Hiện nay ở Việt Nam người bán hàng rong gắn liền hình ảnh di dân từ nông thôn lên tỉnh thành với gánh hàng rau, củ, hoa, quả.
Đoàn quân hàng rong thực ra rất phong phú đa dạng: từ em bé bán vé số đến người bán trả góp, bỏ mối ngoài chợ, đến các bà bán ngoại tệ, hột xoàn đi lại giữa các biệt thự. Một số người bán hàng rong là thị dân, có người có nghề cha truyền con nối, nhưng đa số vẫn là nông dân trôi giạt, bán rong sản phẩm nông nghiệp hay tiểu thủ công nghiệp.
Hàng rong Việt Nam có đặc tính: phát sinh từ nền tiểu nông chuyên trồng lúa nước, với những thời gian nông nhàn hay tình trạng thừa lao động ngoài thời vụ. Coi trọng nghề nông nên bán hàng rong chỉ được coi như công việc tạm thời của người khó khăn kinh tế mặc dù có thể nguồn thu nhập từ bán hàng rong chiếm tỷ trọng đáng kể trong ngân sách gia đình.
Cũng do không được coi là công việc chính quy, chính yếu, nên thường do người có địa vị kém hơn trong gia đình thực hiện, như con dâu, con gái. Bán hàng rong do vậy không là một nghề được coi trọng, dù đóng vai trò không nhỏ trong phân phối hàng hoá.
Sự bùng nổ đô thị hoá ở Việt Nam gần đây có nghĩa là một bộ phận rất lớn dân cư đô thị hiện nay là di dân từ các thôn làng. Trong tâm thức của họ ít nhiều còn đọng tình hoài hương, nên họ là khách hàng thường xuyên của những người bán hàng rong đang gợi lại hoặc đem lại cho họ những giá trị vật chất hay tinh thần của văn hoá nông thôn. Ngược lại, nông thôn cũng tiếp nhận, cả tích cực lẫn tiêu cực, ảnh hưởng văn hoá đô thị thông qua người bán hàng rong. Trong khi đất nước đang trải qua những chuyển đổi lớn và liên tục trong nhiều lĩnh vực, nhiều giá trị chưa định hình trong khi nhiều giá trị đã biến mất, mô hình “hiện đại hoá và giữ gìn bản sắc dân tộc” còn mơ hồ, vai trò cầu nối văn hoá nông thôn - thành thị của người bán hàng rong lại không hề được đánh giá hay đặt ra. Họ chỉ bị coi là yếu tố làm mất mỹ quan những đô thị đang học làm sang.
Bản thân những người bán hàng rong Việt Nam thực ra có một hạn chế lớn, xuất phát từ chính nền văn hoá nông nghiệp của chúng ta, nơi con đường tiến thân, làm giàu, chủ yếu thông qua hoạn lộ. Nghề bán hàng rong bị coi là mạt hạng. Những người ở nông thôn (đa số phụ nữ) khi phải đi bán hàng rong thường mang mặc cảm, coi đó là sự suy vi, xuống cấp, chỉ nhẫn nại cam tâm mà làm, mơ ước qua cơn bĩ cực đến thời thái lai được trở về nhàn hạ trong ngôi nhà mình, ít người coi bán hàng rong là một cách khởi nghiệp, nên không đầu tư tâm huyết nghị lực để công việc phát triển. Chắc chắn họ có những khó khăn khách quan, nhưng tâm lý này là một trở ngại lớn.
Tính chất của hàng rong là bán lẻ và cơ động, mục tiêu là bán được cái muốn bán chứ không chỉ bán cái người ta muốn mua. Người bán hàng rong trước tiên là người biết nói năng, biết thuyết phục. Nguyên tắc dầu tiên của bán hàng rong là năng nỗ và kiên trì. Không thể bán hàng rong bằng thái độ: không mua thì thôi, đây cóc cần. Càng không thể òn ĩ lòng thương hại của người mua. Bán mua phải sòng phẳng, có tư cách và uy tín. Muốn thành công trong nghề bán hàng rong phải gan lì, xông xáo. Chính tham vọng vươn lên, muốn thay đổi, muốn tạo lập, khiến họ chuyển động, tìm kiếm và tận dụng cơ hội để bứt phá, vọt tới.
Nỗi cơ cực nghề nào cũng có, dưới những hình thức khác nhau. Mặc cảm “nhà quê, nghèo hèn, bán hàng rong như ăn xin” có thể dìm người ta cả đời trong nghề bán hàng rong. Những người bán hàng rong thành đạt là người cuối cùng bỏ lại gánh hàng rong trên con đường khởi nghiệp, mang theo vốn liếng tích lũy và những kinh nghiệm bán hàng rong đi tiếp tới những khát vọng xa hơn, hoặc mở đường cho con cái họ đi tới những ước mơ lớn hơn.
Lý Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét