& coi báo cọp!
“Văn hóa” và “ý thức công dân” là hai yếu tố đang được các nhà chuyên môn đưa ra nhằm giải thích cho vụ Lễ hội Hoa bị phá nát bởi chính những người dân Hà Nội. Nhưng, cho dù vụ cướp hoa mang dấu hiệu vi phạm văn hóa nhiều hơn thì hành vi “giật những lồng chim trên tay ban tổ chức” vặt sạch những “cây hoa trị giá hơn 20 triệu đồng” đã đủ để cấu thành một số tội danh. Chính quyền ngay lúc ấy lẽ ra đã phải có mặt kịp thời xử lý. Hủy hoại văn hóa, hủy hoại hoa và cây cảnh của các nghệ nhân, cũng nghiêm trọng và cần được phản ứng nhanh như khi “an ninh” bị thách thức ở nơi công cộng.
Không biết những người cướp hoa, không bị chụp hình và những người bị chụp hình đưa lên mạng, lên báo, đang cảm thấy thế nào. Ai đang xấu hổ, ai bị “đứt giây thần kinh xấu hổ” như cách nói của chính dân Hà Nội. Nhân sự kiện “hoa tặc”, nhiều người liên hệ tới một hiện tượng tưởng không dính dáng gì tới hoa, đó là văn hóa gọi điện thoại chùa và coi báo cọp. Chuyện nhiều người Hà Nội chỉ sử dụng điện thoại công sở để gọi ngay cả những cuộc trò chuyện hết sức riêng tư, cho dù trong túi có cả một chiếc i-phone, là điều chẳng có gì cá biệt. Đồng nghiệp bên cạnh gọi, xếp cũng gọi. Có những vị công chức, suốt cả cuộc đời mình hầu như chỉ đọc báo ở cơ quan. Rồi đến ngày nghỉ hưu lại vừa tập dưỡng sinh vừa tranh thủ đi bộ ra phường để đọc những tờ báo được treo nơi công cộng. Khuynh hướng tranh thủ khai thác tài sản công, dường như, thể hiện rất mạnh mẽ ở những nơi mà sở hữu tư đã từng bị công hữu hóa.
Những chuyện tương tự không xảy ra ở chợ hoa Nguyễn Huệ, nhưng cũng không phải nó chỉ có những yếu tố mang tính địa phương (Thủ đô). Giỏ hoa và những tài sản công khác, như tờ báo, cuộc điện thoại, được các công chức nhỏ sử dụng “vô tư”, có thể bởi nhiều người nghĩ nó chẳng đáng chi so với những thứ lớn hơn bị “ăn chia” mà không còn được coi là xấu nữa. Khi còn nhỏ, chứng kiến cha mẹ phải tiền bạc cho thầy; khi làm bệnh nhân phải tiền bạc cho bác sỹ; tiền bạc khi vi phạm luật giao thông; tiền bạc để lên chức; tiền bạc để lên báo và để lấy danh hiệu này, danh hiệu khác… Một quan chức cao cấp không còn thấy xấu hổ khi sử dụng chiếc điện thoại trị giá hàng mấy chục tháng lương. Không còn xấu hổ khi con cái “chơi” những chiếc xe hơi trị giá phải tính bằng nhiều tỷ. Không còn xấu hổ khi nói dối, khi thấy cấp dưới rút ruột các công trình... Không xấu hổ khi chỉ vì một cánh hoa mà cả phố hoa tan nát.
Suốt đêm 2-1-2009, các nghệ nhân Hà Nội đã làm lại các tiểu cảnh, cắm lại hoa… nhưng vẻ đẹp ban đầu ở phố hoa và cả trong lòng người đi qua, thì không biết đến bao giờ mới mong khôi phục. Những cụm hoa đẹp giờ đây đã được rào dậu. Nhưng, những hàng dậu ấy không che đậy hết những dấu vết tan hoang, những dấu vết không thể khắc phục sau một vài đêm thức trắng. Năm tới, không rõ Hà Nội có định làm lễ hội hoa nữa không, nhưng chắc Hà Nội cũng nhận ra, cái đẹp không thể được trang trí cho dù có cả một phố hoa rực rỡ.
Huy Đức (blog Ôsin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét