8 thg 1, 2009

"Choi so" hoc sinh bo hoc!

"Chơi số" học sinh bỏ học!


Cuối cùng, sự sai lệch về số lượng học sinh bỏ học mà báo Tiền Phong vạch ra, đã được Bộ Giáo dục, trong buổi họp báo ngày 9-4, quy trách nhiệm cho các sở. Ngày 14-3-2008, khi báo chí bày tỏ sự lo ngại về con số 114 nghìn học sinh bỏ học, Bộ Giáo dục đã gửi công văn về các địa phương phê phán báo chí gây “bức xúc không đáng có trong xã hội, (làm) tổn thương tới ngành giáo dục và thầy cô giáo”.

Theo công văn này, thì tỷ lệ học sinh bỏ học không những không tăng “như báo chí nói” mà còn giảm mạnh: “Trước cuộc vận động ‘hai không’, bình quân 1000 em đi học thì có khoảng 60-70 em bỏ học, nhưng, sau một năm, chỉ còn 20 em và trong học kỳ I năm học 2007-2008, bình quân 1000 em đi học chỉ còn 2 em bỏ học”.
Khi chưa thể khẳng định các con số mà Bộ Giáo dục đưa ra là đúng hay sai, đã có nhiều bài báo cho rằng, trong tình hình ấy, cách tốt nhất mà Bộ nên làm là đi tìm nguyên nhân khắc phục, thay vì sử dụng các con số để “pha loãng” một thực tế rất cần được đánh động. Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS Phạm Minh Hạc nói: “Nếu có ai đó trong ngành Giáo dục cho rằng học sinh bỏ học không phải là chuyện mới, có thể coi (người đó) là vô trách nhiệm”. Một số tờ báo đã nghi ngờ tính chính xác của các con số do Bộ Giáo dục đưa ra. Báo Tiền Phong âm thầm cử phóng viên về các địa phương và kết quả điều tra của tờ báo này cho thấy, số học sinh bỏ học theo báo cáo của các sở, chênh lệch rất nhiều với báo cáo mà Bộ dùng để phê phán báo chí.
Tất cả các địa phương mà phóng viên báo Tiền Phong tới điều tra, dù miền Trung, miền Bắc hay Đồng Bằng Sông Cửu Long, số học sinh bỏ học trên thực tế đều lớn hơn rất nhiều so với con số đưa ra trong báo cáo ngày 14-3 của Bộ. Tại Khánh Hòa, công văn của Bộ Giáo dục nói chỉ có 1.034 em bỏ học, khác xa con số do sở Giáo dục Tỉnh ghi nhận: 14.000 em bỏ học cho tới hết kỳ I. Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Xuân Thân, nói: “Bộ Giáo dục chưa thẳng thắn”.
Trước sự thật ấy, trong buổi họp báo ngày 9-4-2008, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Lê Quán Tần, thừa nhận: “con số của chúng ta có vấn đề”; và, ông chủ động giải thích: Sở dĩ có độ vênh giữa các số liệu là do các sở căn cứ vào các mốc thời gian khác nhau để báo cáo. Theo ông Tần, “Các sở phải chịu trách nhiệm” về những con số đó. Tuy số liệu học sinh bỏ học ghi nhận trong báo cáo của Bộ thấp hơn nhiều so với sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, khi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, cho rằng: “Không thể là (vì) bệnh thành tích”.
Cũng cần nhắc lại, báo cáo ngày 14-3 của Bộ Giáo dục đưa ra sau khi xảy ra vụ bỏ học lên tới hàng trăm em ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và lý do được xác định là do địa phương này áp dụng khá máy móc “hai không”. Ông Nguyễn Vinh Hiển đã từng thừa nhận: “Có một lý do đáng kể xuất phát từ việc thực hiện cuộc vận động nói không với thành tích”. Nhưng, cũng chính ông Hiển, khi ký công văn ngày 14-3 lại nhấn mạnh yếu tố “trước và sau cuộc vận động hai không” bằng các số liệu mà chúng tôi vừa phân tích. Chưa kể, chính công văn này của Bộ cũng “sử dụng các dữ liệu” theo cách mà ông Lê Quán Tần phê bình các sở: số học sinh bỏ học không đầy đủ trong một học kỳ của năm học 2007-2008 đã được dùng để so sánh với con số cả năm của những năm trước đó.
Tình trạng học sinh bỏ học, như đã nói, do: điều kiện giáo viên, trường lớp; do nghèo khó; do chương trình học quá nhiều tham vọng, tạo ra nhiều áp lực … Và, như phân tích của GS Phạm Minh Hạc: Cuộc vận động “hai không” về bản chất rất tốt, nhưng cách làm chưa ổn. “Phanh” bệnh thành tích một cách quá gấp, khiến cho nhiều học sinh và cả phụ huynh phấp phỏng lo cho tương lai, học tốn kém mà không đỗ. Cho nên, chưa lúc nào như hiện nay, cả phụ huynh cũng đồng thuận cho con mình nghỉ học.
Như vậy, trừ “hai không”, học sinh bỏ học do nhiều nguyên nhân và có những nguyên nhân bắt đầu từ các nhiệm kỳ bộ trưởng khác. Việc khắc phục phải từng bước, bắt đầu bằng các chính sách thận trọng, chứ không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Muốn có các chính sách đúng thì phải biết được các nguyên nhân trên cơ sở có được đầy đủ, chính xác các dữ liệu. Có thể không phải vì “bệnh thành tích” như Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói. Cũng có thể “lỗi do các sở” như ý kiến của Vụ trưởng Lê Quán Tần. Điều đáng lo là, ngay cả một vấn đề hệ trọng như học sinh bỏ học, mà hệ thống giáo dục cũng không đưa ra được các dữ liệu đúng. Sự sai lệch giữa con số thực tế và con số do Bộ báo cáo, không chỉ ảnh hưởng tới uy tín, điều đáng lo ngại hơn là, trên một cơ sở dữ liệu thiếu chính xác như vậy, làm sao Bộ có thể đưa ra được các chính sách đúng, hữu hiệu và kịp thời.

Huy Đức (blog Ôsin)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét