“Bộ trưởng ơi,
hãy ở lại với giáo dục!”
Thông tin nói ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ lên làm Phó Thủ tướng đã được bàn luận trên chính tờ báo mạng Edu.net của Bộ Giáo dục suốt từ ngày 11-7-2007. Có vài ý kiến đề nghị: “Bộ trưởng ơi, hãy ở lại với Giáo dục”. Ngày 14-7-2007, tờ báo mạng của bộ, Edu.net, cho biết: “Bạn yên tâm, bộ trưởng (sẽ) trở thành phó thủ tướng nhưng vẫn kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục mới được vừa đúng một năm. Trong một năm đó, có thể nói, ông là nhân vật được chú ý và đích thân tạo ra nhiều sự kiện nhất trong hàng các vị bộ trưởng. Ngay sau khi chức Bộ trưởng của ông Nhân được Quốc hội phê chuẩn, báo Tuổi Trẻ đã cho đăng bức thư của “một người dân” ở Đà Nẵng tên là Quỳnh Anh. Bức thư nêu khá chính xác các căn bệnh của nền giáo dục và bày tỏ sự kỳ vọng vào “tân Bộ trưởng”. Ông Nhân trả lời với cam kết: “10 năm tới, giáo dục Việt Nam sẽ khác”. Có khá nhiều thư sau đó, tuyên bố: “Chúng tôi tin ông”.
“Bệnh thành tích” và “tiêu cực” là hai thứ mà ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố “nói không”. Ông mở đầu chuyến đi cơ sở với tư cách là một bộ trưởng của mình ở Hà Tây và đích thân đến thăm nhà thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người lúc đó rất nổi tiếng vì đã dũng cảm đưa ra nhiều bằng chứng tố cáo nạn gian lận trong thi cử. Vợ thầy Khoa đã khóc vì xúc động; bởi, theo báo chí, lúc đó “do lo sợ trước những lời đe doạ, thầy Khoa đã đưa 2 con đi sơ tán”.
Không chờ tới 10 năm, ông Nguyễn Thiện Nhân đã tạo ra sự khác biệt về mặt “thành tích” cho ngành giáo dục ngay sau khi nhậm chức chưa đầy 1 năm. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2007 đã được ông tổ chức, tuy rất tốn kém, nhưng rõ ràng là nghiêm túc. Kết quả, chỉ có 67,5% học sinh đậu tốt nghiệp phổ thông trong lần thi đầu tiên. Có những địa phương năm trước có tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông 98%, năm nay chỉ đạt 44,57% như Nghệ An; 57,1% như Hà Tây. Có địa phương như Tuyên Quang, năm nay chỉ có 14,3% học sinh phổ thông đậu tốt nghiệp.
Dư luận tin rằng, kết quả thi cử đó phản ánh “đúng thực tế”. Ông Bộ trưởng đã “lượng hoá” được tình trạng xuống cấp của nền giáo dục. Vực dậy một nền giáo dục đã xuống cấp không phải là việc có thể thực hiện một sớm một chiều. Tuy nhiên, bước khởi đầu là hết sức quan trọng. Ông Nhân đã không bắt đầu sự nghiệp “10 năm” của mình bằng việc thay đổi chương trình và phương pháp giảng dạy. Trong khi dạy vẫn như thế, học vẫn như thế, mà thi cử khắt khe hơn thì con số học sinh thi rớt lên tới 417 nghìn cả hai hệ: bổ túc và phổ thông là điều không có gì ngạc nhiên.
Có thể ông Nhân lựa chọn bước đi như vậy là bởi ngay từ đầu ông đã quy lỗi cho phụ huynh. Khi nghe nói có hai cháu học tới lớp 6 mà không biết đọc biết viết, ông Nhân đã ngay lập tức cho rằng: “Trước hết do sự thiếu quan tâm của gia đình, vì lẽ, học đến lớp 5 mà cháu vẫn chưa biết đọc thì gia đình phải đến cự nự với trường chứ”. Ông Nhân cũng “buộc” các bậc phụ huynh phải cùng chịu trách nhiệm về bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Lấy tư cách là một “giáo sư kinh tế học”, ông cho rằng nếu không có “cầu” thì sẽ không có “cung”. Ông viết: Phụ huynh mà không muốn con em mình có điểm cao (hơn thực chất), sẵn sàng bồi dưỡng các thầy cô thì bệnh thành tích đâu có ở quy mô lớn và bền vững như vậy.
Ông Nhân phân tích “kinh tế” theo cách như thế có lẽ vì, ông vốn chỉ được đào tạo về điều khiển tên lửa (ông có bằng tiến sỹ điều khiển học). Ông chỉ học thêm về kinh tế thị trường tại một trường đại học của Tây Đức khi làm tuỳ viên giáo dục ở Đông Đức, 1988-1991, trong thời gian đó, bức tường Berlin sụp đổ. Thật “không ổn cả về khoa học kinh tế lẫn chính trị” khi nói với phụ huynh như vậy. Ngay trên diễn đàn Edu.net, các nhà giáo dục đã gọi cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là “đổ lỗi cho nạn nhân”. Không có vị phụ huynh nào muốn phải “chạy chọt”. Gần nửa triệu học sinh không tốt nghiệp là kết quả của một nền giáo dục không đạt chuẩn “phổ thông”. Không ai phải trả đủ thứ tiền học cho con để thấy con em mình thi trượt.
Trong thư “gửi phụ huynh” Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã gọi đúng tên căn bệnh giáo dục hiện nay: “nền giáo dục học thuộc lòng”. Nhưng, ông lại định “theo kinh nghiệm Singapore” để tin rằng có thể chuyển đổi nền giáo dục ấy bằng phương pháp “then chốt và quan trọng nhất là thay đổi cách ra đề thi”. Muốn thay đổi nền giáo dục “thuộc lòng” ấy phải từ triết lý: giáo dục tạo ra những sản phẩm biết tư duy độc lập, sáng tạo hay tạo ra những sản phẩm giáo dục chỉ biết vâng lời chứ không thể từ các kỳ thi mà được.
Chưa có một nền giáo dục nào mà học sinh phải chịu áp lực từ các kỳ thi như Việt Nam. Hàng triệu gia đình đã phải vất vả đưa con cái vào Nam ra Bắc thi đại học sau các kỳ thi tốt nghiệp, chuyển cấp. Chưa kể sự tốn kém, số phận của học sinh chịu rất nhiều rủi ro, vì các kỳ thi chỉ dồn vào một vài ngày trong năm. Nếu trong ngày thi cử đó, mà các em không may bị ốm, không may lần đầu tiên ra phố lạc đường, là coi như phải chờ đúng một năm sau mới có cơ hội làm lại. Trong khi ở các nền giáo dục tiên tiến, mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã từng được đào tạo, chỉ có những em có ý định học lên đại học mới phải trải qua một kỳ thi. Kỳ thi này được tổ chức thường xuyên, học sinh có thể chọn bất cứ thời điểm nào mà các em cảm thấy thoải mái nhất để thi. Điểm thi sẽ trở thành một trong những căn cứ để các em có thể được chọn vào một trường đại học trung bình hay nổi tiếng.
Chương trình hành động ấn tượng nhất của Bộ trửơng Nguyễn Thiện Nhân trong năm qua là “chống bệnh thành tích”, khoa trương. Nhưng, những hoạt động trong giai đoạn đầu của ông lại rất rầm rộ. Đặc biệt trong lá thư nói về “nỗi đau” của ông trong ngày 20-11, ông chủ yếu liệt kê hàng loạt “thành tích” của chính mình: chủ trì họp cơ quan trong ngày chủ nhật; về Vinh vào buổi tối; hối hả lên Con Cuông trong ngày thứ 7; gặp các nhà giáo lão thành… Và đặc biệt chương trình tham vọng nhất của ông lại là một chương trình được cho là mang nhiều “màu sắc phong trào”, rất “kế hoạch hoá tập trung” và nặng tính hình thức: chương trình đào tạo 20.000 tiến sỹ và 600 trường đại học.
Việt Nam không thiếu một con số tiến sỹ cụ thể nào đó, Việt Nam đang thiếu những vị tiến sỹ có khả năng độc lập nghiên cứu và có thể cống hiến những công trình khoa học. Không chỉ có những học sinh học thuộc lòng, không chỉ có những bài thi phổ thông copy y nguyên văn mẫu, đã từng có cả một vị hiệu trưởng đại học sư phạm bị tố cáo “đạo văn” khi làm tiến sỹ. Muốn tạo ra sự chuyển động thật sự, phải xoá bỏ triệt để bao cấp trong giáo dục đại học, xoá bỏ cơ chế chủ quản. Đại học phải được tự chủ, được chịu trách nhiệm về uy tín thương hiệu của mình. Phải mở cửa thực sự cho các thành phần xã hội tham gia vào lĩnh vực giáo dục.
Muốn làm được điều đó, cần có một ông Bộ trưởng chịu đựng được sự đụng chạm. Nếu các trường có được vai trò tự chủ, xã hội được năng động sáng tạo thì quyền lợi của các quan chức trong bộ sẽ giảm đi. Trong kỳ họp cuối năm ngoái, khi bị Quốc hội chất vấn về chất lượng đào tạo đại học tại chức, ông Nguyễn Thiện Nhân đã phân trần, tại chức đang là “nồi cơm” của các thầy cô. Dư luận hiểu, uy tín và chất lượng của giáo dục đã chưa vượt qua sức ép “nồi cơm” của ngành được. Dư luận càng hiểu hơn vì sao ông Nguyễn Thiện Nhân đã không thể quyết định phá bỏ sự độc quyền một cách vô lý của nhà xuất bản Giáo Dục trong lĩnh vực in ấn sách giáo khoa.
Có thể những gì mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đang phải trải qua cũng rất vất vả. Khi vừa nhậm chức ít ngày, người ta thấy ông xuất hiện một cách mạnh mẽ, như là một chỗ dựa hết sức vững chãi bên cạnh thầy Khoa. Để rồi, về sau, khi biểu tượng “chống tiêu cực” Đỗ Việt Khoa có dấu hiệu bị trù dập, người ta lại thấy ông im lặng. Ông đã từng xuống tận cơ sở trong vụ một ông giáo ở một trường cao đẳng “đổi điểm gạ tình”; đã về tận Vĩnh Long và lên tiếng khi một em học sinh hack vào trang web của Bộ thay hình ông. Nhưng, dạo tháng Tư vừa qua, khi một em học sinh lớp 5 bị nhà trường đưa đi hỏi cung đến mức phải vào bệnh viện tâm thần thì không thấy ông đâu cả.
Ông Nhân là con trai của một trí thức tên tuổi, Giáo sư bác sỹ Nguyễn Thiện Thành. GS Thành tốt nghiệp bác sỹ tại Pháp, ông là người đã tìm ra nhiều giải pháp hữu hiệu để trị liệu vết thương cho bộ đội thời chiến tranh. Ông nguyên là giám đốc bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện chuyên điều trị cho các nhà lãnh đạo cao cấp. Ông Nguyễn Thiện Nhân được đưa đi đào tạo ở Cộng hoà Dân chủ Đức ngay sau khi gia nhập quân đội và tốt nghiệp tiến sỹ điều khiển học. Từ tháng 6 năm 1993 đến tháng 8 năm 1995 ông nhận được học bổng của Chính phủ Mỹ đi học cao học về tài chính công tại đại học Oregon và sau đó tu nghiệp về thẩm định dự án đầu tư tại đại học Harvard.
Thời gian đứng đầu một cơ quan của ông Nguyễn Thiện Nhân thường không đủ dài để mọi người có thể hiểu biết một cách đầy đủ những đóng góp của ông. Chỉ hơn hai năm làm Giám đốc sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường ông đã được đưa lên làm Phó chủ tịch UBND TP HCM. Có thể, chỉ mới một năm làm Bộ trưởng, ông Nguyễn Thiện Nhân chưa kịp thể hiện tư duy chiến lược của mình, như các bậc phụ huynh kỳ vọng, để tác động một cách mạnh mẽ hơn vào nền giáo dục. Nhưng, ông Nhân là một trong không nhiều những nhà lãnh đạo được đào tạo một cách căn bản. Ông có thể sử dụng lưu loát hai ngoại ngữ. Và, dù với cương vị nào ông cũng đã chứng tỏ một cách ấn tượng tính năng động của một cán bộ đã từng làm công tác đoàn.
Huy Đức (blog Ôsin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét