19 thg 1, 2009

Những gánh hàng rong... (1)


Những gánh hàng rong
xuyên thời gian, xuyên lục địa (1)

Chỉ bằng một đoạn văn mở đầu truyện ngắn “Đồng Thanh Tương Ứng”, nhà văn Sơn Nam trình bày được tất cả năm đặc điểm của nghề bán hàng rong. Đó là một dịch vụ bán lẻ đến tận nhà người tiêu dùng, nên dân xóm Tà Lốc nếu “cần mua sắm vài vật dụng cần thiết, họ ngồi tại nhà mà chờ đợi một chú Huê kiều. Chú ta quảy gánh gióng, bán nào kim chỉ, lưỡi búa, đường thẻ, thuốc rê. Đặc biệt nhứt là loại kéo tàu, rèn tại chợ Rạch Giá.”

Dịch vụ này có từ xưa và cần thiết cho công cuộc khai hoang mở đất ở phương nam, khi thương mại và các dịch vụ xã hội khác chưa phát triển, kinh tế còn sơ khai, thu nhập của dân chúng thấp. “Xóm Tà Lốc nằm trơ vơ gần khu rừng tràm, trên khoảng đất hoang dài gần năm chục cây số ngàn, giữa chợ Rạch Giá và Hà Tiên, theo vịnh Xiêm La. Thời Pháp thuộc, dân chúng xóm ấy sống biệt lập: bắt cá, đốn củi đủ ăn ngày nào hay ngày ấy… đường giao thông dường như không có.” Bán hàng rong kiếm lời dễ, “bán hàng với giá đập đổ”, nhưng rất cơ cực: “đi bộ suốt hai mươi cây số, qua vùng đất phèn đầy muỗi mòng rắn rít”, và đầy rủi ro: “Lắm khi, chú Huê kiều bị gãy gánh giữa đường thương mãi: hàng hóa và tài sản bị tịch thâu, thân xác chú ta còn chịu thêm trận đòn nhừ tử, kêu trời thì không thấu, kêu làng lính ở tận đâu đâu.” Do vậy nghề này thường là chọn lựa của những di dân không căn cơ bản địa như “chú Huê kiều”. Cuối cùng, tính chất cơ động, vất vả của dịch vụ đòi hỏi tiếp xúc cá nhân trực tiếp này giữa di dân và người bản xứ luôn tạo ra chuyển biến văn hoá trong quá trình hội nhập: “Dân trong xóm lần hồi thương mến chú Huê kiều. Khi đi qua xóm, chú ta rao hàng nghe lơ lớ, não ruột: - Kéo tàu! Ké.... éo tàu!”

Lý Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét