27 thg 1, 2009

Cướp hoa ở Hà Nội (3)

Hè nhau...
... vặt trụi của "chùa"!
Bãi chiến trường...
Ảnh: dantri.com.vn

Ngày cuối năm nghĩ về hoa ở VN
Nhà thơ Hoàng Hưng

Sớm ngày ông Táo chầu Trời, nhận được email của một trí thức hải ngoại dẫn vào YouTube để chia sẻ một bức xúc. Quả tình còn hơn một bức xúc, mấy phút clip ấy là cú đấm vào mặt người Việt, sau đó là nỗi đau tê tái: những gương mặt sáng sủa roi rói vẻ “trai thanh gái lịch” Hà Nội đang miệng cười nói thật hồn nhiên tay vặt, bẻ, tước những cây anh đào rộ bông mà các bạn Nhật công phu trân trọng vận chuyển từ nước họ sang hiến cho người mình thưởng ngoạn. (Bà xã tôi xem cảnh này đã thốt lên: “Rõ là một lũ khỉ, chứ không phải người”)...

Cướp phá vô tư
Clip được tung lên ít ngày sau sự cố lặp lại về Hoa nhưng ở quy mô hoành tráng gấp bội: đêm hội Hoa quanh hồ Gươm phút chốc biến thành cuộc cướp phá thoải mái không tiền khoáng hậu, lần này không chỉ “trai thanh gái lịch” mà cả những gia đình trông đàng hoàng ra phết cũng tham gia vô tư.
Tôi nhớ ngay một kỷ niệm riêng hồi Xuân 2008, một chuyện nhỏ làm mình sững sờ: trong đêm Thơ đặc biệt mà Trung tâm Văn hoá Pháp ở Hà Nội (l’Espace) tổ chức cho cha con tôi, có khoảng 20 bó hoa rất đẹp được bạn bè, người thân mang lên sân khấu tặng. Kết thúc chương trình, hai cha con vừa bước xuống khán phòng để chào cảm ơn cử toạ thì lập tức hàng chục chàng trai cô gái ào lên sân khấu lượm gần sạch hoa, chỉ để lại cho nguời được tặng vài bó xấu nhất. Mà cũng chính họ vừa mới đây lắng nghe, cổ vũ nhiệt tình và giao lưu sốt sắng với các tác giả, chứng tỏ lòng yêu thơ khá cao (mà là thơ “hiện đại” đấy!), cũng là những khách quen của l’Espace, tức có thể coi họ là những phần tử “văn minh, tân tiến, hiện đại” trong xã hội chúng ta.
Đây là chuyện mang tính tất yếu, bản chất, hệ thống, sự hư hỏng từ bên trong con người Việt Nam sau một quá trình dài tích tụ phát triển đã lên đến đỉnh cao.


Ba sự kiện lớn nhỏ về Hoa, đủ cho thấy vấn đề không hề là ngẫu nhiên, hiện tượng, bộ phận (như kiểu đổ thừa “người mới nhập cư” chưa quen nếp sống văn minh đô thị – lý giải này đã bị nhiều người phản ứng, và như tôi dẫn chứng bên trên, hoàn toàn không thuyết phục), hoặc do lỗi khách quan, hoàn cảnh cụ thể (như trình độ, kinh nghiệm tổ chức sự kiện…tuy đó cũng là nguyên nhân đáng kể). Rõ ràng đây là chuyện mang tính tất yếu, bản chất, hệ thống, sự hư hỏng từ bên trong con người Việt Nam sau một quá trình dài tích tụ phát triển đã lên đến đỉnh cao và không tránh khỏi có dịp bộc lộ ngay ở những thành phần có thể coi là ưu tú (cũng như những sự hư hỏng kéo dài về xây dựng đô thị đã đến lúc nhân một trận mưa bất thường mà đánh chìm cả trung tâm chính trị quốc gia).
Để có sự so sánh, xin ngược dòng thời gian về những ngày hội quần chúng ở Hà Nội những năm hoà bình đầu tiên sau 1954. Người Hà Nội thế hệ chúng tôi làm sao quên được những đêm Giao thừa nườm nượp người hân hoan vũ hội tưng bừng quanh Hồ Gươm, những đêm sẽ sống mãi như kỷ niệm một thời thanh xuân lãng mạn của chúng tôi và của chế độ, những đêm sẽ sống mãi trong lời ca của Đoàn Chuẩn, trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm?
Như vậy vấn đề chắc phải nằm ở đâu đó, nếu không trong toàn bộ quá trình thì cũng trong một giai đoạn dài của đường lối giáo dục – văn hoá, tổ chức xã hội.
Nếu xét rằng những đêm Giao thừa phơi phới, văn hoá nhất ở Hà Nội diễn ra vào những năm đầu thập kỷ 1960 (“Chào 61, đỉnh cao muôn trượng…” (Tố Hữu), ta có thể nêu câu hỏi: phải chăng vào thời điểm ấy, khi cuộc “cải tạo tư sản” chỉ vừa mới diễn ra, những chủ nhân lâu đời của các ngôi nhà ống chỉ vừa mới bị xua vào hốc tối tận cùng, những người từ đâu đến chiếm lĩnh mặt tiền vẫn còn chưa đủ thời gian để phất lên và vênh mặt với chủ cũ, và nếp sống thanh lịch của người Hà Nội truyền thống vẫn chưa phai nhạt, vẫn còn là cái chuẩn để người mới nhập cư ngưỡng mộ và cố noi theo?
Ta cũng cần nhớ: đó là thời kỳ tương đối cởi mở của chế độ do ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại hiện đại”, “chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt người”, thời kỳ những bộ phim Xô viết đầy nhân bản Người thứ 41, Đàn sếu bay qua cuốn người ta đến rạp, thời kỳ các sứ quán ở Hà Nội mở rộng cửa đón người dân vào khiêu vũ, thời kỳ “quốc tế vũ” trở thành phong trào toàn quân toàn dân (Đại tướng Võ học chơi piano và tham dự các vũ hội; bản thân tôi lúc đó, trong ban lãnh đạo Chi đoàn Thanh niên Lao Động ở một đơn vị quân đội trên miền núi cao Tây Bắc, đã được giao nhiệm vụ về Hà Nội mua đĩa nhạc cổ điển và dạy quốc tế vũ (valse, tango) cho đoàn viên mà hầu hết là con em nông dân miền xuôi và dân tộc Thái bản địa.
Nhưng chẳng bao lâu, ập tới những năm “chống xét lại” rồi chiến tranh, mọi biểu hiện văn hoá cởi mở, nhân bản, hữu nghị bị loại trừ vì “hữu khuynh”, “tạch tạch sè”, “hoà bình chủ nghĩa”, thay vào đó là một nền văn hoá thấm nhuần 3 “tính” (tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, mà “tính Đảng” được xác định là tập trung cao nhất của 2 tính kia!), hướng về mục đích tuyên truyền chiến đấu; người Hà Nội vứt bỏ rất nhanh nếp sống thanh lịch để làm quen với cuộc sống chui hầm và sơ tán, bắt đầu giai đoạn “tự bình dân hoá” về tinh thần trước khi thành phố của họ bị nông thôn hoá mạnh mẽ về thành phần dân cư và tổ chức xã hội sau chiến tranh; con người cá nhân vốn đã bị bài bác từ 1954 đến lúc này hoàn toàn bị dìm xuống cho chìm hẳn vào đội ngũ tập thể.

Khủng hoảng văn hóa
Đến giai đoạn sau 1975 thì các giá trị văn hoá Hà Nội hoàn toàn khủng hoảng với sự biến động liên tục của dân cư kèm theo đó là sự thay bậc đổi ngôi những thế lực thượng phong. Nhiều người đã nói đến sự hỗn tạp của dân Hà Nội hiện nay như nguyên nhân mất đi nét thanh lịch của người Tràng An, nhưng điều chưa được chỉ ra đúng mức (có lẽ do “nhạy cảm”) là sự mất chuẩn văn hoá bởi việc giới tinh hoa của Hà Nội truyền thống bị hạ bệ, trong khi giới mới lên về quyền và tiền còn lâu lắm mới “học làm sang” được. Chỉ cần nghe phát âm phổ biến của người Hà Nội bây giờ là biết.
Chuyện vặt hoa không chỉ là hành vi của vài cá nhân mà có nguyên nhân căn cơ hơn
Bản thân tôi đã từng sửng sốt khi nghe một ông giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội phát biểu trên Tivi với những âm “l” - “n” lộn ngược, đã từng phải nhịn cười khi nghe một vị Vụ trưởng của Bộ Văn hoá giảng giải trong một hội thảo quốc tế cũng với những âm như thế (nhà văn Dạ Ngân cùng có mặt đã phản ứng bằng cách bỏ về!), đã từng bực bội một cách vô ích khi trên Tivi lan tràn những âm “ieo” thay vì “eo” (con mìeo bíeo)… Một khi cái tinh hoa, cái đẳng cấp cao bị hạ bệ, dĩ nhiên cái dung tục, tầm tầm sẽ lên ngôi; khi không còn văn hoá gọt giò thủy tiên cho hoa nở đúng đêm 30 Tết, ắt sẽ có văn hoá bẻ cành anh đào và cướp hoa đêm hội.
Trên đây tôi đã thử truy tìm gốc rễ của thảm họa Hoa qua quá trình tha hoá của văn hoá Hà Nội. Nhìn rộng và sâu hơn, còn có thể thấy một nguyên nhân căn bản không chỉ riêng cho Hà Nội mà cho toàn xã hội Việt Nam. Đó là mâu thuẫn trong quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng.
Một thời rất dài, cái chủ nghĩa tập thể cực đoan lên ngôi ở miền Bắc, trở thành vũ khí cực kỳ hữu hiệu trong thời chiến (chính nó đã đánh bại con người cá nhân của chế độ miền Nam). Nhưng nó đã ngày càng bộc lộ tính phi lý phản tự nhiên trong một đời sống làm ăn bình thường sau chiến tranh. Cho đến nay, đã trên 30 năm, mặc dù xã hội “xã hội chủ nghĩa” đang được điều chỉnh thành xã hội “thị trường định hướng (thực chất đang rất chệch hướng) xã hội chủ nghĩa”, thứ vũ khí nhất thời ấy vẫn chưa được xếp vào bảo tàng. Hậu quả là nó đã ngăn cản sự khẳng định cá nhân vốn là cơ sở sâu xa của một xã hội công dân - dân sự hiện đại trong đó cá nhân là thực thể duy nhất hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình cũng như đơn vị cơ bản có toàn quyền độc lập hành xử theo pháp luật.
“Chủ nghĩa cá nhân” – individualism – cho đến nay vẫn bị coi là tiêu cực, xấu xa, đồng nghĩa với ích kỷ, duy ngã, chứ không được nhìn nhận là động lực của phát triển xã hội, là xuất phát điểm hiện thực để xây dựng một tinh thần tập thể hiện thực theo khế ước xã hội (các nhà cách mạng Nga tiền Bolchevik gọi nó là “chủ nghĩa ích kỷ hợp lý”). Toàn bộ đường lối văn hoá – giáo dục, tổ chức xã hội cho đến nay, tuy có sự điều chỉnh nhất định (như kiểu chiết trung: “ba lợi ích”), về căn bản vẫn dựa trên sai lầm rất căn bản ấy. “Cái tôi” không được tôn trọng thực sự, thì làm sao có được lòng tự trọng và sự tôn trọng người khác, làm sao có được ý thức kỷ luật tự giác, ý thức công dân tự giác, cam kết xã hội tự nguyện của từng con người cụ thể?
Một điều dễ thấy nhất: Để bù đắp lại cái quyền tự nhiên của mình bị ngăn trở, cái tôi bèn tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm, và “nhanh mắt, nhanh tay” ăn cắp, thậm chí ăn cướp mỗi khi “cái ta” sơ hở; nhưng cách hay nhất, thực tế đã chứng tỏ hiệu quả nhất, là lẩn trốn trong bóng “cái ta”, núp ngay dưới danh nghĩa “cái ta” mà ăn cắp, ăn cướp của chính “cái ta” và của những “cái tôi khác” yếu hơn mình (về thủ thuật này, nêu gương một cách xuất sắc chính là những vị có chức có quyền).
Mức độ nhẹ hơn nhưng hết sức phổ biến từ trên xuống dưới: khi không có điều kiện hoặc chưa đủ tâm địa ăn cắp/ ăn cướp, người ta chọn lối sống “cha chung không ai khóc”,“mackeno”. Và một trong những hậu quả của việc “cái tôi” phải “sống chui” ấy là thói đạo đức giả lan tràn trong xã hội đến mức có lần trong một hội thảo khoa học, GS Phan Đình Diệu phải cay đắng nói rằng: sự giả dối đang trở thành “bản sắc dân tộc”!
Có một chi tiết thú vị về sự đối đầu cái tôi - cái ta trong cuốn sách “Giải phẫu cái tự ngã” của chuyên gia tâm thần Nhật Bản Takeo Doi (mà tôi mới dịch cho NXB Tri thức): các nhà quan sát tâm lý xã hội Nhật nhận thấy rằng: người Nhật sống trong nước Nhật rất tuân phục kỷ luật của tập thể “nhóm” - nhiều khi đến mức có thể nói là mê muội, nhưng khi ra nước ngoài du lịch, họ thường là thành phần “quậy” nhất, có lẽ là để bù lại sự nhẫn nhịn kéo dài mà mình phải chịu trong vòng cương toả của nhóm. Phải chăng sự quậy phá mang tên Hoa của ta cũng là một cách giải toả tâm lý tương tự của người Hà Nội sau những tháng ngày chịu sự cai quản nhiều khi khiên cưỡng của cả một hệ thống từ nhà trường, đoàn thể, đến khu phố, làng xóm, gia đình?
Tất nhiên, nói đến lòng tự trọng và phẩm giá của cá nhân như cái gốc bên trong của văn hoá ứng xử trong đời sống xã hội, cũng phải đồng thời nói đến sự chế tài của xã hội như môi trường nuôi dưỡng và uốn nắn cái gốc ấy. Nếu như ở thôn quê, sự chế tài này nhiều khi được thực hiện qua các thiết chế nhỏ sát sườn với cá nhân như dòng họ, chòm xóm… thì trên những đường phố, quảng trường đô thị, nơi cá nhân có thể được thả mình tự do trong tư cách incognito, chỉ có sự chế tài duy nhất hữu hiệu là một luật pháp nghiêm minh (minh: công bằng, vô tư, minh bạch) đi đôi với một phản ứng cộng đồng nhanh nhạy. Phản ứng cộng đồng thì như trên đã nói, bị tê liệt từ lâu vì lối sống “mackeno”.
Còn luật pháp, nguyên tắc là muốn nghiêm thì phải minh. Thử hỏi: truớc thực trạng thi hành luật pháp vừa lỏng lẻo vừa tùy tiện lại nhiều khi bất lực, với sự thao túng lắm lúc rất lộ liễu của quyền lực, với những cảnh tham nhũng của chính lực lượng chế tài diễn ra hàng ngày trước mắt người dân, liệu cá nhân có đủ lòng tin lẫn sự nể trọng luật pháp để tự điều chỉnh hành vi của mình? Phải chăng vì thế mà Hà Nội lâm vào một tình trạng mà nhà thơ Lê Đạt trong buổi trò chuyện cuối cùng trước khi qua đời ít lâu đã gọi là “vô chính phủ”? Ông đã không quá lời: sự cố đêm hội Hoa vừa qua chứng minh sự tinh tường của ông.
Nghĩ lan man từ thảm hoạ mang tên Hoa ở Hà Nội, cuối cùng cũng phải đụng chân tường, đó là những vấn đề thuộc bản chất thể chế cần có sự dũng cảm để thay đổi, mà thảm họa Hoa là lời báo động có thể là tối hậu. Không thể để cho nhân cách của người Việt mình xuống thấp hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét