13 thg 1, 2009

Van mang hay... vang mang?!

Văn mạng hay...
văng mạng?!
SGGP:: Cập nhật ngày 01/05/2007 lúc 15:25'(GMT+7)


Sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng viễn thông đã tác động đến mọi ngõ ngách đời sống con người. Văn chương cũng không ngoại lệ. Gần đây, thông qua các website và blog, văn chương mạng ngày càng trở nên phổ biến. Tại bàn tròn văn chương kỳ VII (*), đề tài thú vị này đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi mà ngay các thành viên ban tổ chức cũng khó ngờ.

Văn chương trên mạng

Nhà thơ Vũ Trọng Quang mở đầu phần đề dẫn với câu hỏi: “Yếu tính của truyền thông là tốc độ, còn văn chương VN nói chung là chậm chạp, vậy nó sẽ tự thân vận động và chuyển mình ra sao cho phù hợp, theo kịp sự biến thiên từng thời khắc của công nghệ thông tin?”.
Tiếp theo là yêu cầu được định nghĩa của rất nhiều khán giả: “Văn chương mạng là văn chương được sáng tác ngay trên mạng hay văn chương trên giấy rồi đem post lên mạng?”. Nhiều câu trả lời của những người phụ trách chương trình được đưa ra nhưng hầu như không thỏa mãn, bên cạnh đó là nhiều nhận định lạc quan lẫn bi quan: “Các vị cứ nói cho sang chứ VN làm gì có văn chương mạng?” (Lê Thiếu Nhơn - nhà thơ); “Website của chúng tôi đã và đang đăng tải rất nhiều tác phẩm văn chương được viết theo cả 2 cách: trên mạng và... dưới mạng” (ông Nguyễn Hòa, phụ trách trang web vannghesongcuulong.org); “Không thể chối cãi, số lượng người sáng tác và đọc trên mạng rất lớn, vượt trội so với văn chương giấy” (Inrasara - nhà thơ); “Tại Nhật Bản, Trung Quốc… và gần đây là VN, không ít người đã dò thị hiếu của giới trẻ thông qua văn chương mạng, từ đó họ không chỉ làm sách mà còn làm phim và rất nhiều lĩnh vực khác” (Lam Điền - phóng viên)...
Văn chương mạng sẽ thay thế văn chương giấy?
Nhiều phản ứng khác cho rằng văn chương mạng được viết, được biên tập một cách dễ dãi nên đầy rác, và sau cùng là ý kiến dung hòa: văn chương mạng và văn chương giấy sẽ “song song tồn tại, bổ khuyết cho nhau” (Trần Hữu Dũng - nhà thơ).
Nhà thơ Inrasara, người chủ trì bàn tròn đã nêu ra một số ưu thế của văn chương mạng như “Website chứa đủ: tiểu sử, ảnh, địa chỉ, các tác phẩm, dư luận về chúng… Nghĩa là đủ chuyện trên đời về tác giả đó. Ta cứ vào Google hay Yahoo,… mà gõ từ khóa”.
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Trung Bình lo lắng: “Chính việc chọn đăng một cách dễ dãi (do không hạn chế đất, do rất ít trang web nào trả nhuận bút - PV) và thường không biên tập nên các website văn chương có phần… hổ lốn, không ít tác phẩm phi văn chương, nhiều người viết tự ảo tưởng về mình”. Và Inrasara giải tỏa: “Báo mạng còn non trẻ nên cần tranh thủ thị phần sáng tác và tác giả mới. Chính tác giả phải tự duyệt chất lượng sáng tác của mình trước khi gửi. Vấn đề còn lại là ý thức và trình độ thẩm mỹ của người đọc, để phân biệt đâu là văn chương đích thực, đâu là trò chữ nghĩa nhếch nhác, bệnh hoạn...”

Văn mạng hay… văng mạng?
Từ Bellingham, Mỹ, nhà văn Lý Lan cũng post bài tham gia bằng những phản biện thú vị: Nghiệm từ bản thân mình thì quá trình sáng tác một bài thơ hay một truyện ngắn trên máy tính và trên giấy không khác lắm, còn chất lượng thành phẩm thì có cái hay hơn, có cái dở hơn, có lẽ là do sự trồi sụt của cảm hứng chứ máy tính hay cây viết không đóng vai trò quan trọng (…).
Về tính tương tác cao của văn chương mạng như nhà thơ Hồ Thi Ca đã đề cập, “hiển thị dưới hình thức các trang viết cộng đồng, tiểu thuyết tập thể… Ở đó, các tác giả cùng tham gia viết tác phẩm mà không hề quen biết nhau!” – Lý Lan phản biện: “Để làm gì chứ? Có tác phẩm nào sáng tác kiểu này được đánh giá cao chưa? (…). Yếu tố tối cần thiết cho sáng tạo văn học là sự độc lập suy nghĩ. Tương tác cần cho giao tế xã hội và chuyện khác chứ không phải trong sáng tạo văn chương”. Về “Điểm khác biệt cơ bản nhất của văn học mạng là tính phổ biến rộng rãi” (Hồ Thi Ca) thì theo Lý Lan: “Thực tế không phải vậy. Mình đố ai thử đưa ra được một ví dụ “văn học mạng” nào có số phát hành hay “lượng độc giả truy cập” lên đến hàng trăm triệu như sách in trên giấy, như Harry Potter chẳng hạn. Stephen King cũng là tác giả bán được hàng trăm triệu cuốn sách in trên giấy, khi đang ở đỉnh cao, ông đã thử bán tác phẩm trên mạng nhưng chỉ thử một phen “cho biết” rồi ông lại đưa tác phẩm cho NXB in ra và họ lại bán sách ông chạy như tôm tươi”.
Về ý kiến cho rằng “Một bài thơ, truyện ngắn được post lên website cá nhân, lập tức cả thế giới đều đọc được” (Hồ Thi Ca), nhà văn Lý Lan đã “cãi”: “Mình có thể chỉ ra vô số bài thơ, truyện ngắn bằng thứ tiếng phổ biến nhất hành tinh là tiếng Anh, khi post lên mạng, dẫu đếm tới đếm lui thì cũng chỉ có tác giả tự đọc mà thôi”.
Và chị kết luận: “Nói vậy, nhưng trong hoàn cảnh xứ mình hiện nay, Internet là một phương tiện cần tận dụng để mở ra những lối thoát cần thiết, miễn là đừng ảo tưởng về những huyền thoại của thế giới ảo. Mình không phân biệt văn chương mạng hay không mạng nhưng mình ủng hộ cái vụ bàn tròn về cái gọi là văn chương mạng. Dù sao thì mình viết cái này ở cách xa Sài Gòn vạn dặm, nếu không có “mạng” thì mình đâu có nói chen vô được cái bàn tròn, bàn méo văn chương này!”.


SongPhạm

(*) Do Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn TPHCM & Ban Văn học trẻ thực hiện, diễn ra tại trụ sở Hội VHNT TPHCM, 81 Trần Quốc Thảo, Q3, TPHCM ngày 21-4-2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét