Ghi nợ lên bằng!
“Sáng kiến” ghi các khoản nợ sinh viên lên bằng tốt nghiệp đã khiến cho dư luận sửng sốt. Có thể nhiều người không ngạc nhiên khi nó được “kết luận” bởi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Nhưng vấn đề không phải là cá nhân ông Nhân. Có lẽ, “cảm giác bị xúc phạm” sẽ không xuất hiện nếu đề nghị ấy chỉ được đưa ra bởi các quan chức ngân hàng, thay vì một người đứng đầu ngành giáo dục.
“Ghi nợ lên bằng tốt nghiệp” chỉ là một chi tiết kỹ thuật, sở dĩ nó tạo ra sự bất bình, theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Điện, chủ yếu vì “tác giả” của “sáng kiến” đó “chưa thấm nhuần văn hóa pháp luật”. Tín dụng cho sinh viên nghèo là một chương trình quan trọng. Việc điều chỉnh nó, không chỉ là tìm chỗ ghi nợ cho các sinh viên, không chỉ đòi hỏi người soạn thảo phải “có văn hóa”, mà còn phải làm rõ yếu tố chính sách dựa trên những phân tích khoa học thì mới mong phát huy tác dụng.
Cho sinh viên vay tiền đi học không phải là một hoạt động kinh doanh tín dụng mà là một đầu tư cho giáo dục. Vì thế, các ngân hàng không thể đơn phương thực hiện mà phải bắt đầu từ nhà nước bằng một chính sách được cẩn trọng đo lường.
Lâu nay, ngân sách của nhà nước chủ yếu được rót cho các địa phương, cho các sở, trường. Năm 2007, trong số 66.700 tỷ đồng chi cho Giáo dục, có tới 55.240 tỷ dùng để “chi thường xuyên”. Dành một phần ngân sách thích đáng để đầu tư trực tiếp cho sinh viên, học sinh thông qua các quỹ như: trợ giúp không hoàn lại cho các sinh viên khó khăn đặc biệt; quỹ cho sinh viên vay để đóng học phí; quỹ cho cha mẹ vay để lo tiền ăn học cho con… là một công cụ không thể thiếu nếu muốn tạo ra chút ít cơ hội cho những người nghèo.
Quỹ Tín dụng Đào tạo, chỉ trong vòng 2 tháng đã cho tới 500 nghìn sinh viên, học sinh vay với số tiền 2.188 tỷ đồng, cho thấy, vay tiền đi học là một nhu cầu có thật. Tuy nhiên, có lẽ vì việc cho sinh viên vay chưa được thiết kế như là một chính sách giáo dục, đầu từ trực tiếp cho người học, cho nên nó đang được “phân phối” chỉ thông qua một kênh duy nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội thay vì có sự tham gia của cả hệ thống ngân hàng.
Sinh viên khi vay tiền từ Quỹ này được hưởng một lãi suất rất thấp, 0,5%/tháng, và nợ cả vốn lẫn lãi, chỉ sau khi ra trường một năm mới bắt đầu thu hồi. Không thể có một ngân hàng thương mại nào có thể chịu được lãi suất như vậy. Nhưng nếu chỉ giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thì không những rủi ro được tập trung ở một nơi, năng lực thẩm định, cho vay và thu hồi vốn sẽ không bằng các ngân hàng kinh doanh khác, mà nguồn tiền cho vay cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Hàng năm, ngân sách giáo dục nên dành một phần thích ứng để rót thẳng vào các quỹ này, nhưng khoản tiền cho vay không chỉ dựa vào nguồn tiền đó. Nhà nước sẽ “bảo lãnh” để sinh viên đủ điều kiện có thể vay tiền ở bất cứ ngân hàng thương mại nào. Khoản tiền ngân sách này sẽ chi để bù đắp cho các ngân hàng thương mại phần chênh lệch mà các ngân hàng này áp dụng khi cho sinh viên vay so với các nguồn tín dụng thương mại khác. Ví dụ, lãi suất thương mại là 1%/tháng trong khi lãi suất cho sinh viên vay chỉ là 0,5% thì ngân sách nhà nước sẽ được sử dụng để bù đắp phần chênh lệch lãi (1% - o,5%) áp dụng cho các sinh viên. Lãi suất lẽ ra chỉ nên áp dụng với tín dụng sinh viên sau khi ra trường, có việc làm và ngân sách sẽ chi bù vào khoản lãi đã miễn cho sinh viên đó. Ngân hàng Chính sách xã hội nên được nhà nước ủy nhiệm để đứng ra thẩm định và chi những khoản chênh lệch hợp lý cho các ngân hàng thương mại thay vì trực tiếp cho vay. Một phần ngân sách khác sẽ phải được dùng để lập quỹ phòng ngừa rủi ro cho khoản nợ không phải lúc nào cũng dễ đòi này.
Cho dù việc ghi nợ vào bằng tốt nghiệp là một ý tưởng không thể chấp nhận thì lo toan của ông Nguyễn Thiện Nhân cũng có nhiều điểm rất cần được chia sẻ. Chính sách sẽ bị lạm dụng bởi những người không thực sự có nhu cầu nếu không có các chế tài để đảm bảo rằng những khoản vay này sẽ thu hồi được.
Tuy nhiên, vì nó là một chính sách xã hội nên phải tiên liệu là sẽ có những người, cho dù đã vay tiền để học nhưng sau khi ra trường không thể kiếm được việc làm có mức lương vừa đủ sống, vừa đủ để trang trải nợ nần, thì cũng nên được xem xét cho xóa nợ. Nhà nước cũng đã từng cho các doanh nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ xóa nợ thì cũng nên làm như vậy với sinh viên. Cũng có thể có những sinh viên khác chây lì hoặc ngân hàng sẽ gặp khó khăn do không tìm được tung tích của họ sau khi tốt nghiệp. Cứ tiên liệu, mức độ rủi ro là 10% thì, nếu tín dụng cho sinh viên lên đến khoảng 10.000 tỷ/năm (gần gấp 5 lần mức cho vay hiện nay), khoản mà nhà nước thực chi cũng chỉ vào khoảng từ 1.500- 2000 tỷ/năm trả cho cả phần rủi ro và lãi.
Không thể có một chính sách đơn lẻ nào có thể kiểm soát được các khoản nợ này khi nó được “xé lẻ” ra cho từng người. Ghi chú vào văn bằng lại càng là một nỗ lực vô vọng, nhất là đối với những người cố tình trốn nợ (chưa nói tới khía cạnh văn hóa). Không có chế tài nào có thể hữu hiệu tuyệt đối nếu không tạo ra được một thế hệ công dân biết tôn trọng các cam kết, tôn trọng luật pháp, tự hào với việc đã hoàn thành các nghĩa vụ (như là đóng thuế) với nhà nước. Tuy nhiên, các cam kết khi vay cũng nên để cho sinh viên nhận thấy, nếu có khả năng trả nợ mà không trả thì khi bị phát hiện, với “lý lịch tín dụng xấu” đó, họ có thể gặp khó khăn rất nhiều cho tiếng tăm và con đường tiến thân trong tương lai của mình.
Phải có một trung tâm lưu trữ thuộc “chính phủ điện tử” có đầy đủ các dữ liệu cá nhân, kể cả các dữ liệu về thuế, nợ nần… mà khi cần chỉ gõ số chứng minh thư, passport, hay số “an sinh xã hội” là xuất hiện đầy đủ thì mới dễ dàng tìm kiếm những người thiếu nợ. Những sinh viên sau khi tốt nghiệp, không trả nợ, nếu an phận với xe nước mía bên bờ kênh Nhiêu Lộc hay đứng bán sức lao động ở chợ Long Biên thì còn có cơ may thoát. Nếu chưa trả nợ mà cũng đòi đi học lên cao hơn, đòi thăng chức, đòi đi du lịch… thì tất nhiên là sẽ bị phát hiện dễ dàng.
Tìm kiếm những giải pháp để có thể thu hồi những khoản tín dụng đã đầu tư cho sinh viên là cần thiết vì nó còn có ý nghĩa bảo vệ một chính sách đúng. Tuy nhiên cứ loay hoay tìm một chỗ để “đánh dấu” trên mảnh bằng tốt nghiệp, thậm chí loay hoay với các giải pháp trong ngành giáo dục hay ngân hàng cũng không thể nào xử lý được một cách rốt ráo. Cần có những giải pháp đồng bộ để làm minh bạch cả hệ thống mới mong có được sự thành công của các chính sách nhất là những chính sách có mức độ ảnh hưởng lâu dài như chính sách này.
PS: Chiều 28-3-2007, sau khi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi và một vị GS người Việt từ Mỹ về (chưa tiện nói tên) được bố trí gặp ông Nguyễn Minh Hiển, Cựu Bộ trưởng Giáo dục và ông Phan Thanh Bình, khi đó vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM. Ông Hiển được đích thân Thủ tướng giới thiệu là Trợ lý Thủ tướng kiêm Thường trực Hội đồng Quốc gia Giáo dục. Buổi gặp chủ yếu bàn về hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi phát biểu, tôi có đề nghị hai ông so sánh chính sách đầu tư giữa Pháp và Mỹ và đề nghị nên giành một phần ngân sách để đầu tư trực tiếp thông qua các quỹ cho sinh viên vay. Ông Hiển nói là ông cũng đã từng nghe những đề xuất như vậy và ông cho điều đó là cần thiết. Tôi không rõ “Tín dụng Đào tạo” hiện nay là sáng kiến từ ông Nhân hay đã bắt đầu từ thời ông Hiển.
Huy Đức (blog Ôsin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét