13 thg 1, 2009

Mui Sai Gon

Mùi Sài Gòn
SGGP:: Cập nhật ngày 20/08/2007 lúc 22:26'(GMT+7)

Một bà bạn vong niên người Canada hỏi tôi: “Đất nước bạn có mùi gì, thành phố nơi bạn đang sống có mùi gì?” và tự hào khoe “Thành phố tôi (Vancouver) có mùi hoa tu-líp” - vì nhà bà gần một cánh đồng trồng toàn hoa tu-líp. Theo đó, Bulgaria chắc chắn thơm ngát mùi hoa hồng; Nhật Bản sực nức hoa đào mỗi độ hoa tưng bừng nở; Pháp hẳn có mùi rượu vang; Đức có mùi... xúc xích; còn Ý chắc hẳn có mùi spagetti... Người Hà Nội thì tự hào với “mùi hoa sữa nồng nàn”, còn Sài Gòn thật sự có mùi gì? Tôi đã ngẫm ngợi lung lắm mà vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Hay tôi thực sự không biết nơi tôi đang sống có “mùi mẽ” gì?
Buổi sáng, người Sài Gòn tất bật đến cơ quan, ngang quán cơm tấm với những cái bếp nướng sườn khói mù mịt cả một đoạn đường, lúc ấy, người Sài Gòn “thơm lừng” như những dẻ sườn nướng. Chiều về, ngang mấy xe bán khoai lùi, bắp nướng, người Sài Gòn lập tức nhuốm mùi của các món ăn “thương nhớ đồng quê” này.
Tối dong xe bát phố, ngang mấy chỗ bán gà nướng, tóc tai, quần áo người Sài Gòn quyện mùi gà thôi thì nướng lu, nướng mọi, nướng muối sả, muối ớt… đủ cả. Ngang các quán hải sản, người Sài Gòn bốc mùi tôm, cua cùng mực một nắng nướng và mùi… nhậu. Vô rạp xem phim, người Sài Gòn ngan ngát mùi bắp rang.
Đến quán cà phê hay karaoke, người Sài Gòn nồng nàn mùi khói thuốc bện vào tóc tai, quần áo. Cả ngày chạy ngoài đường, người Sài Gòn nào cũng toàn mùi khói xe, mùi xăng, cùng với mùi nắng, mùi bụi, quyện với mùi từ các xe lấy rác chạy rông khắp các ngả đường; ấy là chưa kể các lề đường, góc phố, ngõ hẻm nào gần như cũng có một mùi đặc biệt kinh dị: mùi các chất thải của chó và người.

Ngang các công viên bây giờ không còn mùi lá mục hay mùi cỏ non của chục năm về trước vì người ta dần đốn hạ hoặc tỉa trụi, xà xẻo bớt cây xanh và tráng nhựa hầu hết các lối đi, hiếm hoi chỗ cho cỏ mọc. Vào đây tập thể dục hoặc thư giãn, những tưởng sẽ tránh được chút đỉnh mùi của thực tại gấp gáp, mùi phố, mùi phường, thế nhưng, mùi son phấn, mùi nước hoa bình dân quyện với mùi mồ hôi, tạo nên một mùi rất đỗi đặc trưng hành hạ những chiếc mũi nhạy cảm, đó là khi bạn đi gần nhóm của các bà, các cô; còn nếu bạn đi sau nhóm đàn ông thì vẫn cứ nồng nàn mùi nicôtin bởi các ông vẫn vừa đi bộ, vừa trò chuyện vừa phì phèo thuốc lá như ở quán karaoke, quán cà phê hay ở nhà mình.Vậy nên hễ có chút thời gian rảnh rỗi, người Sài Gòn lại tót về quê, số khác không quê hoặc quê quá xa thì phóng tuốt ra ngoại thành, tìm một chỗ chưa bị quy hoạch, giải tỏa, trải áo mưa ngồi thả diều, hóng gió, mong tìm lại chút hương đồng cỏ nội cho bớt stress, sẵn tiện thanh lọc buồng phổi được chút nào hay chút ấy.
Hít thở chán chê, lại quày quả trở về để kịp chuẩn bị cho buổi đi làm sáng hôm sau. Vừa vào đến cửa ngõ thành phố, chạm vào “mùi của Sài Gòn” đã thấy nôn nao. Mùi của tất bật, lo toan, mùi của kẹt xe, khói bụi… nhưng sao mà thân thuộc đến thế!
Thằng cháu tôi học mẫu giáo nói với mẹ nó trong một chuyến đi chơi: “Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết có mùi giống Vũng Tàu mẹ ạ. Đà Lạt lại có một mùi khác nữa”. “Thế mùi của Sài Gòn?” - tôi hỏi, và nó trả lời ngay: “Mùi của mẹ!” (là mùi của… mẹ nó).
Bạn tôi rong ruổi lang thang, chu du gần như khắp năm châu bốn bể, về nghỉ hè, vừa bước xuống sân bay đã hét toáng: “Sài Gòn! Mùi Sài Gòn đây rồi!”.
Nhóm bạn tôi thống nhất ý kiến cho rằng Sài Gòn có rất nhiều mùi và gần như không diễn tả nổi. Vậy nên tôi viết bài này gửi cho bà bạn Canada, mong khi đọc xong, bà có thể tự hình dung được cái mùi rất đặc trưng của xứ sở tôi: “Không thể diễn tả” và có lẽ cũng chính vì vậy mà không thể nhầm lẫn, không thể nào quên, giống như mùi của mẹ vậy…

songphạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét