Tiễn đưa Tổng biên tập!
Chưa chắc chắn ai sẽ làm tổng biên tập hai tờ báo chính trị có độc giả lớn nhất nước: Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Nhưng, cả ông Lê Hoàng và Nguyễn Công Khế đều phải hoàn tất việc bàn giao trước ngày 31-12. Ông Đặng Thanh Tịnh, phó tổng biên tập (TBT) tờ Thanh Niên và ông Bảy Sơn (Vũ Văn Bình), phó TBT tờ Tuổi Trẻ, sẽ là phó TBT phụ trách hai tờ báo này trong khi chờ nhân sự mới. Như vậy, hiện thời ở Thanh Niên và Tuổi Trẻ không có một phó TBT phụ trách nội dung nào được trên tin cậy.
Cùng phụ trách trị sự như ông Bảy Sơn, nhưng ông Tịnh thực sự là một nhà báo. Bao nhiêu năm qua, ông giấu mình phía sau nên ít ai biết, ở Thanh Niên, ông là người bản lĩnh và am hiểu trên nhiều lĩnh vực. Nếu như, ông Tịnh tham dự vào nội dung nhiều, Thanh Niên sẽ là một tờ báo tử tế.
Ông Bảy Sơn được ông Lê Văn Nuôi đưa từ Thành Đoàn về báo Tuổi Trẻ đã hơn 10 năm, nhưng sẽ là quá sức nếu bây giờ bắt ông phải quyết định bài nào đăng, bài nào gác. Hình ảnh ấn tượng nhất mà tôi nhớ về Bảy Sơn khi ông mới làm Chánh Văn phòng là một người đàn ông ngồi trước một cái laptop hiện đại nhất Tuổi Trẻ, cắm cúi chơi game, nhưng vẫn giữ mặt nghiêm trọng như là đang làm việc. Có lẽ Bảy Sơn sẽ cảm thấy yên ổn hơn nhiều nếu cứ để cho ông tiếp tục đi ký hợp đồng mua giấy.
Chắc chắn có rất nhiều trắc ẩn trong lòng Lê Hoàng, 5 năm trước, ông đã miễn cưỡng khi bị điều từ NXB Trẻ về thay Lê Văn Nuôi. Ông đang được mọi người ở NXB Trẻ yêu mến và bản tính ông cũng không muốn “xông pha lửa đạn”. Tất nhiên, ông biết, dù ngạch trật hành chính ngang nhau, làm TBT Tuổi Trẻ là “lên” so với khi làm Giám đốc NXB Trẻ.
Nếu như, trước đây, ông Lê Văn Nuôi chủ yếu “trị” Tuổi Trẻ bằng cách “tọa sơn quan…” Vĩnh- Phước. Thì Lê Hoàng áp dụng nguyên tắc đồng thuận trong Ban Biên tập. Nguyên tắc này, đôi khi khiến ông gặp khó khăn, vì nhiều ý kiến của ông gặp phải sự bất đồng của một số thành viên, đặc biệt là Quang Vĩnh, một người rất kinh nghiệm tạo ra bất ổn. Cũng không may, ông làm Tuổi Trẻ ở thời điểm mà cơ quan chủ quản đánh giá được tiềm lực kinh tế của tờ báo cũng như của các cơ quan khác như NXB Trẻ, nhà in Lê Quang Lộc… nên đã can thiệp rất sâu. Bản tính mềm mỏng của ông đã không đủ cương quyết để cưỡng lại những can thiệp thô bạo. Và, một vài thành viên trong tờ báo đã khai thác điểm yếu đó để thách thức uy tín ông. Chỉ từ khi, đưa được Quang Vĩnh ra khỏi Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng mới có đủ điều kiện để gây ảnh hưởng lên tờ báo. Nhưng, nhanh quá!
Tuy không xuất thân từ một nhà báo chuyên nghiệp, Lê Hoàng ý thức rất rõ vai trò công luận của một tờ như Tuổi Trẻ và sứ mạng thông tin không thể tránh được của một người làm báo. Ông không thể không đăng những bài viết trong vụ PMU 18. Và đặc biệt gần đây, ông được đánh giá cao khi, đúng ngày Thủ tướng ra trước Quốc hội, cho đăng tin phiên tòa ở Nhật xử vụ PCI có nêu đích danh Huỳnh Ngọc Sỹ (tờ Thanh Niên hôm ấy không đăng). Cho dù ông biết đăng tin này là “đụng”. Khi phóng viên Nguyễn Văn Hải bị bắt, không tìm cho mình một thế “ngoại phạm”, ông trực tiếp ký duyệt tất cả những bài báo gai góc liên quan tới vụ này. Trong những lúc khó khăn nhất, ông luôn có mặt bên Nguyễn Văn Hải. Đặc biệt, giới quan sát, rất cảm kích khi thấy Lê Hoàng đã giữ được tư cách một nhà báo khi trong suốt thời gian chiếc ghế của ông bị lung lay, ông đã không hề “chạy chọt”. Hiện ông Hoàng cũng tỏ ra thanh thản khi được lệnh bàn giao. Có lẽ, nếu như ngay sau khi kết thúc phiên tòa xử hai nhà báo, Lê Hoàng tuyên bố từ chức thì ông đã có được một sự ra đi trọn vẹn.
Tôi không có ý định viết về ông Nguyễn Công Khế trong entry này. Và, vẫn đang rất cân nhắc khi đưa ra bài viết về ông tướng Nguyễn Việt Thành. Nếu những khuất tất trong vụ Năm Cam được phân tích, thì chúng ta sẽ thấy phương thức sử dụng báo chí “làm án” mà tướng Quắc sử dụng trong vụ PMU vẫn chưa đáng là học trò so với những gì mà tướng Thành đã làm trước đó.
Huy Đức (blog Ôsin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét