cô dâu trẻ họ nhà Sato. Hai nàng goá bụa vì chiến tranh. Họ tự nguyện khoác hai bộ giáp phục nặng nề của chồng, bởi mẹ chồng họ luôn khao khát ngóng tin con trai mình cưỡi ngựa chiến thắng trở về. Hành động cao cả nơi những con người cao quí này thực chẳng bao giờ mờ phai, tôi chìm đắm suy tư và lấy tay áo lau dòng lệ đẫm. Chẳng việc gì phải đến tận xứ Trung Hoa xa xôi ngắm "nấm mồ than khóc", vì ở đây, ngay trước tấm bia này, có ai, có ai kìm được nước mắt?
Chúng tôi vào đền uống một chút trà. Giữa những báu vật bày trong đền nổi lên thanh gươm của Yushitsune và chiếc giỏ đựng hành lý đi phiêu lãng đan bằng liễu gai của Benkei, một người bạn của Yushitsune, từng mang trên lưng.
Kiêu hãnh thay
Kiếm, giỏ, cá chép giấy
Kìa Ngày hội các bé trai
(*)
(*) Lễ hội cổ truyền Nhật Bản, ngày này các em bé trai thường tặng cá chép bằng giấy. Tôi soạn vần thơ này ngày 1/5 Âm lịch (18/6) - ngày hội ấy sắp tới.

Lizuka
Đêm đó chúng tôi nghỉ lại Lizuka. Nơi đây có những dòng suối nóng. Sau khi trầm mình trong nước, chúng tôi tìm được một chỗ để nghỉ. Một manh chiếu rơm trải trên nền đất, nơi ấy thật nghèo khổ và khốn cùng. Thậm chí chẳng có lấy một cây đèn, vì thế chúng tôi chọn một chỗ có chút ánh sáng hắt ra từ bếp lò và nằm xuống.
Đêm ấy sấm động và mưa nặng hạt, và ngay chỗ chúng tôi nằm mái bị thủng. Quờ quạng với bọ chét và bầy muỗi thực không sao chợp mắt nổi. Thêm nữa, vết đau ngày xưa lại hành hạ. Thực lòng tôi nghĩ mình sắp thở hơi cuối cùng.
Đêm mùa hạ rồi cũng qua, trời hửng sáng, một lần nữa chúng tôi lại đi tiếp cuộc hành trình. Nhưng nỗi thống khổ đêm qua còn vương vất và tôi ngã lòng. Chúng tôi thuê ngựa đi xa mãi tận thị trấn Kori.
Vì phải đi một chặng đường xa xôi đến thế, lòng tôi tràn đầy nỗi lo âu cùng ý nghĩ mình có thể ngã bệnh. Nhưng dầu cho tôi có thể chết trên đường, chết trong cuộc hành trình đến những vùng đất xa xôi, cách biệt cả với những lối mòn, tôi đã cam chịu từ trong căn nguyên đến sự phù du của kiếp người. Và nếu tôi ngã xuống bên lề đường, chết trong một rãnh nước như kẻ hành khất thì đấy cũng chỉ là số phận tôi nó như thế. Suy tưởng đến đây, dần dà tôi lấy lại được tinh thần, và lại có thể bước đi trên mặt đất đầy quả quyết, dứt khoát. Chúng tôi đã qua được cánh cửa lớn của tuổi tác một cách hoàn toàn thong dong.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét