8 thg 1, 2009

Dua con nuoi cua Vicky

Đứa con nuôi của Vicky
Đến Washington, DC, tôi được Vicky, một phụ nữ xinh đẹp đón ở sân bay. Mỗi thành viên cùng nhận học bổng như tôi đến từ một nước khác nhau và đều có một người tình nguyện như thế. Nhưng, Vicky chọn tôi vì chị có một cô con gái nuôi Việt Nam, chị muốn con gái chị có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc với người Việt.
Vicky nhận bé Annie Jewel tại một trại trẻ mồ côi ở Miền Bắc. Trại nói rằng, mẹ Annie Jewel là một cô gái Mường ở Hoà Bình. Cô gái yêu một chàng sinh viên đang học ở Thủ Đô, nơi, cô cũng ước mơ sẽ vào được một trường đại học ở đó. Đứa con được sinh ra khi cả hai đều chưa đủ khả năng để gây dựng một gia đình… Họ đặt tên cho bé là Bùi Thị Tuyết. “Báu vật” mà cha mẹ đẻ để lại cho Tuyết là một bộ đồ rất đẹp màu cam. Bộ đồ không hiểu sao được may rộng hơn những gì cho một trẻ 3 tháng tuổi. Có lẽ nhờ thế mà năm 3 tuổi, khi bắt đầu thích đồ đẹp, Tuyết mới mặc vừa. Mẹ nuôi Vicky nói: “Đây là quà của mẹ Tâm, người đã sinh ra con”.
Khi đã xong giấy tờ để làm mẹ, Vicky bế con lên Hoà Bình, chị ngắm những mảnh ruộng nhỏ bên lưng núi, nhìn thật kỹ những ngôi nhà gỗ. Chị muốn trong câu chuyện rồi chị sẽ kể cho con, có những hình ảnh giúp Tuyết-Annie Jewel hình dung ra nơi chôn rau cắt rốn của cháu. Lên 5 tuổi, Annie Jewel được gửi tới một trong những nơi nuôi dạy trẻ tốt nhất ở khu vực Washington. Nhưng điều mà Vicky hài lòng nhất là càng lớn, Tuyết-Annie Jewel càng ý thức được cháu là người Việt. Mỗi khi xuống phố hay đi bộ trong khuôn viên của trường, Tuyết vẫn hay thì thầm vào tai mẹ: “Mom, nhìn kìa, các bạn người Châu Á”. Rồi bé hỏi: “Mẹ có nghĩ rằng trong đó có vài bạn là người Việt Nam không?”
Năm gần 40 tuổi, Vicky ao ước có một đứa con. Những người bạn trai từng sống chung không đưa lại cho chị niềm hạnh phúc đó. Chị quyết định tìm một đứa bé để nuôi. Các cơ sở tư vấn giới thiệu cho chị cả những đứa trẻ Trung Quốc, nhưng chị chọn Việt Nam. Vicky thuộc thế hệ những đứa trẻ Mỹ lớn lên khi mà ở ngoài đường là những cuộc phản đối chiến tranh, còn trong phòng khách, tivi và người lớn gần như không còn chuyện gì quan trọng hơn là chuyện Việt Nam để bàn đến. Vicky nói: “Tôi biết lịch sử thường rất phức tạp để hiểu, nhưng, điều đơn giản mà tôi cảm thấy là chúng tôi sai khi đã gây ra ở đó biết bao đau thương”. Nuôi một đứa con người Việt, Vicky nói: “Khiến cho tôi nghĩ rằng mình đã nuôi dưỡng một sợi dây liên hệ giữa hai nước, sự liên hệ không phải từng có trong quá khứ: chiến tranh”. Khi làm thủ tục nhận Tuyết làm con nuôi, những người ở trại trẻ mồ côi nhìn Vicky và nói rằng: “Con bé này thật may mắn”. Nhưng rồi càng ngày, Vicky nghĩ, người thực sự may mắn là chị.
Tháng 8 năm ngoái, Vicky đưa con đi dự Trại Hè Văn Hoá Việt, trại do những người Mỹ có con nuôi Việt Nam tổ chức. Các cháu gái mặc áo dài, các cháu trai đội khăn đóng, những anh chị sinh viên người Việt tình nguyện giúp các cháu chơi những trò chơi Việt Nam. Trong khi, cha mẹ chúng dự những cuộc nói chuyện về lịch sử, văn hoá Việt. Tại nơi nói chuyện về lịch sử bang giao Việt-Mỹ, những bậc cha mẹ người Mỹ đã rất bất ngờ khi người diễn thuyết, một phụ nữ người Việt trẻ, đã chỉ trích chính phủ Việt Nam rất nhiều và phê phán chính phủ Hoa Kỳ đã bình thường hoá quan hệ. Những người Mỹ này đã phản đối diễn giả, họ nói: “Chính Hà Nội đã giúp đỡ để chúng tôi có những đứa trẻ này. Nếu không có mối quan hệ bình thường đó làm sao có gia đình chúng tôi?” Rồi chính những người Mỹ đã huỷ nửa chừng cuộc nói chuyện đó. Diễn giả hôm đó là một một thuyền nhân đến Mỹ khi còn là một đứa trẻ. Vicky đọc nhiều sách và chơi với nhiều người Việt có cùng hoàn cảnh, chị biết câu chuyện của họ. Nhưng Vicky biết, nhiều người trong số họ đã chưa trở lại Việt Nam trong gần ba chục năm qua. Họ có thể không có cùng sự chia sẻ như những người Mỹ vừa đến đó, chứng kiến một Việt Nam hoàn toàn khác. Những ông bố, bà mẹ có con nuôi Việt Nam sau hôm ấy trở nên băn khoăn nhiều hơn, liệu những đứa trẻ mà họ đang nuôi nấng này có làm được sợi dây nối lại những điều đã bị chiến tranh chia cắt như họ muốn khi mà giữa những người Việt với nhau vẫn còn mang những kỷ niệm cay đắng này?
Ở nhà Vicky có rất nhiều sách Việt Nam, một trong những cuốn sách đấy là tuyển tập những truyện ngắn về chiến tranh do Wayne Karlin dịch cùng với chị Phan thanh Hảo. Wayne vốn là một cựu binh ở Việt Nam, anh đang dạy ở một trường đại học cộng đồng ở vùng đông nam Maryland. Hai người bạn rất thân của Wayne ở đấy là hai người Việt đến Mỹ từ những năm 50. Nhà anh giờ đây gần như trở thành một trong những điểm thăm viếng thường xuyên nhất của những nhà văn, nghệ sỹ đến từ Việt Nam theo chương trình của trung tâm Williams Joiner, một trung tâm chú trọng vào những hoạt động mang tính giao lưu văn hoá Mỹ-Việt và hoà giải.
Vicky muốn gặp Wayne Karlin để chia sẻ những điều băn khoăn của cô. Tôi đã nhờ chị Phan Thanh Hảo, từ Hà Nội, tổ chức cuộc gặp cho hai người Mỹ sống cách nhau chỉ một giờ đi xe này. Hôm gặp nhau, họ đã nói chuyện với nhau từ giữa trưa cho tới khi trời tối. Những cuốn sách đầu tiên của Wayne Karlin là về Việt Nam, nhưng từ nhiều năm nay, anh lại nói nhiều hơn về cuôc nội chiến Mỹ xảy ra trong những năm đầu 60 của thế kỷ thứ 19. Ngôi nhà của Wayne Karlin nằm ở nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc chiến tranh này.
Năm 1865, khi cuộc nội chiến Mỹ đi đến hồi kết thúc, các sĩ quan trong Bộ Tham mưu của miền Nam đề nghị rút lui vào rừng để chiến tranh du kích, nhưng chỉ huy lực lương miền Nam là tướng Lee bác bỏ. Ông, vị tướng lừng danh từng chỉ huy Học viện quân sự Westpoint, quyết định đầu hàng để chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn. Tướng Lee viết thư gửi chỉ huy quân Miền Bắc là tướng Grant. Lịch sử kể rằng, tướng Grant đã ra lệnh cho ba quân thổi kèn đón tiếp tướng Lee như một người hùng. Và, điều mà tướng Lee thoả thuận hôm đó với tướng Grant là để cho binh lính Miền Nam được đưa lừa ngựa mà họ đã mang từ nhà đi tham chiến, quay về cày hái như trước.
Cách ứng xử của hai vị tướng từng là bạn và từng là cựu thù này được ca ngợi như là một biểu tượng của sự hàn gắn. Và, vị Tổng thống lúc ấy, Abraham Lincoln, đã chủ trương sẽ không có trừng phạt những người thua trận. Ông nói: “Từ nay, các bạn là anh em, chúng ta không còn là kẻ thù của nhau nữa”. Nhưng, chỉ hai ngày sau, Tổng thống Lincoln bị ám sát. Người kế nhiệm ông là Tổng thống Andrew Johnson lại dùng không ít chính sách trừng phạt Miền Nam và điều đó đã làm cho vết thương chia cắt phải mất nhiều chục năm để hàn gắn và làm cho sự kỳ thị người da đen ở các bang miền Nam đã tồn tại dẳng dai hơn miền Bắc. Wayne Karlin nói: “Cạnh nhà tôi đây, xưa là một trại tù binh chiến tranh, hàng ngàn người đã chết ở đó vì đói và bệnh tật. Nhưng phải 65 năm sau, chính phủ mới cho xây một đài tưởng niệm họ”. Wayne gọi cách ứng xử đó là một lỗi lầm.
Khi tham chiến ở Việt Nam, Wayne nói: “Phần lớn những phi vụ trực thăng của tôi là tải thương và cứu nạn, nhưng tôi vẫn cảm thấy bị cắn rứt rất nhiều”. Wayne Karlin đã viết vì anh nghĩ đó là cách tốt nhất để thấy mình thanh thản hơn. Và, theo anh, được viết ra những sự thật phức tạp và những suy nghĩ, cách nhìn từ các bên cũng là cách tốt nhất để hàn gắn những vết thương gây ra bởi cuộc chiến. Wayne Karlin đã và đang làm nhiều việc để giúp đỡ những người bạn Việt, nhưng cũng như Vicky, Wayne nhận ra, chính anh chứ không phải những người bạn Việt mới là người may mắn. Wayne vừa mới đón đạo diễn Đặng Nhật Minh tới thăm tháng trước. Và, Vicky thì đang có ý định trở lại Việt Nam để tìm thêm cho Tuyết-Annie Jewel một “người anh em”, chị cũng muốn liên lạc với cha mẹ ruột của Tuyết, chị muốn con gái chị biết rõ hơn về nguồn gốc của mình và chị muốn sợi dây liên hệ với Việt Nam được củng cố trên nền tảng của mối quan hệ gia đình.
Có hàng triệu lượt người Mỹ đã tham gia chiến tranh Việt Nam, hàng chục triệu người Mỹ khác biết tới Việt Nam nhờ theo dõi cuộc chiến qua truyền thông và tham gia các cuộc biểu tình. Hơn một triệu rưỡi người Việt đã tới định cư ở Mỹ từ hơn 30 năm nay. Không phải quốc gia nào cũng có một sự liên hệ lớn lao và “bằng xương, bằng thịt” như vậy. Điều gì sẽ xảy ra, nếu các bên hoà giải thực sự, điều gì sẽ xảy ra nếu như, có thêm nhiều người như Wayne, như Vicky? “Chiến tranh là một một điều xấu”, Wayne nói, nhưng chiến tranh thì đã qua, “Hãy làm nãy nở những điều tốt từ đó”.

Huy Đức (blog Ôsin)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét