23 thg 1, 2009

Ca nương nối nghiệp

Ca nương nối nghiệp

Bên Đài nghiên, Tháp Bút đứng chon von,

Chép hào khí Thăng Long ngàn vạn thuở…


Tiếng vỗ tay chưa dứt, ba vị trong ban giám khảo đã chụm đầu bàn bạc. Cuối cùng họ quyết định trao huy chương vàng và giải Ấn tượng nhất cho tiết mục ca trù Dấu đẹp Hồ Gươm, Nguyễn Thị Bạch Dương, cán bộ Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI), trình diễn.

Công bố giải xong, Trưởng ban Giám khảo, nhạc sỹ Phạm Tuyên, bước xuống mà trong lòng thắc mắc: làm sao cô gái trẻ ấy lại có thể hát ca trù thế này. Bất chợt ông nhìn thấy trong đám đông một người từng làm chung ở đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), bà Phó Kim Đức. “Học trò của bà phải không?”. Bà kim Đức gật đầu.

Chuyện bắt đầu khi bà cô Phó Thị Yến, một đào nương, lấy chồng về Khâm Thiên rồi đem 3 người cháu ruột của mình ra nuôi và truyền nghề. Người anh là Phó Đình Ổn, thân sinh của bà Kim Đức. Cụ Ổn về sau trở thành một tay đàn có tiếng, được tôn làm quản ca giáo phường Khâm Thiên. Năm Kim Đức lên 7, ông bắt đầu dạy cho con gái học cầm từng lá phách.

Kim Đức bắt đầu đi hát từ năm 13 tuổi, cho các nhà hát hoặc có ai kêu thì đi, gọi là đi hát mảnh. Thường một mảnh hát chỉ được trả 2-3 đồng bạc, nhưng những người cầm chầu lại vốn là những văn nhân hào hoa, chỉ cần một luyến láy mủi lòng là khách lại có thể đặt lên tang trống vài đồng bạc thưởng. Một mảnh hát chỉ có hai người, một tay đàn đáy, một ca nương kiêm giữ phách, còn các quan viên thì vừa thưởng thức, vừa đồng thời điểm trống. Nhà văn Nguyễn Tuân, khi ấy có vợ là bà Chu Thị Năm, vốn là một đào nương nổi tiếng. Khi Kim Đức còn học hát, ông tới nhà nghe, rồi bảo: “Có tương lai đấy!”.

Ca trù là một nghệ thuật công phu, sang trọng. Nhưng, bà Kim Đức kể, những năm 30, có không ít người xin môn bài, mở nhà hát nhưng thực chất bên trong cũng biến trướng đủ điều. Khi thấy, không ít kẻ tìm đến Khâm Thiên không còn là để thưởng ngoạn mà chỉ để đi cô đầu, ông Phó Kim Ổn nói với con: “Biết nghề thế này, bố đã chẳng dạy cho con hát”. Năm ấy Kim Đức đã bước sang tuổi 15, giọng ca càng ngọt, nhan sắc càng thắm.

Cách mạng tháng Tám, cụ Ổn vinh dự được mời lên nhà Khai Trí Tiến Đức, cùng với các nghệ sỹ khác, hát đón cụ Hồ. Giáo phường Khâm Thiên diễn Lưu Bình - Dương Lễ lấy tiền cứu đói, Kim Đức tham gia trong đội múa bài bông. Nhưng, “ngày vui ngắn…”. Người Pháp trở lại. “Toàn quốc kháng chiến”. Cụ Ổn trúng đạn chết trên đường đi tản cư. Phó Kim Đức bị thương. Mẹ bà lúc ấy đang mang thai người con út. Sinh xong, tưởng chết. Làng lại gần Tề, lâu lâu lại nghe chuyện cướp, hiếp. Tiền hết. Ba người anh đi bộ đội, một người anh bị bắt, hai em còn nhỏ, năm 1948, bốn mẹ con trở lại Khâm Thiên.

Hồi cư được ít lâu, xoay xở vài công việc, thì bà Mộng Hoàn mở nhà hát, bà cho gọi Kim Đức tham gia. Mấy tháng sau, Tây thả anh trai Phó Đình Kỳ của bà, hai anh em lại đi hát mảnh. Những năm ấy, Kim Đức lớn dần, cô đào tuổi 19, 20, chỉ cần vặn đàn vài tiếng dạo qua, là đã đủ để khiến cho biết bao văn nhân dừng thuyền ghé lại. Rồi, “hòa bình”. Không còn hào sảng như thời nghe bà luyến láy trong câu Lá ngô đồng rụng, cụ Nguyễn gặp lại bà chỉ kín đáo chào. Không ai muốn dính líu tới cái thời hát cô đầu ở Khâm Thiên nữa. Bà Phó Kim Đức đi sản xuất đồ nhựa rồi làm nghề đan len nuôi con. Bảy tám lượng vàng mà bà dành dụm được thời đi hát do “thật thà khai báo” nên phải bán cho nhà nước, giá chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá chợ đen, tiền đi nhanh như gió vào nhà trống.

Tình cờ, bà gặp nhạc sỹ Nguyễn Văn Khánh, ông kêu bà nộp đơn vào Trường Ca kịch Dân tộc. Ở đó bà học hát chèo từ cụ Cả Tam. Ở đó, bà được đài TNVN mời thu thanh rồi mời về làm việc. Trong suốt hơn hai thập kỷ, 60 đến 80, không ai ở miền Bắc là không biết giọng ca trau chuốt, trầm buồn trong những bản chèo như Bao chiến công lừng vang, Đi trong vườn quả bác Hồ… của Kim Đức.

Năm 1986, nghỉ hưu, bà được đài TNVN ưu tiên cho nhận mấy tạ lạc về bóc. Bóc lạc xong, phân loại, rồi đưa trở lại Đài, xếp hàng cả ngày mới tới lượt giao nộp lạc nhân cho nhà nước. Chờ đợi mỏi mệt, đang nằm nghỉ trên những bao lạc thì có người kêu: “Cô Kim Đức, cô hát cho chúng tôi nghe đi”. Trong số những người giao lạc hôm ấy có nhà báo Thụy Chóng. Cô nhà báo lập tức hỏi: “Kim Đức nào? Kim Đức mà phải đi bóc lạc ư?”. Thụy Chóng viết một bài báo về bà rồi năn nỉ: “Chị ơi, chị thương em chị thu cho em mấy bài ca trù”. Hơn 30 năm không một lần gõ phách, tự nhiên hàng trăm câu hát hiện về, Nghe não nuột mấy dây bứt rứt/ Dường than niềm tấm tức bấy nay…

Lúc bấy giờ, bà Kim Đức nghĩ tới việc truyền nghề. Nhưng, nhiều người bảo bà dạy, bà từ chối. Cái năm quỹ Ford tài trợ, Bộ Văn Hóa mở một lớp ca trù trong hai tháng, cho người xuống kêu bà. Bà bảo: “Hai tháng chưa cầm nổi lá phách, học cái gì”. Họ bảo, bà không làm thì chúng tôi làm. Đúng là họ làm được thật, nhưng bà xem họ hát xong thì tủi. Bà bắt đầu bằng cách truyền cho cô cháu nội, năm ấy lên 9, nhưng rồi cô bé ham học văn hóa hơn. Người đầu tiên bà dạy thành công là nghệ sỹ ưu tú Đặng Công Hưng. Anh Hưng chơi đàn nguyệt ở Nhà hát Chèo, sau đó nhờ bà dạy chơi đàn đáy. Nhưng bà bảo: “Mày chỉ đàn rồi cứ bắt tao ca mãi sao!”

Ít lâu sau, có một Việt Kiều ở Pháp về Hà Nội làm ăn, tên là Đàm Quang Minh. Ông Minh say mê ca trù, nên cứ một năm lại tổ chức hát ở Tây Hồ hai lần. Năm 1999, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bạch Dương may mắn có mặt trên thuyền của ông Minh. Chị Dương kể: Tôi xuống thuyền rất sớm và lập tức ấn tượng khi thấy một bà cụ đẹp sang trọng, mặc áo dài nhung, bên ngoài khoác áo dạ đen. Chọn góc chiếu phía đối diện ngồi chờ, tôi mê mẩn đôi bàn tay gõ phách của bà và đặc biệt là giọng hát. Tôi hỏi chồng, “Bà ấy hát gì đấy?”, anh Hải, chồng tôi nói: “Ca trù”. Ngay sau đó chúng tôi tìm mọi cách làm quen với bà, chỉ định để tìm hiểu, vì nghĩ “ca trù sang cả quá, mình làm sao với tới”.

Đến nhà, bà hỏi thăm: “Cha mẹ làm ở đâu?”. Chị Dương: “Dạ, làm ở đài TNVN ạ”. “Tên gì?”. Dạ, Tâm”. “Tâm Liên Xô phải không?” Thế là thành người nhà. Bà nói: “Hay là đưa con bé tới đây!”. Năm ấy, bé Nguyễn Thanh Thảo mới 5 tuổi. Trở lại câu chuyện đã nói ở đầu bài, nhạc sỹ Phạm Tuyên khi biết cái cô hát Dấu đẹp Hồ Gươm là con gái “Tâm Liên Xô” lại càng ngạc nhiên: “Tôi nghe, con bé ấy nó Tây lắm mà?”. “Vâng!”.

Chị Bạch Dương sinh tại Nga, năm ấy, mẹ chị đang làm chuyên gia ở đài phát thanh Matxcơva. Chị học sư phạm Ngoại ngữ, có hai năm chuyển tiếp ở Nga, sau đó học tiếp đại học Ngoại thương. Dương học nhạc từ nhỏ nhưng chủ yếu là học các dòng nhạc hiện đại. Trước khi lấy chồng, chị đã là một dancer nổi tiếng, từng đoạt đôi giày vàng toàn quốc và đã vào tận Sài Gòn “tầm sư”. Khi “tán tỉnh” chị Dương, anh Nguyễn Văn Hải, làm ở Ban Quốc tế, VCCI, cũng theo không thiếu sàn nhảy nào. Nhưng, sau khi cưới, anh thú nhận là chỉ say mê cổ nhạc. Thoạt đầu, chị Dương chỉ nghĩ “xuất giá thì phải tòng phu”, không ngờ chị cũng… theo chồng.

Từ năm 1999, hai vợ chồng cứ sau giờ làm việc, cơm nước xong là, cả nhà lại lên xe máy chạy từ Bác Cổ xuống nhà bà Kim Đức ở Ngã Tư Sở. Thoạt đầu, định chỉ học một tuần hai buổi, sau học luôn một tuần 7 buổi. Lúc đầu, chỉ định nhờ bà dạy cho bé Thảo, nhưng, con bé cứ học được một lúc lại mệt quá, ngủ thiếp đi. Bà bảo: “Nhỡ đến khi nó lớn thì bà yếu mất, thôi thì vợ chồng mày học”. Sau hai năm liên tục thấy vợ chồng lên xuống vất vả, bà lại bảo: “Để bà lên ở với vợ chồng mày, rảnh lúc nào, bà dạy cho lúc ấy”.

Đầu tiên, bà dạy cách ngồi. Suốt nhiều tuần, bà sửa từng tý để làm sao ngồi đúng như một ca nương. Tiếp theo là học phách. Mấy tháng trời, hai bàn tay cầm lá phách, mỏi dừ mà không làm sao gõ đúng. Tập cho đến một ngày, hình như ngộ ra, tay tự nhiên không căng thẳng nữa, thế là gõ được. Học ca đàn, ca phách thành thạo trong vòng hai năm, bà mới cho học hát. Chị Dương kể, nhiều lúc rất nản, trên đường về, ôm con, úp mặt vào lưng chồng, khóc. Biết tính chị Dương đã làm gì là muốn làm cho bằng được, anh Hải lại động viên, hai vợ chồng lại kiên trì. Cứ thế, trong vòng 7 năm, anh chị cùng học, cùng đàn ca và cùng làm giàu thêm văn hóa ca trù cho mình.

Năm 2004, công đoàn cơ quan khối Kinh tế Trung ương tổ chức hội diễn văn nghệ, mỗi cơ quan cần phải có 5 tiết mục mới được dự thi, nhưng, VCCI chỉ kiếm được 4 tiết mục. Thế là chị Dương phải “lấp chỗ trống” bằng cách đưa vào một tiết mục ca trù. Đó là hội diễn duy nhất mà bà Kim Đức cho học trò của mình tham gia. Bà nói, con không thể thi thố với những người học ca trù trong vòng 2 tháng. Ngày mới gặp, bà hỏi: “Con muốn được bà truyền nghề hay muốn học vài bài để chơi”. Hơn ai hết, bà muốn cà trù không bị thất truyền, nhưng dạy không tới nơi thì bà sợ các cụ ngày xưa, cũng như bà, lại tủi.

Huy Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét