8 thg 1, 2009

Dao duong & Quyen luc cong

Đào đường
& Quyền lực công

Một bé trai 14 tuổi chết hôm 26-7-2008 do rơi xuống một công trình đang thi công gần cầu Nguyễn tri Phương, quận 8, TP HCM. Mười ba ngày trước đó, 13-7, tại Phường Thảo Điền, quận 2, một bé trai bốn tuổi cũng chết do rơi xuống một hố ga đang thi công mà không hề đậy nắp. Năm ngoái, tại Tân Thuận Đông, 4 đứa trẻ cũng đã chết đuối do sụp xuống hố sâu của một công trình đặt đường ống nước. Người dân Sài Gòn, vốn rất dễ xúc động trước những cái chết của các em nhỏ tỉnh xa, trong những vụ đắm đò ở Chôm Lôm, Nông Sơn…, nay, không ít người nhận ra mối đe dọa với con em họ, có thể cũng ở đây, ngay giữa trung tâm TP.

Chưa có vụ việc nào bị khởi tố. Chưa thấy các cơ quan tố tụng truy cứu “trách nhiệm hình sự” trong những trường hợp “gây chết người” này, cho dù, ở TP đã từng có “án lệ”. Mười tám năm trước, giám đốc đơn vị đào đường Hoàng Hoa Thám để đặt đường ống thoát nước đã bị xử 6 năm tù giam do không thiết lập rào chắn, khiến 2 cô cháu chết khi rơi xuống hố sâu 3 mét của công trình đang thi công này. Tính chất của vụ “đào đường Hoàng Hoa Thám” hồi năm 1990 và những vụ bất cẩn gây chết người gần đây là như nhau. Sự khác biệt, có lẽ nằm ở chỗ, Chính quyền hiện nay coi những cái chết như vậy là tai nạn.
Dựng hàng loạt “lô cốt” trên hàng chục tuyến đường của TP để xây dựng các công trình hạ tầng đúng là một việc chẳng đặng đừng. Nhưng, không thể nhân danh lợi ích công cộng để có thể bỏ qua những nguyên tắc an toàn đối với các công trình xây dựng. Không chỉ những trường hợp gây chết người, với nhiều dấu hiệu hình sự, như vừa kể trên mới đáng quan tâm, những thiệt hại cho những người dân sinh sống, kinh doanh ở những nơi có những “lô cốt” này đi qua, nếu cứ nhân danh quyền công mà bỏ qua, cũng rất dễ xảy ra tình trạng lạm quyền của các chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng chúng.
Hàng chục hộ kinh doanh bên dãy số lẻ đầu đường Hàm Nghi, 3 năm trước, bị bịt đường đi lại trong suốt hơn một năm. Có trường hợp phải ngừng kinh doanh, có trường hợp, như khách sạn Quê Hương II, bị vỡ nhiều hợp đồng và bị không ít khách hàng bỏ đi, thiệt hại không thể nào tính hết. Hàng nghìn hộ dân kinh doanh trên các tuyến đường thuộc Dự án môi trường Nhiêu Lộc- Thị Nghè đang phải chịu “ế ẩm” do bị các dãy lô cốt chắn trước cửa nhà nhiều tháng trời. Những công trình như vậy, cho dù là hết sức cần thiết, thì lợi ích của nó là lâu dài và phục vụ cho mọi người. Thiệt hại, rủi ro, vì thế, sẽ là không công bằng khi chỉ buộc những người dân sống cạnh những công trình này chịu đựng.
Kinh phí đầu tư cho những công trình trong TP cần phải được tính bao gồm cả những khoản đền bù cho những người dân bị thiệt hại do việc thi công các công trình gây ra. Bồi thường dân sự không chỉ là đạo lý và trách nhiệm pháp lý của Chính quyền mà còn là một công cụ chế tài các nhà thầu. Những người nhận thi công những công trình như vậy sẽ không dám cẩu thả vì nếu gây ra chết người, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu kéo dài thời gian thi công, họ sẽ phải bồi thường cho những gì mà những người dân ở đó chịu đựng do việc xây dựng các công trình này gây ra. Nên khuyến khích các hộ dân trong những khu vực này kiện các nhà thầu ra tòa. Chính những khoản bồi thường dân sự sẽ là công cụ “kiểm tra, giám sát” hữu hiệu nhất chứ không phải chỉ là các thanh tra viên có thể bị lũng đoạn bởi các nhà thầu xây dựng.
Tám năm trước, khi đoàn làm phim Người Mỹ Trầm Lặng đến Sài Gòn, đạo diễn Philippe Noyce đã rất ngạc nhiên khi được TP cho phép chặn một số tuyến đường ở khu vực Nhà hát Thành phố suốt cả tuần liền để quay phim (tương tự như Đoàn làm phim Người Tình trước đó). Chính Philippe Noyce đã phải thừa nhận rằng, không mấy đâu trên Thế giới chính quyền lại có thể ban cho đoàn làm phim một đặc ân như vậy. Tất nhiên, Đoàn làm phim đã phải bồi thường thỏa đáng cho những hộ dân có cơ sở kinh doanh trong khu vực. Nhưng, những thiệt hại cho những người dân phải đi vòng để tránh Người Mỹ Trầm Lặng thì không được bồi thường. Đoàn làm phim đã khai thác “quyền lực công” mà TP ban cho, để buộc những người dân khác phải chịu phiền hà do quyền lợi hết sức riêng tư của họ.
Không nên trông đợi những người từ xa tới, cũng như những nhà thầu xây dựng, phải quan tâm đến quyền lợi của người dân một khi Chính quyền không tiên liệu hết những điều phiền hà ấy. Sự an toàn về tính mạng và cuộc sống bình thường của người dân là những giá trị mà chính quyền, bất cứ ở đâu, cũng đều sinh ra chỉ nhằm một mục tiêu là bảo vệ. Không lý gì một ông lão 82 tuổi để đắm đò, làm chết các em học sinh ở Nông Sơn, Quảng Nam, phải chịu 3 năm tù giam mà những kẻ đào đường không che chắn để làm chết trẻ em ở giữa một thành phố văn minh lại không chịu tội. Không lý gì những người dân phải chịu đi lại khó khăn, thua lỗ trong kinh doanh chỉ vì sự bê trễ của các nhà thầu. Không thể nhân danh lợi ích công để lạm dụng quyền lực công. Sự nghiêm minh với những công trình do nhà nước đầu tư không chỉ là một đòi hỏi đương nhiên mà còn có tác dụng làm gương cho tinh thần thượng tôn pháp luật.

Huy Đức (blog Ôsin)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét