LUẬT THUẾ
& QUỐC HỘI CHUYÊN NGHIỆP
& QUỐC HỘI CHUYÊN NGHIỆP
Có hiệu lực từ hôm qua, 1-1-2009, nhưng đến nay, vẫn chưa ai biết chắc, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được thực hiện thế nào. Thời gian là một mốc kiểm định khắc nghiệt, nó để lại sau lưng những bộ máy bất cập. Hình ảnh người dân xếp hàng từ 4 giờ sáng để đăng ký mã thuế cho thấy, ý thức tuân theo pháp luật trong xã hội đã từng bước tăng tiến. Chính sự lúng túng của nhà nước trước thời hiệu thi hành một số luật đã làm lỗi nhịp, không chỉ với ý thức của dân chúng, mà còn với nhiều cơ hội giúp quốc gia phát triển.
Mười tháng sau khi Luật Thuế Thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua, ngày 8-9-2008, Chính phủ mới có Nghị định và, 30-9-2008, Bộ Tài chánh mới có thông tư hướng dẫn. Thế nhưng, những văn bản “dưới luật” ấy không những đã chưa chi tiết hóa nhiều quy định mới ở dạng “khung”, mà còn làm nổ ra cuộc tranh luận về đối tượng được khấu trừ gia cảnh. Đối tượng được khấu trừ gia cảnh không phải là một chi tiết kỹ thuật mà là một phần quan trọng của chính sách, là một nội dung mang tính quy phạm. Nó phải được tranh luận trong quá trình làm luật ở Quốc hội và Theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nó phải được quy định rất cụ thể để khi Luật có hiệu lực thì thi hành được ngay. Những văn bản như nghị định (hướng dẫn thi hành luật) và thông tư chỉ có quyền quy định chi tiết quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những vấn đề chưa ổn định (ví dụ: giá để tính thuế…). Khi người dân hay cơ quan hành pháp không rõ một điều nào đấy trong luật thì phải trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải thích, thay vì đưa ra tranh luận. Nếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên giải thích luật và thường xuyên giám sát để bãi bỏ những quy định vượt quá thẩm quyền trong các văn bản ấy. Thì, sẽ tránh được những giải thích tùy tiện, đôi khi khiến cho những quy định trong các thông tư, nghị định không còn là ý chí xuất phát của các nhà làm luật. Luật Thuế thu nhập cá nhân dành hơn 13 tháng cho công tác chuẩn bị, nhưng, cho tới nay, hàng chục triệu người trong diện chịu thuế vẫn chưa làm xong thủ tục đăng ký mã thuế cá nhân. Đây mới chính là một quy trình kỹ thuật thuộc thẩm quyền của cơ quan hành pháp. Lẽ ra ngay từ cuối năm 2007, công tác tuyên truyền, để người dân nhận ra ai thuộc diện chịu thuế và đăng ký mã thuế, phải đựơc Tổng cục Thuế bắt đầu. Một phần ngân sách cũng phải được chuẩn bị để thiết lập các điểm đăng ký thuận lợi nhất cho người dân. Để không làm tăng biên chế dài hạn và không làm tăng việc cho các nhân viên đương nhiệm, sinh viên có thể được tuyển dụng có thời hạn và làm việc ngoài giờ cho việc đăng ký này. Đồng thời, một phần mềm để đăng ký mã thuế online cũng phải được thiết lập để giảm chi phí quản lý và tăng tiện ích, khuyến khích người dân đóng thuế. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp chiều 27-12-2008, không chấp thuận đề xuất hai phương án của Chính phủ, lùi thời điểm thi hành hoặc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, là đúng. Nhưng, lẽ ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu thấy cấp thiết, nên triệu tập Quốc hội họp bất thường thay vì “trình Bộ Chính trị trong tháng Một”. Đành rằng, theo Hiến pháp, Đảng là cơ quan lãnh đạo. Nhưng, “Đảng lãnh đạo nhà nước không có nghĩa là làm thay chức năng của các cơ quan nhà nước”. Hiến pháp quy định, chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền thay đổi thời hiệu thi hành một văn bản luật. Hai phương án xử lý, nếu là cấp thiết nhằm “ngăn chặn đà suy giảm phát triển kinh tế”, như Chính phủ đề nghị, thì cần phải được xử lý kịp thời. Việc triệu tập Quốc hội trong một phiên họp bất thường tuy cũng tốn kém, nhưng sẽ không so sánh được với những tổn thất, nếu như suy thoái kinh tế không được kịp thời ngăn chặn. Tình huống xử lý Luật Thuế được thảo luận chiều 27-12 cho thấy, Việt Nam đã ở trong một giai đoạn không thể không tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu của nhà nước pháp quyền. Các cơ quan nhà nước không thể nhân danh cứu nguy suy thoái kinh tế để hành xử vượt quá thẩm quyền pháp lý. Nhưng, nếu như vì những ràng buộc pháp lý mà phải chờ tới phiên họp Quốc hội tháng 5 tới đây mới có thể đưa ra các giải pháp, thì những tổn thất mà quốc gia phải gánh chịu cũng sẽ to lớn khôn lường. Rõ ràng, không thể đáp ứng cả hai đòi hỏi ấy nếu Quốc hội không trở thành một cơ quan hoạt động thường xuyên và chuyên nghiệp.
Huy Đức - Mỹ Lệ (blog Ôsin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét