Cuộc đời & sự nghiệp
Năm 1825, Phan Thanh Giản đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), vào năm 30 tuổi. Ông là người đậu Tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ.
Năm 1825, Phan Thanh Giản đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), vào năm 30 tuổi. Ông là người đậu Tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ.
Ông từng giữ chức Lang trung bộ Hình (1827), Tham hiệp Quảng Bình và là giám khảo thi Hương trường Thừa Thiên (1828). Năm 1829 ông Quyền nhiếp Tham hiệp Nghệ An rồi được triệu về kinh giữ chức Phủ doãn Thừa Thiên. Khoảng năm 1831 ông làm Hiệp trấn Quảng Nam và bị giáng (lần thứ nhất) làm Tiền quân hiệu lực vì bị thua trận trong khi được phái đi dẹp loạn Cao Gồng ở Chiên Đàn (phía Bắc tỉnh Quảng Nam).
Tới năm 1832 ông được bổ chức Hàn lâm viện kiểm thảo sung Nội các hành tẩu, Viên ngoại lang bộ Hộ, quyền ấn phủ Thừa Thiên rồi Hồng lô tự khanh và được cử làm phó sứ sang sứ nhà Thanh (1832). Khi trở về, năm 1834 ông được thăng Đại lý tự khanh Cơ mật viện đại thần. Tới năm 1835 ông làm Kinh lược trấn Tây rồi Bố chính Quảng Nam, hộ lý Tuần phủ quan phòng. Năm 1836, do can gián vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá tuần thú Quảng Nam, từ hàm tòng nhị phẩm ông bị giáng (lần thứ 2) xuống chánh lục phẩm, làm một chức quan chuyên lo việc quét dọn bàn ghế trong công đường.
Tới khoảng năm 1836-1837, ông giữ chức Nội các thừa chỉ rồi Tả thị lang bộ Hộ, sung Cơ mật viện đại thần. Ông bị giáng (lần thứ 3) năm 1838 xuống làm Lang trung biện lý hộ vụ, vì sơ ý để thuộc viên bỏ sót, không áp kiềm (ấn, triện) vào một tờ sớ tấu.
Năm 1839, từ Thái Nguyên ông được triệu về triều lãnh chức Thông chánh phó sứ rồi thăng lên Thị lang bộ Hộ, nhưng sau đó lại bị giáng (lần thứ 4) xuống Thông chánh phó sứ vì bị vua Minh Mạng cho là có "tư tưởng bè phái" trong việc ông không ký vào bản án của Cơ mật viện quy Vương Hữu Quang tổng đốc Bình Định tội vô đạo phải trảm thủ vì đã dâng sớ can ngăn vua hay xem hát bội và xin huỷ bỏ bản tuồng Lôi Phong Tháp (mặc dù sau đó, vua Minh Mạng vẫn tha tội cho tổng đốc Vương Hữu Quang và ra lệnh đốt bỏ bản tuồng).
Từ Thông chánh phó sứ ông lại bị giáng (lần thứ 5) một cấp, vì là Phó chủ khảo của trường Thừa Thiên khoa thi năm đó, nhưng đã để lọt bài phú của cử nhân Mai Trúc Tùng (mắc lỗi trùng vận), nhưng sau đó lại được thăng Binh bộ tả thị lang (1840); Tham tri bộ Binh sung Cơ mật viên đại thần và là Chánh chủ khảo trường thi Hà Nội (1841); Hình bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần (1847); Lại bộ thượng thư (1848); Kinh diện giảng quan rồi Kinh lược sứ các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận (1849); Lại bộ thượng thư sung Nam Kỳ Kinh lược phó sứ, lãnh Gia Định tuần vũ, gồm coi các đạo: Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên (1851).
Ông từng được vua Tự Đức ban thưởng một tấm kim khánh trên khắc 4 chữ: "Liêm, Bình, Cần, Cán" (1852); được triệu về Kinh lãnh chức Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Binh bộ thượng thư, sung chức ở tòa kinh diên và viện Cơ mật (8-1853); Chánh tổng tài Quốc sử quán, trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn bộ Khâm định Việt Sử thông giám cương mục (1856-1859); Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Lễ bộ thượng thư, kiêm quản Hộ bộ ấn triện, sung Kinh diên giảng quan, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Quốc Tử Giám sự vụ (1859). Sau khi 3 tỉnh miền Đông bị mất, ông cùng Nguyễn Thông có xây Văn Thánh Miếu và lập Văn Xương Các ở Vĩnh Long để qui tụ các sĩ phu về đấy.
Như vậy trước sau từng giữ các chức vụ quan trọng như thượng thư Bộ Lễ, Bộ Hình, Bộ Hộ, làm Hiệp biện Đại học sĩ, làm quan trải qua 3 đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (từ 1826 đến 1867).
Ông là người tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm, được nhiều người kính phục. Ông cũng từng được cử đi sứ Trung Quốc, Pháp, và nhiều nước khác...
Thương nghị với người Pháp
Khoảng thời gian này, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đổ bộ và tấn công tại cửa biển Đà Nẵng rồi lần lượt đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ông Phan Thanh Giản với vai trò là Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp là Phó sứ được cử đi điều đình với Pháp, sau đó đại diện cho triều đình Tự Đức ký kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn.
Hiệp ước gồm 12 khoản, theo đó, 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn (Côn Đảo) được nhượng cho Pháp (Khoản 3 Hiệp ước); triều đình phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha một khoản bồi thường chiến phí là 4 triệu piastre trong 10 năm, mỗi năm 400.000 đồng (quy ra bạc là 288 nghìn lạng - Khoản 8 Hiệp ước); đổi lại, người Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình Huế, nhưng kèm theo điều kiện là triều đình Huế phải có biện pháp chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp ở các tỉnh (Khoản 11 Hiệp ước). Do hành động này mà dân gian có câu truyền "Phan Lâm mãi quốc, triều đình khi dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình coi thường dân chúng).
Việc chuộc 3 tỉnh không thành, Phan Thanh Giản bị cách lưu làm Tổng đốc Vĩnh Long và được cử làm Chánh sứ ông lại được cử làm Chánh sứ (Phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản) sang nước Pháp để điều đình một lần nữa về việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông (1863) nhưng không có kết quả. Được phục chức Hiệp biện đại học sĩ, Hộ bộ thượng thư, sung Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây là: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và được tha tội cách lưu (1865).
Ngày 20 đến 24 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (vốn đã được trao trả triều đình Huế ngày 25 tháng 5 năm 1863) rồi An Giang và Hà Tiên. Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Sau khi thành mất ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, hưởng thọ 72 tuổi.
Khi sang Âu Châu thương nghị với phía Pháp, tận mắt chứng kiến sự hùng mạnh của người Tây, ông đã viết bài Tự thán
Từ ngày đi sứ tới Tây kinh,
Thấy việc Âu châu phải giật mình.
Kêu gọi đồng bang mau kịp bước,
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin…
Nhận định về Phan Thanh Giản
Phan Thanh Giản được người đời kính trọng vì tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm, không ai không kính phục. Trong cơn nước biến, thái độ ôn hòa của ông đã khiến một số người không đồng tình. Lấy lý do này, vua Tự Đức đã kết tội ông làm mất vùng đất Nam Kỳ, án trảm giam hậu và cho đục bỏ tên ông ở bia Tiến sĩ (tháng 11 năm 1868). Tuy nhiên, có nhiều trí thức đương thời tỏ lòng chia sẻ những nỗi niềm của ông. Nguyễn Thông đã từng dâng sớ lên vua Tự Đức để giãi bày nỗi oan cho ông. Năm 1886 ông được vua Đồng Khánh khai phục nguyên hàm Hiệp tá đại học sĩ và cho khắc lại tên ông ở bia Tiến sĩ.
Khi sắp mất, Phan Thanh Giản có dặn con cháu, không được cộng tác với giặc Pháp và tự tay viết mấy dòng chữ trao cho người nhà: "Minh tinh thỉnh tỉnh, nhược vô, ưng thư: Hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu" (Tấm triệu (ghi chức tước của người chết đi theo sau quan tài) nên bỏ, nếu không thì chỉ cần ghi: linh cữu người học trò già họ Phan ở nơi góc biển).
Nhà thơ đương thời Nguyễn Đình Chiểu tỏ thái độ thương tiếc và trân trọng đối với ông Phan Thanh Giản qua bài thơ điếu:
Minh tinh chín chữ lòng son tạc Trời đất từ rày mặc gió thu.
Trong bài "Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong", ông Đồ Chiểu một lần nữa nêu cao Trương Định và Phan Thanh Giản:
Phải trời cho mượn cán quyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh
Ý người đặng xem tấm bản phong trần, Phan học sĩ hết lòng cứu nước.
Hai con trai của ông, Phan Tôn (1837-1893, tự Quý Tướng), Phan Liêm (1833-1896 tức Phan Thanh Liêm), nổi lên chống Pháp tại tỉnh Vĩnh Long, lập thành nhóm Cần Vương từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1867; khi bị dẹp hai ông bỏ trốn ra Bình Thuận. Người ta lại gặp hai ông bên cạnh Nguyễn Tri Phương ở Hà Nội, rồi bị bắt làm tù binh ngày 20 tháng 11 năm 1873, sau hòa ước Giáp Tuất hai ông được trao trả cho triều đình Huế, rồi được triều đình trọng dụng.
Cây Da Cửa Hữu cùng một miếu thờ, di tích duy nhất còn lại của thành Vĩnh Long xưa
Trước đây, có những ý kiến, những đánh giá khác nhau về Phan Thanh Giản, cho tới những ngày đầu năm 2008, Viện Sử học Việt Nam đã thống nhất kết luận rằng ông nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc, nên đề nghị tôn vinh ông, cho khôi phục, tôn tạo những di tích và những gì gắn liền với ông (và đã được giới có thẩm quyền chấp thuận)... Vào năm học 2008-2009, trường THPT Ba Tri ở tỉnh Bến Tre sẽ được đổi thành THPT Phan Thanh Giản và tượng ông sẽ được dựng lại.
Đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre.
Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần.
Tác phẩm
Phan Thanh Giản còn là một nhà văn lớn với nhiều tác phẩm giá trị như:
Lương Khê thi thảo
Lương Khê văn thảo
Sứ Thanh thi tập
Tây phù nhật kí
Ước Phu thi tập
Tích Ung canh ca hội tập
Sứ trình thi tập
Việt sử thông giám cương mục (Chủ biên)
Minh Mạng chính yếu (Chủ biên).
Ngoài ra, ông còn là vị Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, trông nom biên soạn nhiều bộ sử quan trọng của Việt Nam như Đại Nam Thực lục.
(Nguồn: Wikipedia)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét