8 thg 1, 2009

Vu LeHoang & NguyenCongKhe (2)

Bình luận trên blog
về vụ thay đổi hai TBT

Việc thay đổi hai tổng biên tập của hai báo lớn, Thanh Niên và Tuổi Trẻ, là diễn biến truyền thông gây chú ý.
Ông Nguyễn Công Khế sẽ giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông Thanh Niên và Giám đốc Hãng phim.

Trong ngày đầu năm 2009, báo Tuổi Trẻ chính thức đưa tin ông Lê Hoàng sẽ thôi chức tổng biên tập, và nhiệm vụ mới của ông sẽ do Ban thường vụ Thành đoàn TP. HCM phân công.
Theo bản tin, ông Lê Hoàng "không cảm thấy điều gì khó khăn khi nhận quyết định vì cũng hiểu sự việc, nguyên nhân của nó".
Công việc cuối cùng của ông trong cương vị lãnh đạo tờ báo là tham dự lễ khánh thành nhà in Tuổi Trẻ hôm 30.12.
Ông Bùi Thanh, người mất chức Phó Tổng Biên tập Tuổi Trẻ và bị thu thẻ nhà báo hè năm nay, viết trên blog rằng tại buổi lễ, "ngọai trừ anh em Tuổi Trẻ, hầu như các vị khách mời đều không biết được rằng, đó là họat động cuối cùng của anh trên cương vị tổng biên tập".
Theo Bùi Thanh, có một sự trùng hợp: "Thật trớ trêu, 5 năm trước, anh Lê Văn Nuôi là người bấm nút khởi công trụ sở báo Tuổi Trẻ mới ở số 60A Hòang Văn Thụ. Sau ngày bấm nút đó, anh Nuôi buộc phải rời khỏi phòng tổng biên tập, rời khỏi Tuổi Trẻ."
"Bây giờ, anh Lê Hòang cũng vậy, bấm nút khánh thành một công trình lớn của Tuổi Trẻ xong là ra đi. Buộc phải ra đi."
Ra đi cùng ngày
Trang web báo Thanh Niên ghi rõ quyết định thay đổi tổng biên tập hai tờ báo được trao cùng ngày 31.12.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng đã đến báo Thanh Niên trao công văn của Ban Bí thư Trung ương Đoàn đối với ông Nguyễn Công Khế.
Giờ đây, ông Khế, được nhiều người xem là hiện thân của báo Thanh Niên hơn 20 năm qua, sẽ giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông Thanh Niên và Giám đốc Hãng phim Thanh Niên.
Ông Đặng Thanh Tịnh tạm thời phụ trách báo nhưng chỉ ở cương vị Phó tổng biên tập - nghĩa là Thanh Niên hiện không có ai giữ chức tổng biên tập.
Việc cuối của ông Lê Hoàng là khánh thành Nhà in Tuổi Trẻ
Báo Thanh Niên cũng cho biết trong cùng ngày 31.12, Thành Đoàn TP. HCM trao quyết định của Ban Thường vụ Thành Đoàn về việc không bổ nhiệm lại ông Lê Hoàng giữ chức Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ từ 1.1.2009.
Cũng trong tình thế không có tổng biên tập, ông Vũ Văn Bình, Phó tổng biên tập và là Bí thư Đảng ủy của báo, sẽ điều hành tòa soạn.
Ông Hoàng Hải Vân, mất chức tổng thư ký tòa soạn Thanh Niên và bị tước thẻ nhà báo cùng đợt ông Bùi Thanh, tâm sự trên blog cá nhân rằng trong buổi họp, báo Thanh Niên "đẫm nước mắt".
Ông viết: "Cả Hội trường Báo Thanh Niên chiều nay đầy nước mắt, ở đây chưa bao giờ có nhiều nước mắt như vậy. Nước mắt đã có từ nhiều ngày nay, nhưng hôm nay là nhiều nhất, trong đó có rất nhiều nước mắt của những người chưa bao giờ khóc người đang sống."
"Giao thừa dương lịch tối nay, đối với những người làm báo Thanh Niên, là một giao thừa buồn thảm."
Tờ báo này sắp kỷ niệm ngày thành lập (3.1.1986), nhưng theo ông Vân, "không biết Thanh Niên sẽ đăng những gì để kỷ niệm sinh nhật 23 năm của mình".
Tâm sự nhà báo
Nhà báo kỳ cựu Huy Đức, ngày 30.12, là người đầu tiên viết công khai trên blog về diễn biến thay đổi của làng báo.
Không bình luận về ông Nguyễn Công Khế, ông Huy Đức tỏ ra có thiện cảm với ông Lê Hoàng.
"Tuy không xuất thân từ một nhà báo chuyên nghiệp, Lê Hoàng ý thức rất rõ vai trò công luận của một tờ như Tuổi Trẻ và sứ mạng thông tin không thể tránh được của một người làm báo. Ông không thể không đăng những bài viết trong vụ PMU 18."
Blog Bùi Thanh là một trong vài blog công khai bình luận về sự thay đổi
"Và đặc biệt gần đây, ông được đánh giá cao khi, đúng ngày Thủ tướng ra trước Quốc hội, cho đăng tin phiên tòa ở Nhật xử vụ PCI có nêu đích danh Huỳnh Ngọc Sỹ (tờ Thanh Niên hôm ấy không đăng). Cho dù ông biết đăng tin này là 'đụng'".
"Đặc biệt, giới quan sát, rất cảm kích khi thấy Lê Hoàng đã giữ được tư cách một nhà báo khi trong suốt thời gian chiếc ghế của ông bị lung lay, ông đã không hề 'chạy chọt'".
Trong khi đó, nhà thơ - nhà báo Đỗ Trung Quân lại cảm ơn sự "hào hiệp" của ông Nguyễn Công Khế dành cho nhiều người gặp khó trong môi trường xã hội - chính trị nhiều khi bất trắc.
"Nhiều năm qua, khi đã ở vị trí vững vàng, anh đã cứu giúp cưu mang khá nhiều người, những người của SG sau 1975, khi ấy vì “chủ nghĩa lý lịch” đang phải lang thang nơi chợ trời thuốc Tây, đang mỗi ngày đạp xe đi bỏ từng ký cà phê trộn bắp rang và đủ thứ hoàn cảnh,công việc lam lũ, vất vả khác."
"Những người mà giờ đây từ sự cất nhắc của anh, họ đã có chỗ đứng, thậm chí có chức vụ trong tờ báo Thanh Niên. Tính cách hào hiệp ấy trong anh là có thật. Anh có mặt trong đám tang giáo sư Nguyễn Ngọc Lan và hôm sau, khi không một tờ báo nào trong cả nước đưa tin về sự qua đời của giáo sư Lan, chính Thanh Niên là tờ báo duy nhất đăng những bài xúc động về sự nghiệp của một con người yêu nước, rồi trở thành tù nhân của cả 2 chế độ."
Ông Quân nhắc lại chi tiết rằng ông Khế "không thích blog", nhưng điều trớ trêu là bây giờ, giới làm báo Việt Nam, nếu muốn viết gì về vụ việc, "chỉ có một phương tiện duy nhất là blog của mình".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét