Mẹ Việt Nam
I. ĐẤT MẸ
1. Mẹ ta
Mẹ Việt Nam không son không phấn
Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam không mang nhung gấm
Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng
2. Mẹ xinh đẹp
Đôi má tươi hồng, má tươi hồng, với bàn tay trắng
Nhỏ người vai lẳn, vú căng tròn, tròn lưng ong
Mẹ nằm phơi gió trăng
Ôi mẹ Việt Nam
Nghiêng mắt xanh chải tóc mây ngàn
Mẹ Việt Nam bên bờ đại dương
Mẹ duỗi chân dài chờ mưa tuôn
Mẹ Việt Nam
Mẹ mong (í) mong chồng, cũng như là ruộng sâu nông
Ruộng cứng hay mềm, cũng êm đềm đón lưỡi cầy tìm da thơm
Mẹ cười trong gió sương
Ôi mẹ Việt Nam
Dâng tấm thân nhuộm nắng nâu ròn
Mẹ Việt Nam.
Đây ruộng đồng trinh
Mẹ khát khao mầm, mầm tươi ngon
Mẹ Việt Nam
Trời đông ánh dương hồng, cũng như chiều vàng mênh mông
Có đàn chim én lượn trên đất xinh, chứa chan tình, là tình mong chờ
Mẹ Việt Nam...
3. Mẹ chờ mong
Mẹ chờ mong ngày trông tháng đợi
Đợi thân trai đội đá vá trời
Với hồn Nữ Oa mẹ giơ tay đón
Với tình nước non mẹ còn chờ mong...
4. Lúa mẹ
Yêu nhau khi lúa chưa mòng
Thương nhau khi nắng khô đồng
Ôm nhau nghe nước mưa ròng, chảy vào lòng cặp tình nhân
Bên nhau khi lúa xanh rờn
Chia nhau bông trĩu thơm vàng
Đem nhau ra giữa sân làng
Nhìn đèn trăng, kể truyện xưa
Xinh xinh bãi lúa xanh rì
Ngoan như cơn gió đêm hè
Nghe hơi dưới đất vỗ về
Một lời thề nặng tình quê
Vươn vai lúa nhớn dậy thì
Mưa thu cưới lúa đem về
Nâng niu lúa chín tới kỳ, kỳ nở hoa, đẹp lòng ta...
5. Mẹ đón cha về
Mẹ đón cha về, đón cha về, duyên thề chắp nối
Cuộc đời trôi nổi, vẫn tươi cười vì lòng vui
Đời nghèo nhưng có đôi
Ôi mẹ Việt Nam
Năm tháng lo gạo gánh nuôi chồng, mẹ Việt Nam
Đêm ngày thầm mong
Lửa bếp thơm nồng tình uyên ương
Mẹ Việt Nam
Mẹ yêu (í) yêu chồng có khi mẹ là Châu Long
nợ trả thay chồng vẫn giữ lòng trắng như ngần và sạch trong
Mẹ là tiểu Kính Tâm, lên chùa giải oan
Ôi xót thương trẻ khóc trong vườn, trẻ con hoang
Ôi mẹ từ bi
Giọt máu rơi này, mẹ nhận là con
Mẹ Việt Nam
Việt Nam có anh hùng, mắt nhung và môi son
Giữa mùa xuân giết giặc yêu nước non, hé môi cười
Nụ cười thanh bình
Mẹ Việt Nam...
II. NÚI MẸ
6. Mẹ hỏi
Lính vua, lính chúa, lính làng.
Trời ơi, giết bao nhiêu giặc cho chàng, chàng phải đi?
7. Mẹ bỏ cuộc chơi
Gió mùa xuân, mẹ bâng khuâng hỏi
Hoa trên đồi, hoa trên đồi sớm tối còn tươi?
Giữa ngày xuân mới, giữa hội mùa vui
Sao vắng tiếng cười?
Sao vắng bóng người?
Tiếng trống, trống năm xưa
Trống đổ đổ đêm khuya
Trên tường thành trăng ngả,
Cho tàn cuộc vui nhỏ
Cho ai tiễn đưa người
Ra đi chốn xa vời, hỡi ai...
Gió hè qua, mẹ ra con hỏi
Khi trên đồi, khi trên đồi
nắng quái chiều hôm
Có phải chàng Trương, gốc miền Nam Xương?
Xa vắng xóm làng vì cha ở chiến trường
Nắng sẽ sẽ không đi, bóng mẹ ngả trên đê
In hình người chiến sĩ, cho mẹ nhìn con trẻ
Con ơi hỡi cha kìa!
Mau ra đón cha về với con.
8. Mẹ trong lòng người đi
Đồi cao, cao núi cao
Rừng sâu, sâu rú sâu
Cũng có, có lối leo đường trèo
Đường treo, treo giữa đèo
Đường dẫu, dẫu hiểm nghèo
Đường ta, ta vẫn có lối theo...
Đường lên, lên núi Lam
Đường sang, sang Thất Sơn
Đường tới những chiến công ngọn nguồn
Hoành Sơn nghiêng dãy nằm
Vạn Kiếp chốn dung thân
Đường đưa ta đến với người thương
Ra đi còn nhớ ngày nao
Nuôi con mẹ vẫn nguyện cầu
Người sinh ra có nhau
Phải thương nhau mến nhau
Nhưng đã có biết bao phen khổ đau
Giặc xâm lăng nước nhà
Phải cứu lấy dân ta
Thì ta lên núi với mẹ già
Anh ơi, phải lính thì đi
Nơi quê em gìn giữ lời thề
Vườn dâu em đốn sâu
Trẻ thơ khôn lớn mau
Cho chiến sĩ bước theo tiếng mẹ kêu
Mẹ giơ tay đón chào
Gìn giữ lũ con yêu
Vì yêu con chiến đấu dài lâu
9. Mẹ trả lời
Giữ dân, giữ nước, giữ làng
Chàng ơi, giữ thân cho nàng, cho nàng (mà) dạy con...
10. Mẹ hóa đá
Gió mùa thu, mẹ ru (mà) con ngủ
Con vẫn chờ bóng cũ người xưa
Bốn nghìn năm qua, bóng về rồi đi
Bóng ngã chiến trường làm phân bón cánh đồng
Tóc núi đã phơi xương, máu nhuộm cả vai non
Ai làm dòng sữa cạn
Xin mời mẹ lên ngọn
Nghe tin nước vui mừng
Cho nên mẹ ứa đôi dòng sữa ngon
Gió mùa đông, mẹ không thấy mỏi
Đứng trông về, đứng trông về bốn cõi trời xa
Xót người nông phu, chắp từng manh áo
Thương gái gánh về thùng bánh ế cuối ngày
Biết mấy nỗi thương vay, thấy trẻ nhỏ giơ tay
Con ngựa người vất vả, xe nặng nề qua ngõ
Thương thi sĩ hay buồn, cho nên mẹ hóa ra hòn núi cao...
III. SÔNG MẸ
11. Muốn về quê mẹ
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê mẹ, muốn về quê mẹ mà không có đò...
12. Sông còn mải mê
Khoan hời hò khoan! Ơi khoan khoan hò hò khoan!
Ai bảo là sông, ơi sông không chờ đò ngang
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không chờ người sang
Sông Hồng cuộn sóng, lôi cuốn sông Lô,
sông Đà, sông Đuống trôi xuống sông Cầu
Nghe Bạch Đằng Giang chôn bao nhiêu xác quân tàu
Sông nào cũng muốn đến trước tranh lấy công đầu
Khoan hời hò khoan, sông còn ngổn ngang cho nên chưa được bình an
Khoan hời hò khoan, sông còn mải mê cho nên chưa về mẹ quê
Khoan hời hò khoan. Khoan hời hò khoan...
13. Sông vùi chôn mẹ
Nhớ xưa, nhớ mẹ, nhớ mẹ xưa mẹ xuống sông rửa nhục anh hùng
Mẹ trôi trên dòng sông Hát, nước ngược xuôi đưa mẹ đi muôn nơi...
Nhớ... chăng, nhớ mẹ, nhớ mẹ chăng, chôn đáy sông mối hận yêu chồng
Chàng Trương có buồn thương khóc, rước mẹ lên, nước thiêng sẽ giải oan
Nhớ mẹ, nhớ mẹ yêu đàn con, thương đàn con nên trao thân cho nước non
Nhớ mẹ, nhớ mẹ, trên trường giang mong đàn con
Sông trôi suốt đời trong trắng
Hỡi ôi! Có ngày, có mẹ vui ôm sóng bơi, vớt củi sông dài
Ngờ đâu sông đảo điên say máu
Nước cuộn mau khiến cho mẹ chìm sâu...
14. Sông không đường về
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông sông dìm mẹ oan
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không đổi mầu luôn
Sông đỏ như máu tranh đấu sông nâu
Sông nghèo xanh yếu, kêu cứu sông giầu
Sông nhuộm vàng mau chia nhau uốn khúc khoe mầu
Sông rồng lôi kéo lũ rắn đi cắn sông Đào
Khoan hời hò khoan
Sông tìm vẻ vang cho nên quên lời mẹ khuyên
Khoan hời hò khoan
Không tìm tình thương cho nên không đường về tim
Khoan hời hò khoan. Khoan hời hò khoan...
15. Những dòng sông chia rẽ
Nước đi là nước không về
Chia đôi dòng nước, chia lìa dòng sông...
Chia đôi bên, bờ bến lạnh lùng
Cho Ngưu Lang và Chức Nữ ngại ngùng
Chia đôi dòng sông Thương, nước bên đục bên trong
Nước ân tình đổi thành ra nước căm hờn
Chia sông Gianh phân tranh mộng đồ vương
Chia con sông Bến Hải buồn thương
Nước yên vui từ nguồn, bỗng gây nên điệu buồn
Dòng lệ tuôn thành sông không có linh hồn
Chia anh em vì quên tiếng gia đình
Chia tay chân và cắt đứt ngang mình
Chia thân hình yêu đương, cắt da thịt chia xương
Trái tim buồn còn hằn in vết thương lòng
Sông tang thương trôi nghiêng nhịp cầu sương
Cho thê lương điếm cỏ Hiền Lương
Nước sông trôi bềnh bồng, thiếu bao nhiêu mặn nồng
Vì dòng sông, dòng sông chia rẽ đôi đường...
Lũ con lạc lối đường xa
Có con nào nhớ mẹ xa thì về...
IV. BIỂN MẸ
16. Mẹ trùng dương
Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của mẹ trùng dương
Mẹ Việt Nam cho quê hương muối trắng thêm thơm mâm cơm mặn nồng
Me còn cho con luôn luôn tôm to cá lớn tươi ngon đầy thuyền
Mẹ hiền không lên bão tố
Mẹ già không đem nỗi khó
Mẹ là mẹ nhà cho mưa với gió hiền khô
Ngày ngày vươn vai ra khơi đón ánh dương soi con tim bồi hồi
Chiều chiều chơi vơi khôn nguôi thương thương nhớ nhớ con trong cuộc đời
Mẹ tìm con trong gió bắc
Mẹ về phương nam nắng gắt
Tình nhà mở cửa đem ra góp với bao la
Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại mẹ hiền
Gió rít thông reo như kêu con mau trở về mẹ yêu...
17. Biển đông không gợn
Hà à a hơ ơ hờ... Biển là biển đông sóng gợn hà à a hơ ơ hờ
Biển là biển đông sóng gợn
Biển đông gợn sóng tứ bề
Gọi thuyền viễn xứ quay về
Biển đông hà à a hơ ơ hờ, hà à a hơ ơ hờ
Sông ra đi từ khi non dại
Từ miền ngoài sông lại Việt Nam
Có từ Hy Mã Lạp Sơn cũng về biển mẹ, thành con một nhà
Hà à a hơ ơ hờ... Hà à a hơ ơ hờ...
18. Thênh thang thuyền về
Buồm căng, buồm căng, lộng gió, lộng gió thênh thang
Thênh thang thuyền về trên sóng trường giang, thênh thang thuyền về
Thuyền về trên lớp sóng vui, trên sóng vui
Thuyền về trên lớp sóng vui, vui vui vui là vui
Đàn con về với, với, với biển khơi, khơi mẹ già
Mẹ già đang đón chờ ta, đang đón ta...
Mẹ già đang đón chờ ta, đang đón ta
Có đàn chim én, én, én từ xa về rồi
Quê ta đẹp lắm mẹ ơi, ơi mẹ ơi!
Quê ta đẹp lắm mẹ ơi, ơi mẹ ơi!
Biển êm sóng lặng, lăng, lắng nước nôi, nôi hiền lành
Về đây xây đắp mối tình, một mối tình
Về đây xây đắp mối tình ôi tình Việt Nam
Yêu nhà yêu nước, nước, nước và thương thương mọi người
Tình tính tang tang tính tình,
Yêu mẹ già, thương mẹ ta
Đàn con nhớ, nhớ yêu nhau
Đàn con nhớ, nhớ thương nhau...
19. Chớp bể mưa nguồn
Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Để người trong nước hết buồn lại vui
Vui buồn chút lệ rơi
Vui buồn khóc lại cười
Mẹ cười mẹ bốc thành hơi
Mây từ biển quý lên ngôi trời già
Mây về khắp cõi đời, mưa rửa lỗi con người...
20. Phù sa lớp lớp mây trời cuộn bay
Triều dâng, triều dâng, ngọn sóng, ngọn sóng theo trăng
Theo trăng vào bờ, ôm lớp phù sa, theo trăng vào bờ
Ngọn triều dâng sóng nhấp nhô, sóng nhấp nhô
Ngọn triều dâng sóng nhấp nhô, xa xa xa là xa
Đồng chua rộng nới, nới, nới thành ra, ra ruộng mềm
Đền bồi cho máu về tim, lên cõi tim
Đền bồi cho máu về tim, lên cõi tim
Có đàn cháu bé, bé, bé nhìn chim, chim ngoài trời
Mây bay đẹp lắm bà ơi, ơi bà ơi!
Mây bay đẹp lắm bà ơi, ơi bà ơi!
Làn mây trắng cuộn, cuộn, cuốn khắp nơi, nơi đợi chờ
Làn mây che nắng bốn mùa, cả bốn mùa
Làn mây che nắng bốn mùa, bốn mùa mộng mơ
Hay là cho nước, nước, nước mẹ mưa, mưa ngọt bùi
Tình tính tang tang tính tình
Cho đời người thêm đẹp tươi
Vì đã biết, biết yêu nhau
Vì đã biết, biết thương nhau...
21. Mẹ Việt Nam ơi!
Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của mẹ mà thôi
Ôi, mẹ Việt Nam!
22. Chung khúc: VIỆT NAM, VIỆT NAM!
Việt Nam, Việt Nam, nghe tự vào đời
Việt Nam, hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi
Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời...
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do, công bình, bác ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam muôn đời...
Phạm Duy
(Khởi soạn tháng 11-1963, kết thúc tháng 5-1964.
Hợp ca: Thái Hằng, Kim Tước, Nhật Trường và Trần Ngọc đảm trách.
Đơn ca và Lĩnh xướng: Thái Thanh, Duy Khánh và Trần Ngọc đảm trách.
Hòa âm và dàn nhạc: Nghiêm Phú Phi, Y Vân, Đan Thọ.
Chỉ đạo Nghệ thuật: Phạm Duy và Ban Hoa Xuân.
Phòng thu: Đài Phát Thanh Sài Gòn 1965. Bổ túc phối khí: Duy Cường 1993).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét