19 thg 1, 2009

Những gánh hàng rong... (2)


Những gánh hàng rong
xuyên thế kỷ (2)


Hình ảnh tương đương “chú Huê kiều” bán hàng rong ở vùng Đông Nam Á là người bán hàng rong Do Thái ở châu Âu ngày xưa. Không có một quê nhà, dân Do Thái rải khắp châu Âu, sinh sống bằng dịch vụ trung gian, hình thành một truyền thống và những giá trị văn hoá của dân tộc này.

Họ sống tập trung trong đô thị để có an ninh, sự hổ tương và thông tin trong cộng đồng, chia nhau địa bàn bán lẻ ở các làng xóm xung quanh hoặc vùng xa hơn. Trở về nhà sau mỗi chuyến đi bán hàng rong, họ chia sẻ thông tin các loại đã thu thập được, giúp cho bộ óc của cộng đồng hoạch định được chủng loại, qui cách, số lượng hàng hoá theo nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như các biến động và yếu tố chính trị, xã hội có thể ảnh hưởng đến công việc và đời sống của họ.

Vào giữa thế kỷ 19, di dân Do Thái cũng như các di dân khác ở cựu lục địa Âu Á kéo sang Mỹ, thường với hai bàn tay trắng và một cái đầu đầy ước mơ. Trong quyển The Philadelphia Fels, 1880-1920: A Social Portrait, Evelyn Bodek Rosen viết là người bán hàng rong Do Thái ở Mỹ “đi ngược đi xuôi, mang hàng hoá từ nơi này đến nơi khác, những người bán hàng rong liên kết người sản xuất và người tiêu thụ. Khi chuyện trò, họ trao đổi thông tin, liên lạc những người sống nơi xa xôi hẻo lánh với thế giới bên ngoài, kết nối nông dân miền thôn dã và những người khẩn hoang nơi biên ải với thế giới văn minh. Nghề bán hàng rong cung cấp cho người Do Thái một nền học vấn, thường là nền học vấn duy nhứt mà họ có được ở Tân Thế Giới. Trước tiên người bán hàng rong học tiếng nói. Kế đến, qua giao tiếp với khách hàng, người bán hàng rong rút tỉa được kinh nghiệm và kỹ năng kinh doanh. Họ học biết được ai đáng tin cậy, có thể thổ lộ bản thân đến mức nào đối với từng người khác nhau, và hành động như thế nào trong công việc mua bán hàng ngày để mở mang kinh doanh có thêm khách hàng mới.

Tất cả những kỷ năng này sẽ rất có ích cho người bán hàng rong một khi tạo lập được cửa hàng hay doanh nghiệp của chính mình. Mục đích của mọi người bán hàng rong là trở thành một chủ tiệm, chủ doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhứt là nghề bán hàng rong đem lại cho người Do Thái sự độc lập và tự do, điều mà trong thế giới cũ châu Âu với chính quyền quan liêu và cộng đồng cũ kỷ họ đã không có được và hằng khao khát. Đơn độc trong hành trình qua miền thôn dã, người bán hàng rong cảm thấy thoát ra được những giới hạn luật lệ, tập quán, lề thói cũ trong cộng đồng, gia đình.” Những di dân Trung Hoa, Do Thái trước đây chọn nghề bán hàng rong để khởi nghiệp vì họ không cam phận làm công ăn lương, mà ôm tham vọng lớn là thay đổi cuộc đời, có được độc lập kinh tế. Nếu làm một thợ mỏ thì khó mơ trở thành chủ hầm mỏ, một thợ làm đường sắt cũng khó phấn đấu thành ông chủ hãng hoả xa. Nhưng một người bán rong hoàn toàn có thể mơ trở thành chủ tiệm. Tuy có rủi ro, nhưng cũng có cơ hội. Đó là cách thức thành đạt của không ít doanh nhân vĩ đại. Người sáng lập chuỗi cửa hàng bán lẻ Macy’s trên toàn thế giới là con của một người bán hàng rong. Người xây dựng chợ Bình Tây, Quách Đàm, xuất thân mua bán ve chai.

Lịch sử thương mại xứ nào cũng có giai đoạn hàng rong thuở ban đầu để rồi phát triển thành những hình thức kinh doanh hiện đại sau này. Đoàn quân đông đảo nhân viên bán bảo hiểm đi khắp nơi tiếp cận từng khách hàng chính là những người bán hàng rong, chỉ khác là sản phẩm của họ trừu tượng hơn vải vóc, tôm khô, kéo Tàu. Những chiếc taxi giao bánh pizza ở Mỹ hay xe gắn máy giao cơm hộp ở Việt Nam cũng là một hình thức bán hàng rong. Và bán hàng lẻ qua điện thoại, mạng internet, dù có nhân viên giao hàng hay thông qua dịch vụ bưu điện và các công ty vận chuyền, đều là hình thức hiện đại hoá dịch vụ hàng rong trong thế giới ngày nay. Cốt lõi của dịch vụ này là đưa hàng hoá đến tận tay từng người tiêu dùng, chứ không trưng bày hàng hoá ở một nơi cố định chờ người tiêu dùng tìm đến. Dịch vụ này đang ngày càng “nóng” trong thời cạnh tranh dữ dội hiện nay.
Lý Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét