19 thg 1, 2009

Nguyễn Ngọc Thuần viết... Chuyện tào lao! (2)

Nguyễn Ngọc Thuần
viết... chuyện tào lao!

Nhịn đói 19 ngày để đi tìm một cục xà bông. Có thể bạn chưa bao giờ dám làm chuyện “gớm” này nhưng có thể là bạn đã từng có loại suy nghĩ gớm ghiếc như vậy. Cả một đời mà. Hết nửa đời là những suy nghĩ khùng điên ba trợn rồi.
Trần truồng nữa. Nhịn đói và trần truồng đến ngày thứ 15 thì bạn nghĩ gì? Có thể bạn bắt đầu “hiểu hơn tại sao con người phải mặc quần áo” và “nhìn bộ quần áo treo trên tường như nhìn thấy cái xác của mình. Còn cơ thể trần truồng lại là một bộ quần áo mới”. Hỗn loạn vậy đó mới thực sự là người haha.
Nói chung, bao chuyện tào lao có xung quanh bạn thì cũng có gần hết trong quyển sách này, từ cái ống nhòm cho đến con chí. Mở mắt ra là đã va vào những chuyện tào lao, như khi đói thì không tìm thấy cửa hàng thức ăn. Y như rằng gặp nhà sách, gặp văn học, gặp cứt mèo, còn nếu như đi nhà sách thì lại gặp quạt bàn, nồi cơm điện, màn hình LCD…”
Và một cuộc chiến đấu kinh dị đổ máu của tên biến thái và người chồng thơm mùi xà bông nhưng không thơm mùi chồng.
Bạn sống thở và biến thái ngay trong những chuyện tào lao đó. Chúng giằng qua xé lại. Không phải chỉ nửa đời mà hết một đời.
Đọc quyển sách này để khùng và biến thái chơi. Dở quá thì mình... chửi. Không dở thì mình nghĩ về cái gì đó ít tào lao một chút. Vậy đi nha!

TRÍCH ĐĂNG CỦA BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ:
CÁI CHẾT CỦA CON MÈO

1. Chồng chị hay ngủ trên ghế sô pha phòng khách.
Anh nằm ở đó xem ti vi, hút thuốc, và ngủ. Anh ngáy rất to. Mọi thứ trong anh ban ngày đẹp đẽ, ban đêm xấu xí. Chị không ngủ được trong tiếng ngáy của chồng. Ban ngày anh thanh tao dịu dàng bao nhiêu, ăn khẽ, nói khẽ, cơ thể anh thơm mùi ngăn nắp thì ban đêm anh tiết lộ nhiều tật xấu bấy nhiêu. Anh gác chân lên cổ chị. Đạp vào mặt chị. Có lúc anh chửi thề. Đ.M mày.
Ở với nhau được một thời gian chị phát hiện anh không có mùi gì ngoài mùi nước hoa, mùi xà phòng cạo râu, mùi quần áo, rất nhiều mùi khác nhưng riêng anh lại không có mùi. Cơ thể anh như bông gòn, trắng tinh, sạch sẽ, nảy nở, vô trùng. Nên nằm gần anh, chị thấy như mình đang nằm gần cục xà bông, gần chai nước hoa, gần vẹc ni.
Cơ thể anh không mùi vị, lúc đẻ ra anh không có mùi sơ sinh, lớn lên không có mùi dậy thì, và lúc trở thành người chồng, anh không có mùi gia đình.
Chị ngửi cơ thể anh. Chị liếm da anh, chỗ bả vai, về phía bên chị. Da anh cũng không vị ngoài vị xà phòng, vị thuốc lăn nách, vị thuỷ tinh.
Thế là chị bất lực.
Buổi tối anh ngủ trên sô pha sau khi xem ti vi. Chị ngồi trong lòng anh, mất mùi, cho đến lúc anh không hay biết gì thì đứng dậy về giường nằm. Khoảng ba giờ đêm anh sẽ tỉnh dậy. Anh đi vào giường với chị. Lúc đó chị đã ngủ. Vì không mùi, nên chị cũng không có cảm giác anh đi vào giường nằm kế bên chị.
Một đêm đi qua, như thể chị ngủ một mình. Chồng vẫn nằm trên sô pha.
Từ ngày lấy nhau, chị vẫn ngủ một mình. Cảm giác mách bảo chị ngủ một mình. Chị cô đơn.
2. Phải chăng truyền hình đã cứu vãn các mối quan hệ
Buổi tối, nếu không xem truyền hình chồng chị không biết nói gì với chị. Anh bật tất cả các kênh lên. Lướt qua nó. Anh vừa xem tin tức vừa xem ca nhạc vừa xem hoa hậu, sau hoa hậu là đến hoa liễu với bác sĩ tư vấn, rồi đến chương trình Đến nhà của ca sĩ...
Trong lúc chồng xem ti vi, chị ráng chui vào vòng tay anh, một kiểu nối dài thói quen từ những ngày mới yêu. Chị nửa ngồi nửa nằm trên đùi anh. Dựa lưng vào bộ ngực đồ sộ bệnh hoạn của anh. Chị không xem truyền hình nhưng vẫn cứ nhìn truyền hình. Chị nhìn để đoán xem chồng mình sẽ chuẩn bị đổi sang kênh nào. Chị đoán trước thói quen của anh.
Thỉnh thoảng chị nhìn gương mặt anh. Tưởng tượng gương mặt đó ở những thời điểm trước. Xem anh thay đổi như thế nào. Cái gì thay đổi nhất. Mắt mũi miệng lỗ tai hay ngón tay. Sau cùng kết luận chỉ có cơ thể anh là thay đổi nhiều nhất. Gương mặt anh không thay đổi gì nhiều. Chỉ có tính tình anh thay đổi. Còn bản chất nóng nảy của anh vẫn như cũ. Tóm lại, anh vẫn là anh của những ngày trước. Cộng thêm một liều lượng bệnh hoạn nào đó là chân dung hiện tại của anh.
Nằm trong lòng anh vì chị biết không làm thế sẽ không còn cơ hội nằm trong lòng anh nữa. Chị muốn giữ thói quen này. Thời gian, con người già đi, những gì lãng mạn nhất sẽ bị cắt cụt, một khi bị cắt cụt rồi nó sẽ không mọc ra nữa. Cách chị nằm trên lòng anh là cách co kéo nó, không cho nó cơ hội để chấm dứt.
Có bao nhiêu người chúi mũi vào truyền hình mỗi buổi tối?
Có bao nhiêu người thay vì chúi mũi vào truyền hình thì họ chúi mũi vào nhau?
Truyền hình đã thật sự chêm xen vào cuộc sống của chị.
Chị còn nhớ có lần cái điều khiển từ xa bị con mèo gặm nát. Buổi tối, lúc chị chui vào lòng anh thì cũng là lúc anh phát hiện ra cái điều khiển từ xa không còn sử dụng được nữa. Anh đã nổi điên lên đá con mèo. Anh lấy chân đạp vào mặt nó. Phút chốc anh không còn là anh nữa. Anh trở thành con thú hung hãn mất mồi.
Cái cách anh đạp con mèo làm chị phân vân. Có thật là ti vi đã xen vào buổi tối của anh đến mức đó? Tác động đến mức đó? Bao vẻ dịu dàng của anh đâu rồi, chúng mất đi chỉ vì anh không xem được ti vi sao? Anh không thể ngồi một chỗ chuyển liên tục giữa các kênh sao? Anh không thể vừa xem hoa khôi vừa xem bóng đá vừa xem cầu truyền hình với cái điều khiển từ xa vô dụng?
Thái độ của anh trước con mèo khiến chị tưởng tượng một ngày nào đó nếu không còn ti vi, anh sẽ làm gì? Anh sẽ nổi cáu lên hay là anh sẽ chuyển sang âu yếm chị, hay là anh sẽ đối xử thô bạo với chị như với con mèo vô hình?
Trên thế gian này có bao nhiêu người ngủ gục trước cái ti vi hàng đêm? Chị nhớ có lần trên báo người ta đưa tin về một ông già ngồi chết khô trước cái ti vi. Xung quanh ông thức ăn vương vãi. Lạ một điều là không ai biết ông ta chết cả. Ti vi vẫn cứ tiếp tục mở, nó tiếp tục cái thói quen hàng ngày của chủ nhân nó. Nó liên tục liên tục đem vào nhà người ta thông tin, ngay cả khi người ta đã chết. Thế giới của thông tin, mọi thứ trên trời dưới biển thượng vàng hạ cám đều biến thành thông tin. Những con người ngồi trước ti vi ngốn nó. Như kẻ béo phì nghiện thức ăn, họ ăn không bao giờ đủ những giá vàng, hoa hậu, thời trang, tạp kỹ, chính trị, văn hoá, nghiên cứu trồng lúa, bón phân, tự sát... Thông tin đã trở thành món lẩu bệnh hoạn cho những cái đầu mệt mỏi chồng chéo muốn lãng quên những câu chuyện đời thường trong ngày.
Sau lần bị đạp vào mặt, phải mất cả tuần sau con mèo mới trở lại sinh hoạt bình thường.
Không biết có phải vì thế mà con mèo chuyển sang ngủ với chị?
3. Chị băng qua bóng tối cùng những con mèo hứng tình mùa động đực, thoắt ẩn hiện, kêu thảng thốt. Đôi mắt chúng trong suốt thuỷ tinh. Chớp tắt, trong màu tối
Hứng tình đã biến đổi những con mèo.
Chị cũng có nuôi một con mèo. Khi chị ngủ, nó trườn vào lòng chị. Cọ những cái lông vào mặt chị. Ấm rực. Chị ghê sợ cảm giác mềm nhịu đĩ thoả của nó. Nó cứ gây cảm giác trong chị như thể chị vừa làm tình với con mèo trong lúc ngủ, vô thức, chập chờn. Như thể chị là cái thứ quái vật vậy. Chị đã ngoại tình với một con mèo. Chị ghê sợ cái cảm giác đó.
Thường nửa đêm tỉnh dậy, phát hiện ra nó, dựa vào nách chị, chị đạp nó ra khỏi giường. Nhưng nhanh chóng, nó lại trườn vào lòng chị, biến thành đàn bà đĩ khi chị ngủ lại.
Nó chạm những cái lông mềm vào cơ thể chị. Nó gieo vào vô thức chị, chị đang làm tình với mèo. Trước đó chị làm tình với chồng trên sô pha. Sau đó thừa lúc chồng ngủ, chị làm tình với mèo.
Bỏ con mèo vào giỏ xách, trước đó cho nó uống một ít thuốc ngủ, chị vứt nó giữa cánh đồng ngoại ô. Trong nắng chiều, chị lặng lẽ ra về, để lại ít thức ăn, một cái áo làm tổ.
Chị đổ vẻ đĩ thoả xuống cánh đồng.
Hoá ra chị không thể đổ vẻ đĩ thoả xuống cánh đồng, trên bờ sông, trên những phố lạ. Vào nửa đêm, cái vẻ đĩ thoả đó lại trườn vào nách chị. Không hiểu sao, một con mèo bị đánh thuốc mê, bị bỏ ở một nơi xa lạ vẫn có thể tìm về nhà khi tỉnh dậy. Trong giấc ngủ, chị cảm giác thấy, vì mùi hương cơ thể của chị đã dẫn dụ con mèo về. Nó trở về được là vì lần theo mùi hương của bạn tình nó.
Chị là bạn tình của nó.
Chị nói với chồng cần phải bỏ con mèo. Chị hết yêu nó rồi.
Hai hôm sau, con mèo không về nữa. Chồng chị mang nó đi. Anh không đánh thuốc mê nó, cũng không phải đem nó đi nhiều lần như chị. Anh chỉ đem nó đi đúng có một lần.
Anh đập đầu nó, vứt xuống sông.
Chết là hết, không có cơ hội quay về đánh đĩ.
4. Một đêm nọ, chị đánh thuốc mê mình
Không ngủ được. Chị đánh thuốc mê bằng một vốc lớn. Có lẽ chị bị suy nhược thần kinh. Người ta nói, cuộc sống và suy nhược thần kinh là một.
Vì thức sáng đêm, không biết làm gì, chị được (hay bị) mục kích vẻ xấu xí của chồng trên ghế sô pha. Chị thấy hình như là, cứ quan sát kỹ, vẻ xấu xí của anh ta càng tăng lên. Mà trước đây, lúc cơn mất ngủ chưa hoành hành chị không hề hay biết.
Chị phát hiện ra tư thế nằm của chồng không đẹp. Càng về sáng càng xấu. Đến khoảng bốn giờ sáng thì xấu kinh khủng. Tiếng ngáy càng về sáng càng lớn, càng hụt hơi. Trong đêm, chồng chị đã thở quá nhiều, những hụt hơi buổi sáng là kết quả quá trình phân bố hơi thở kém. Mũi anh ta phồng lên. Đến gần sáng, lông mũi thò ra. Anh ta hắc xì văng nước mũi vào mặt chị. Cách anh nằm hớ hênh, lòi cả bộ phận sinh dục ra ngoài.
Không hiểu sao anh ta xấu xí đến vậy. Chị không tìm được lý do để bào chữa.
Chị chuốc thuốc mê cho mình. Không muốn nhìn thấy chồng, chị chỉ còn cách đó. Ngủ cũng là cách nuôi dưỡng, là cách để còn yêu, bớt ghê sợ chồng đi.
Nếu vẫn thức thì chị e rằng, không thể yêu chồng nhiều hơn. Những gì xấu xí tích tụ quanh anh. Chị sợ mình khó lòng quên, khó lòng có thể ân ái khi mà nỗi ghê sợ cứ bị chất đầy.
Con mèo quái quỷ đã uống hết thuốc mê của chị.
5. Âm nhạc là lạc thú
Những lúc không ngủ được chị nghe nhạc. Nằm trên giường, thò tay lên chồng đĩa, chọn hú hoạ một cái đĩa đơn. Chị thích cảm giác ngón tay tiếp xúc cái nút trên máy cassette, lướt từng nút một và đoán xem nó là nút gì.
Những cái nút giống như đàn ông vậy, bằng rất nhiều cảm giác, chị chọn lấy một. Chị nhấn sâu cuộc đời chị vào người đàn ông ấy với ít nhiều cảm giác hơn là thị giác, chị – đàn bà – không có nhiều lắm khả năng nhìn. Chức năng nhìn của đàn bà trong chị luôn giới hạn trong cảm xúc. Chị tin người đàn bà chọn lựa đời mình bằng cảm xúc nhưng lại cho rằng thấy bằng giác quan. Họ chối bỏ việc họ chỉ cảm mà không hề thấy.
Chị có nhiều đĩa nhạc, có đĩa xưa đến mức không còn nghe được nữa. Tấm bìa đĩa phô ra những con chữ tàn phai mô tả nội dung, thay cho âm thanh. Những cái đĩa đó khiến chị nhớ nhiều, trỗi lên trong chị giai điệu nhiều hơn bất kỳ đĩa nhạc được bỏ vào một chiếc máy cassette nào. Chị nghe bằng tiếng vọng của nó, trong tâm hồn mình.
Chồng đĩa ngày chị lấy chồng, bây giờ nghe không được cái nào nữa, tắt tiếng, ngưng tụ, giống như cuộc hôn nhân vậy, những âm thanh vang vọng chỉ còn trong nỗi nhớ xa xưa, không còn thích hợp với bất kỳ cái máy nào của hiện tại, không gian nào. Chị không có khả năng làm cho nó chạy, chị không thể trả nó về như cũ, ban đầu.
Lướt nhẹ trên những cái nút, chị tìm nút play. Cuộc đời chị cũng giống như những cái nút trên máy cassette, chơi, dừng, tạm dừng, xoá, ghi. Cuộc đời chị cũng giống như những cuốn băng cassette bị vứt dưới góc bàn, chỗ thì ca vang lên, chỗ thì im bặt, chỗ nhão nhớt, co dãn, rách, chắp nối.
Trong những đêm mất ngủ chị thường với trúng cái đĩa câm. Có lẽ chị cần phải bỏ chút thời gian sắp xếp lại chồng đĩa, lọc ra những cái không thể hát được, cất riêng, chọn lấy những cái hát được, những cái chị thích.
Sau ba lần bật tắt, âm nhạc cũng đã vang lên.
Mùa tàn phai qua giọng hát của K.
“Chẳng có cái gì, đúng vậy, chẳng có cái gì nhiều hơn tên người...”
Chị tên gì thì rồi cũng sẽ đến mùa tàn phai...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét